Công việc ấy năm nào cũng diễn ra vì thầy cô sợ học sinh bị lạnh hoặc phải nghỉ học vì ốm…
Sợ các con ốm
Mỗi tối, cô Trần Thị Tuyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đều tìm hiểu thông tin dự báo thời tiết những ngày sắp tới. Cô duy trì thói quen này đã lâu, bởi không chỉ là trường đóng tại địa bàn khó khăn về kinh tế, nơi đây thời tiết khắc nghiệt nhất huyện. Vì thế, cứ mỗi độ rét về, cô Tuyền lại rà soát tất cả điểm trường, xem nhu cầu thực tế của học sinh để tìm nguồn kêu gọi xin từ thiện.
“Thường cứ đầu năm học, nhà trường viết thư kêu gọi trên mạng xã hội; huy động tối đa mối quan hệ của mỗi cá nhân để xin đồ cho học sinh. Ở đây luôn lạnh hơn so với các xã khác. Tầm tháng 10 dương lịch là đã lạnh lắm rồi. Vừa qua, chúng tôi nhận được mấy trăm đôi tất do các anh chị ở Hội lái xe tỉnh Hải Dương gửi tặng cho các con. Món quà đó tuy không lớn, song đã giúp học sinh khó khăn vượt qua mùa đông băng giá để yên tâm học tập”, cô Trần Thị Tuyền chia sẻ.
Sín Chải là xã vùng cao được ví như Hà Giang thu nhỏ bởi nơi đây chủ yếu là núi đá tai mèo. Đồng bào phần lớn là người dân tộc Mông. Cũng bởi đất sản xuất hạn chế nên đời sống nhân dân khó khăn. Thêm vào đó là thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng khác, mỗi khi rời trường, học sinh lại bỏ tất, bỏ dép mà lê la chân trần khắp nơi. Thương bọn trẻ, cô Tuyền mạnh dạn đề xuất với các đoàn thiện nguyện cho phép cô giáo các điểm bản giữ lại tất, cho học sinh sử dụng tại trường.
“Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách giữ ấm cơ thể, nhưng quả thực một số điểm bản xa, học sinh và phụ huynh chưa quan tâm. Số tất giữ lại, sau mỗi buổi học, cô lại mang đi giặt, phơi rồi cất để ngày hôm sau các con dùng tiếp. Nếu không làm vậy chỉ 1, 2 ngày, các con ném đi hết”, cô Tuyền giãi bày.
60 thùng mì tôm - 120 ngày thêm dinh dưỡng
Trường Mầm non Sín Chải nằm cách trung tâm huyện lỵ Tủa Chùa 45km. Trường có 470 học sinh (từ 2 - 5 tuổi) theo học ở 1 điểm trường trung tâm xã Sín Chải và 13 điểm bản lẻ. Trong đó, hầu hết các thôn, bản như: Séo Mí Chải 1, Séo Mí Chải 2, Cáng Chua, Trung Gầu Bua, Háng Khúa, Sáng Tớ, Háng Là là những điểm bản xa xôi và khó khăn nhất. Riêng điểm Háng Khúa nằm cách trung tâm xã hơn 20km đường rừng.
“Nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo, nên chẳng đóng góp được nhiều cho các con. Chế độ hỗ trợ tiền ăn mà Nhà nước cho các con nếu chia ra mỗi cháu chỉ được khoảng 6 nghìn đồng/ngày. Số tiền ấy, chúng tôi chia ra một bữa chính buổi trưa, một bữa phụ buổi chiều. Thường thì bữa phụ của các con là bánh quy. Để bảo đảm dinh dưỡng, chúng tôi lại vận động phụ huynh hỗ trợ những thứ cần thiết như: Củi đun, góp thêm 2 - 3 kg gạo, lúc là bó rau, quả bí. Bố mẹ hỗ trợ được cái gì hay cái đấy. Số tiền lẽ ra phải mua ga, củi, mì chính, mắm muối… sẽ được dành để mua thêm thức ăn cho các con”, cô Tuyền bộc bạch.
27 cán bộ, giáo viên ở Trường Mầm non Sín Chải không quên hình ảnh giản dị, mộc mạc khi chị Mùa Thị Pày, Sùng Thị Tùng và Hạng Thị Mỷ ở thôn Sín Chải khệ nệ bê “sản vật” lên cho cô giáo. Khi thì quả bí ngô, lúc lại là bó rau rừng mà bà con hái được từ sáng sớm mang lên lớp. Lúc đó, các cô vui lắm vì bữa trưa của các con có phần “tươm tất”. Có khi cũng chỉ thêm được miếng đậu phụ rán, trứng rán hoặc vài thìa canh cho mỗi cháu, song như thế đã là mãn nguyện với thầy cô nơi đây.
Mỗi lần đi nương, anh Giàng A Chu, Mùa A Gà ở thôn Cáng Tỷ cũng đều không quên lưu ý những mảnh rừng hay có rau non. Mùa nào thức ấy, các anh luôn cố gắng tranh thủ vừa làm việc, vừa lượm về để gửi lên lớp cho con. Cũng có khi gặp được tổ ong căng mật, các anh mang về để đổi lấy bí, lấy khoai rồi mang lên lớp.
Gần đây có đoàn thiện nguyện lên thăm, tặng quà cho các cháu. Nhìn thấy 60 thùng mì tôm đoàn gửi lại, 27 cán bộ, giáo viên ở đây như “mở cờ trong bụng” vì học sinh sẽ thêm phần ấm bụng trong những ngày đông lạnh.