Khó khăn truyền thụ kiến thức cho trẻ vùng cao nghỉ học vì Covid-19

Khó khăn truyền thụ kiến thức cho trẻ vùng cao nghỉ học vì Covid-19

Cần học sinh nâng cao ý thức

Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên một chiều giữa tháng hai. Ở đây hết sức vắng vẻ bởi học sinh được nghỉ học để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo chung của tỉnh. Lác đác có vài nhóm cán bộ, giáo viên đang lúi húi tưới cây và chăm sóc bồn hoa trong khuôn viên trường học. Họ được phân công theo các ca trực khác nhau, vừa tham gia lau dọn vệ sinh lớp học được phân công, vừa hỗ trợ cán bộ y tế thực hiện các công việc phục vụ phòng, chống dịch.

 Có một vấn đề hết sức khó khăn là trong thời gian nghỉ học như thế này, chúng tôi không có chế tài gì để bắt các em phải học, phải ôn. Tất cả chỉ mong sao các em tự ý thức được rằng thời gian là quan trọng nên mỗi em hãy tự ý thức tìm kiếm tài liệu, liên hệ với bạn bè qua các kênh thông tin để bồi dưỡng kiến thức cho bản thân. Nếu như thầy cô chủ nhiệm lớp có giao đề trực tiếp cho học sinh thì cũng không thể có chế tài nào để xử lý trong trường hợp học sinh không học bài khi thầy cô giao. 
Thầy giáo Phạm Hồng Phong

Thầy giáo Phạm Hồng Phong, Hiệu trưởng nhà trường cũng lên trường mỗi ngày để nắm bắt tình hình sức khỏe của học sinh mỗi khi cán bộ, giáo viên chủ nhiệm lớp báo về. Thầy Phong cũng thường xuyên đôn đốc giáo viên toàn trường quan tâm đến việc củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ học, nhất là đối tượng học sinh các khối lớp 12.

Ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, mỗi ngày giáo viên nhà trường thường lên Website riêng của trường để giao bài tập hoặc các đề ôn tập cho học sinh. Trong thời gian này thầy Phong chỉ mong mỗi học sinh có ý thức tự giác cập nhật thông tin từ thầy cô để tự ôn, luyện mỗi ngày.

Trẻ em khu vực thành phố Điện Biên Phủ tranh thủ giải trí trong thời gian nghỉ tạm
 Trẻ em khu vực thành phố Điện Biên Phủ tranh thủ giải trí trong thời gian nghỉ tạm

Qua ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, giáo viên thì để bố trí thời gian học tập trực tuyến cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ hết sức khó khăn. Nhiều thầy cô mỗi ngày vẫn phải lên trường để trực theo phân công. Các cô còn tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp học để phòng dịch bệnh.

“Chúng tôi cũng rất trăn trở, song trong điều kiện như hiện nay thì thật khó để giám sát việc học tập của các cháu. Kiến thức được nâng cao, phương pháp giảng dạy cũng có nhiều đổi mới. Nhiều bậc phụ huynh cũng không biết thế nào để giám sát việc học của con em mình, đành phó thác cho thầy cô ở trường. Trong khi đó, chúng tôi cũng chỉ có thể giao bài tập, liên hệ qua điện thoại mỗi ngày để đôn đốc, nắm bắt tình hình sức khỏe và học tập của các cháu thôi chứ có điều kiện trực tiếp đến giải đáp thắc mắc của học sinh đâu”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ.

Cái khó của vùng cao...

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên về việc cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã khẩn trương, nghiêm túc tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, việc dạy học tạm thời khi học sinh nghỉ đối với các huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng - là cực kỳ khó khăn.

Học sinh trường Tiểu học Sa Lông trong một buổi đến trường
 Học sinh trường Tiểu học Sa Lông trong một buổi đến trường

Đơn cử như ở huyện Mường Chà. Địa phương này có 45 trường học ở ba cấp: Mầm Non, Tiểu học và THCS với tổng số gần 17 nghìn học sinh. Mường Chà có địa bàn rộng, dân cư không tập trung, đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn việc nhận thức còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc huy động, duy trì số lượng và tỷ lệ chuyên cần của học sinh.

Thầy giáo Đinh Khắc Nghĩa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Chà không khỏi băn khoăn khi đa số học sinh ở đây đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

“Chúng tôi đã chỉ đạo giáo viên các trường trong thời gian phòng, chống dịch bệnh cần thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo từ Sở GD&ĐT và ngành y tế. Ngoài ra giáo viên cũng thường xuyên liên hệ, theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh do mình quản lý. Việc cho các em ôn luyện trong thời gian này là bài toán khó, bởi nhiều phụ huynh không có điện thoại để liên lạc. Điện thoại họ còn không có thì biết thế nào để mà giao bài tập qua các ứng dụng zalo hay facebook. Thế nên không thể triển khai dạy học trực tuyến như những vùng có điều kiện kinh tế phát triển được", thầy giáo Đinh Khắc Nghĩa trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ