Từ giấc mơ trên giường bệnh
Chị Phượng vốn là chuyên viên đào tạo giám đốc điều hành mỏ (thuộc Phân viện Khoa học địa chất và Khoáng sản phía Nam), từng có nhiều năm viết báo, làm chuyên gia cho doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm và vốn sống của mình, chị thấu hiểu được sự nguy hiểm của các tác nhân gây hại đến môi trường sống. Đặc biệt, chị ám ảnh về vấn nạn hàng triệu triệu túi nilon của các bà nội trợ vô tư thải ra môi trường mỗi ngày.
Làm sao để hạn chế được loại rác thải phải đến hàng trăm năm sau mới có thể phân huỷ hết này là một câu hỏi luôn đau đáu khiến chị nghiên cứu, tìm tòi giải pháp.
Rồi chị bị mắc bệnh hiểm. Trong những lúc nửa tỉnh nửa mê, chị toàn mơ thấy thảm cảnh: Những dòng sông, dòng suối nước đen ngòm bị tắc nghẽn bởi vô số bọc nilon; những làng quê, cánh đồng bạc phếch nắng gió, cây xanh trơ trụi lá rủ mình dưới những bọc nilon bay phất phới…
Chị thường lạnh run sau những cơn mơ như vậy. Hồi tỉnh từ bàn mổ chị đem chuyện về giấc mơ tồi tệ ấy kể cho bác sĩ nghe và được giải thích rằng “những người có nghị lực và sự quyết tâm “sống chết” với công việc của mình thì dễ xuất hiện trong những giấc mơ và họ thường có khả năng vượt qua bạo bệnh”.
Sau hai năm điều trị K, sức khỏe dần hồi phục, chị Phượng quyết định thành lập Công ty TNHH SX – TM Tổng Hợp II (TPHCM), sản xuất túi nilon tự phân hủy sinh học Gimex II.
Sản phẩm của chị được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường. Chị Phượng cho biết sản xuất túi nilon tự hủy sinh học khác với túi nilon thông thường. Bởi lẽ, trong nguyên liệu có dùng hạt nhựa tự hủy nhập khẩu từ Vương quốc Anh, vì vậy giá thành cao hơn từ 7- 10% túi nilon thông thường.
Do giá cao hơn nên tiểu thương ít chọn lựa, trong khi người tiêu dùng ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và sự vào cuộc chưa quyết liệt của cơ quan chức năng dẫn đến “đầu ra” cho các loại túi nilon tự hủy thật sự là bài toán khó giải.
Những ngày đầu, để mọi người biết đến túi nilon tự hủy do mình sản xuất, chị Phượng lân la mang hàng đến từng khu chợ nhỏ thuyết phục tiểu thương, người tiêu dùng. Tháng này qua năm khác, chị Phượng cần mẫn như con tằm đến các tổ chức xã hội, trung tâm thương mại, các chợ, cửa hàng nói cho mọi người nghe về tác dụng của túi nilon tự hủy và hệ lụy của các túi nilon thông thường.
Mưa dầm thấm lâu. Đến nay, câu chuyện về “Người đàn bà đi bán túi nilon tự hủy” đã có được những kết quả khả quan. Hiện tại, các loại túi nilon tự hủy Gimex II được chị cung cấp cho các siêu thị lớn như LOTTE Mart, VinMart, Emart, Big C, Satra Foods và hàng nghìn chợ truyền thống, cửa hàng bán tạp hóaở miền Nam và miền Trung.
Tự tin chinh phục thị trường thế giới
Trên thế giới, hầu hết các nước phát triển đã sử dụng túi nilon tự phân huỷ sinh học từ lâu. Văn hóa thân thiện với môi trường ở các nước tiên tiến sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường cho sản phẩm túi ni lông tự hủy của chị. Vì thế, song song với phát triển thị trường trong nước, chị Phượng quyết “bạo gan” tìm cách đưa túi ni lông tự hủy qua các nước.
Lúc đầu chị Phượng gặp không ít khó khăn khi sản phẩm của mình còn “mới toanh” trên thị trường quốc tế. Nhưng chị không ngần ngại, mà kiên nhẫn tìm cơ hội có thể tiệp cận các đối tác, trình bày những tính năng cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn mà họ đưa ra và dần dần tiếp cận được thị trường nước ngoài.
Chị Phượng cho biết: “Túi nilon tự hủy của công ty đến được với thị trường các nước châu Âu nhờ sản phẩm đạt các tiêu chuẩnvề thương mại, hóa lý và thân thiện với môi trường. Sản phẩm của công ty đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu, giá cả của mình cạnh tranh hơn doanh nghiệp khác cũng là một yêu tố để người ta chọn mình”.
Hiện công ty của chị cung cấp khoảng 50 tấn túi nilong tự hủy mỗi tháng cho thị trường nội địa và 100 tấn túi các loại cho thị trường Pháp, Italia, Anh, Singapore, Australia, Đức.
Theo Sở Công Thương TPHCM, năm 2010 khối lượng túi nilon khó phân hủy tại các chợ trên địa bàn TPHCM là 2.605 tấn/năm; năm 2015 tăng lên 2.912 tấn/năm, tỷ lệ tăng là 11,7% so với năm 2010, dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020.
Khối lượng túi nilon sử dụng tại các trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố là 280 tấn/năm 2010, đến năm 2015 khối lượng sử dụng đã tăng hơn gấp đôi khoảng 615 tấn/năm, tăng 119% so với năm 2010.
Nhìn những con số trên để thấy rằng, nữ doanh nhân Phan Thị Thúy Phượng nhọc nhằn như thế nào để hiện thực hóa giấc mơ xanh của mình.