Màn hình cong, niềm hy vọng để giúp smartphone hết nhàm chán

Những chiếc smartphone với màn hình phẳng đã trở nên nhàm chán, và loại màn hình smartphone cho phép uốn cong thậm chí là gập lại, được kỳ vọng sẽ tạo nên "cuộc cách mạng" mới.

Màn hình cong, niềm hy vọng để giúp smartphone hết nhàm chán

Một chiếc smartphone hình chữ nhật có màn hình cho phép uốn cong và đeo quanh cổ tay như chiếc vòng và tự thắt chặt lại? Có lẽ khi mới chỉ nghe đến đây, bạn cho rằng đó là một thiết bị bất khả thi và không tồn tại.

Thế nhưng, trong thế giới công nghệ, không có điều gì là không thể, và rất có khả năng, loại smartphone này sẽ giúp chúng ta không còn thấy nhàm chán với những mẫu điện thoại thông minh như hiện nay.

Trên thực tế, Lenovo từng trình diễn một concept điện thoại như mô tả ở trên hồi tháng 6. Có tên gọi CPlus, thiết bị được Lenovo ra mắt cùng 2 mẫu điện thoại dạng modular Moto Z và Phab 2 Pro (điện thoại đầu tiên dùng phần mềm Tango của Google để trải nghiệm thực tế tăng cường - AR).

CPlus mới chỉ là 1 concept, nhưng nó có thể sẽ là tiền đề cho tương lai của những mẫu điện thoại cho phép uốn cong hoặc thậm chí là gập được.

Vì sao chúng ta cần smartphone cong hay gập?

Những thiết bị điện tử cho phép uốn, gập chắc chắn sẽ tạo ra sự độc đáo, ít nhất là về mặt trực quan. Đơn giản bởi hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay không thể làm được điều này - trừ khi chúng có thiết kế dạng bản lề.

Đó cũng là minh chứng cho thấy, không có giới hạn nào về mặt khoa học và thiết kế nào mà công nghệ không thể vượt qua. Thế nhưng liệu loại smartphone này có tác dụng nào khác hay không? Trên thực tế, hiện nay chúng có một số công dụng nhất định.

Một chiếc smartphone cho phép gập lại giúp bạn sở hữu một thiết bị với kích thước nhỏ hơn để mang theo bên mình dễ dàng hơn. Nó cũng giúp bạn tăng gấp đôi kích thước màn hình.

Bên cạnh đó, "các hãng có thể sản xuất loại thiết bị này như in báo", theo nhận định của Roel Vertegaal, Chủ tịch Phòng thí nghiệm Human Media tại trường đại học Queens của Canada. Sản xuất linh kiện điện thoại theo cách này có thể sẽ giúp chi phí được rẻ hơn, Vertegaal nói thêm.

Màn hình cong cũng hứa hẹn sẽ giúp thay đổi cách chúng ta cầm hay điều hướng điện thoại so với màn hình phẳng, như uống cong màn hình để thực hiện một hành động nào đó khi chơi game…

Liệu có nhược điểm hay không?

Lenovo không phải hãng đầu tiên đưa ra ý tưởng về những chiếc smartphone uốn cong. Trên thực tế, các bản dùng thử prototype của loại smartphone này xuất hiện từ năm 2011 từ một tên tuổi không còn xa lạ gì với chúng ta: Nokia.

Samsung mới đây cũng xin được cấp một bằng sáng chế về một chiếc điện thoại gập được, và đó có thể là dấu hiệu cho thấy công ty Hàn Quốc muốn đưa dòng điện thoại cong Edge của mình lên một tầm cao mới.

Trong khi đó, một nguồn tin tiết lộ rằng LG Electronics sẽ cung cấp màn hình cong cho Apple, Google và Microsoft để 3 ông lớn này sử dụng trên smartphone ra mắt năm 2018.

Với Lenovo, hãng cũng đang phát triển một chiếc tablet gập được để giúp người dùng có thể dễ dàng mang theo bên mình. Hãng cũng từng trình diễn thiết bị này trong sự kiện ra mắt CPlus cách đây 6 tháng.

Có lẽ chúng ta đã quên Samsung Galaxy Round, thế nhưng đây chính là tiền đề cho sự ra đời của Galaxy S7 Edge ngày nay.

Tuy nhiên, ngay cả khi điện thoại cong, gập đang được các hãng gấp rút nghiên cứu và đang được thử nghiệm trong các phòng thí nghiệm bí mật, người dùng không nên kỳ vọng chúng sẽ sớm xuất hiện rộng rãi trên thị trường.

Các nhà sản xuất hiện nay có xu hướng thận trọng khi đưa ra một thiết kế mới, bởi nếu sản phẩm mang tính đi đầu của họ không thành công, nhà sản xuất sẽ phải chịu những thiệt hại nặng nề.

Có thể dẫn ra đây 1 ví dụ là chiếc điện thoại Galaxy Round - smartphone màn hình cong của Samsung. Mẫu điện thoại concept này sau khi ra mắt gần như chưa bao giờ rời biên giới Hàn Quốc.

Samsung phải mất nhiều thời gian cải tiến thiết kế máy, để rồi phải tới 2017 chúng ta mới có được chiếc S7 Edge với màn hình cong ở cả 2 cạnh. 

Khi áp dụng các công nghệ hoàn toàn mới, mà cụ thể trong trường hợp này là màn hình cong, nhà sản xuất sẽ phải đối mặt với một số thực tế:

Chi phí sản xuất cao (bởi vậy giá bán sẽ rất đắt và đồng nghĩa là có ít người mua).

Chỉ bán được với số lượng hạn chế.

Chỉ bán ở một số thị trường để thử phản ứng của người dùng.

Khi điện thoại cho phép bạn gập hay uốn cong nhiều lần, theo thời gian sử dụng nhà sản xuất cũng sẽ phải tính đến các hư hại xảy ra với thành phần này.

"Tôi không hiểu vì sao rất thích bẻ cong điện thoại. Về sau tôi còn phải cho nó vào trong chiếc case bảo vệ OtterBox để tránh lạm dụng thói quen đó" - Chris Schmandt, Giám đốc Living Mobile Group tại Phòng Thí nghiệm Media của đại học MIT cho biết.

Thiết kế cong có thể cũng sẽ làm thay đổi các phần cứng, như pin, bo mạch chủ, mà nhà sản xuất dùng bên trong thiết bị. Những thành phần này nhiều khả năng cũng sẽ phải cho phép uốn dẻo hoặc được cấu hình lại để không bị hỏng hóc khi người dùng uốn cong máy.

lg-g-flex-2.

Nhà sản xuất nên làm gì?

Với quá nhiều hạn chế được chỉ ra ở trên, smartphone màn hình cong không chắc chắn sẽ tạo ra một cú hit lớn - ít nhất là trong tương lai gần. Vậy các nhà sản xuất có nên đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển nó hay không? Câu trả lời cho thắc mắc đó thật không dễ dàng.

Nguyên nhân là bởi, với thị trường smartphone, không ai có thể dự đoán chính xác xu hướng trong tương lai sẽ là gì và người dùng sẽ háo hức đón nhận những công nghệ nào. iPhone là một minh chứng điển hình.

Trước khi chiếc iPhone lầu đầu tiên xuất hiện vào năm 2007, chẳng ai đoán được người dùng sẽ tiếp nhận một chiếc điện thoại với màn hình cảm ứng đa điểm, không có bàn phím vật lý.

Thế nhưng, có một thực tế rằng, nếu một hãng đi tiên phong tạo ra được trào lưu mới bằng những công nghệ cách tân và hữu dụng, thành công nhiều khả năng sẽ đến với họ; hoặc ít nhất hãng đó sẽ có những lợi thế so với đối thủ nếu công nghệ cách tân đó "cất cánh".

"Samsung có thể được hưởng lợi lớn nếu trở thành hãng đầu tiên ra mắt các thiết bị điện tử có khả năng gập được. Hy vọng rằng công ty Hàn Quốc sẽ để lại phía sau những đen đủi với Galaxy Note 7 để tiếp tục đưa những cách tân của hãng ra thị trường" - Nhà phân tích Wayne Lam của IHS Markit nhận định.

Một điều nữa mà người dùng có thể kỳ vọng, đó là công nghệ màn hình smartphone mới này sẽ giúp các nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới - sau khi dựa trên những tác dụng của chúng - cho ra đời những thiết bị hữu dụng và thiết thực.

Sau tất cả, công nghệ nào cũng cần phải trải qua quá trình thử nghiệm để cả ngành công nghiệp smartphone chỉ ra được tính năng nào có thể áp dụng và tính năng nào không.

Chỉ có như vậy chúng ta mới có được những sản phẩm tốt để phục vụ cuộc sống, giống như cách chúng ta "sống không thể thiếu" smartphone trong những năm tháng mà điện thoại thông minh phát triển như vũ bão cách đây chưa quá lâu.

Theo ICT News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.