Các trải nghiệm VR Holomia giúp các em đến với thiên nhiên, thế giới động vật, vũ trụ bao la, gặp gỡ các nhân vật trong truyện tranh, truyện cổ tích hay thăm khu vui chơi, các miền đất xinh đẹp trên thế giới “ảo mà như thực”.
Phạm Quỳnh Anh - Trưởng Dự án Nemo VR Kid cho biết: “Dự án Nemo VR Kid tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương được bắt đầu bằng việc tìm hiểu sức khỏe, thông tin các bé từ tháng 10/2018 và triển khai thực tế từ tháng 12/2018. Chương trình diễn ra mỗi tháng một lần, giai đoạn một trong vòng 6 tháng, sau đó tổng kết để phát triển tiếp.
Được sự trợ giúp của Phòng Công tác Xã hội, BN đủ điều kiện sức khỏe sẽ được đưa đến phòng thư viện - nơi tổ chức các buổi sinh hoạt vui chơi riêng, trải nghiệm thực tế ảo. Trước khi trải nghiệm, các anh chị phụ trách cho BN khởi động nhẹ nhàng bằng cách vận động đơn giản, ca hát, nhịp phách, kể chuyện, tạo không khí vui tươi.
Chương trình được chia làm 2 khu: Trải nghiệm kính thực tế ảo (VR) và trải nghiệm tô màu thực tế tăng cường (AR). Khu trải nghiệm VR, BN từ 5 tuổi trở lên, từng tốp 5 bạn sẽ lần lượt đeo kính thực tế ảo, được Doraemon đưa đi du hành khám phá các miền đất xa xôi, quan sát các con vật ngoài tự nhiên, vui chơi trong công viên giải trí, hay lặn sâu xuống đáy biển, du hành vũ trụ bao la kỳ thú...
Khu tô màu AR, dành cho BN dưới 5 tuổi. Các bé sẽ được ngồi thành các nhóm cùng nhau tô màu. Khi các bé tô xong, các lập trình viên sẽ “biến” thành những hình ảnh chân thật và sống động. Các bé tận mắt chiêm ngưỡng thành quả của mình qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) trên chiếc Ipad. Bức tranh 2D của các bé qua công nghệ AR sẽ trở thành những con vật 3 chiều, có thể chuyển động, tương tác với bé. Chẳng hạn, con bò từ trong tranh vẽ của các em bỗng cử động, lắc lắc cái đầu.
BN Thu Hà, 10 tuổi, chia sẻ: “Khi được các cô chú cho đeo kính, con cảm giác mình đang lặn ở dưới đáy đại dương, thấy được nhiều con vật, có cả con cá voi. Cảm giác ảo mà như thật. Con rất thích trải nghiệm này”. “Buổi trải nghiệm này giúp ích rất nhiều cho trẻ em. Các cháu vào đây phần lớn mắc bệnh nặng, phải điều trị nội trú kéo dài bằng hóa chất, rất đau đớn, không được đến trường, cả ngày quanh quẩn trong bệnh viện. Vì thế, được đến với thế giới ảo, cháu nào cũng thích thú”, chị Thu Chuyên, ở Bình Lục (Hà Nam) có con đang điều trị tại viện cho biết.
Đem lại những điều ý nghĩa
“Trong lúc phát triển công nghệ thực tế ảo, Holomia nhận thấy nếu áp dụng đúng, đây sẽ là cầu nối con người tới những không gian, thời gian không giới hạn, vốn xưa nay chỉ có trong trí tưởng tượng. Trẻ em là tương lai của đất nước, đặc biệt với những em có hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị nội trú tại bệnh viện ít được tiếp cận với thế giới bên ngoài, rất thiệt thòi. Đây chính là lý do tại sao Holomia đã tìm cách phát triển dự án mang công nghệ tới các nơi có trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trong đó BN tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương là chọn lựa đầu tiên. Chính thế giới ảo đã giúp các em khám thế giới tự nhiên, hòa mình vào những câu chuyện cổ tích, qua đó các bé sẽ thấy ý nghĩa trong cuộc sống và giúp các em vun đắp những ước mơ tương lai”, Phạm Quỳnh Anh chia sẻ.
Mỗi tháng, dự án tổ chức một lần vào ngày thứ 2, tuần thứ 3 của tháng. Đến nay đã được 3 tháng,với chủ đề sinh hoạt khác nhau. Chẳng hạn, tháng 3, nhóm thanh niên dự án mang đến nội dung là chuyến du hành cùng với Doraemon. Các anh chị của dự án chưa đến nhưng nhiều bé đã háo hức đợi, mặc dù trên tay vẫn còn mang kim truyền. Tham gia dự án Holomia toàn anh chị thanh niên vui tính nên các BN rất dễ gần. Ngày đầu tiên triển khai các thành viên kết hợp với Phòng Công tác xã hội bệnh viện đến từng phòng mời các bé tham gia trải nghiệm. Ban đầu các bé còn e dè, ngại ngùng nhưng nhờ nội dung trải nghiệm thú vị, hấp dẫn đã thuyết phục được các bé tham gia ngày càng đông.
Buổi khám phá thế giới ảo đầu tiên đã thu hút gần 40 bé tham gia trải nghiệm, con số đó tăng dần qua mỗi chương trình. Có bé lần nào cũng tham gia nhiệt tình, mỗi chương trình đòi xem đi xem lại vài lần và lần nào cũng thấy một cái gì đó mới. Có lẽ, nhìn những nụ cười tươi trên gương mặt trẻ thơ, tạo nên động lực để team Nemo có thể tiếp tục thực hiện chương trình này.
Có thể thấy, qua mỗi buổi trải nghiệm, các BN đều rất thích thú, hào hứng. Với các bé hay người nhà, lần đầu tiếp xúc với công nghệ mới nên ban đầu có chút e dè, nhưng sau thấy các bạn đều phấn khích thì cũng muốn tham gia. Ví dụ như cảm giác được ngồi trên tàu du hành thời gian của Doraemon thì đọc truyện hay xem phim cũng không bao giờ cảm nhận được hết. Các bậc phụ huynh tham gia cùng con, thấy con cười đùa, vui chơi với bạn bè sau những mũi tiêm, kim truyền hàng ngày, nỗi buồn như cũng vơi đi.
Holomia mong muốn hướng tới không chỉ các bé đang phải chống chọi với bệnh tật ở các viện mà còn các bé có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số cũng được trải nghiệm thế giới ảo. Hy vọng, trong thời gian tới, Nemo có thêm những cơ hội giúp nhiều bé khám phá, học hỏi những điều thú vị về cuộc sống thông qua trải nghiệm ảo.