Tắm bể bơi công cộng dễ mắc bệnh ngoài da
Để thoát khỏi cái nắng oi bức trong những ngày hè, mọi người thường có xu hướng tìm tới các bể bơi công cộng. Cũng như mọi người, anh Đỗ Công Long, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thường tới để bơi công cộng để tắm mát. Ngâm mình trong bể nước, anh cảm giác như được xả hết cái nóng ngày hè. Nhưng gần đây, anh thấy trên lưng bỗng xuất hiện những vết mụn nhọt và ngứa. Ban đầu, anh chỉ nghĩ do trời nắng nóng nên rôm sảy, ngứa ngáy. Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngày một nặng, trên da của anh xuất hiện những u nhọt có mủ, khi sờ vào thì thấy đau nhức khiến cho anh cảm thấy khó chịu. Anh đi khám thì được bác sĩ cho biết đã bị viêm nang lông do đi bơi thường xuyên ở nơi có nguồn nước không đảm bảo.
Ảnh minh họa.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho hay: “Tình trạng quá tải của bể bơi công cộng, nhất là trong những ngày nắng nóng, khiến cho lượng tế bào chết có trong nước nhiều. Đặc biệt thói quen xấu của một số người khi đi tiểu vào ngay trong nước bể bơi, khạc nhổ nước bọt bừa bãi càng khiến cho nước dễ bị ô nhiễm”.
“Trong trường hợp nguồn nước tại các bể bơi công cộng không đạt chuẩn, hệ thống khử nước không đảm bảo và nước không được thay thường xuyên… là điều kiện thuận lợi cho các cho vi khuẩn phát triển gây ra một số bệnh trên da như: viêm da dị ứng, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông, nhiễm nấm… Những biểu hiện dễ thấy là mẩn ngứa, nổi ban đỏ, mụn nhọt có mủ. Ngoài ra, một số bể bơi có sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh cũng có nguy cơ gây kích ứng cho da”, bác sĩ Nguyễn Văn Thường nói.
Nguy hiểu nhất là những trường hợp người bị nấm da khi tắm tại bể bơi công cộng có thể là nguồn lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Thông qua tiếp xúc với nước trong bể bơi, nấm sẽ bám vào da, quần áo… của những người tắm cùng, làm lây bệnh nấm da.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cũng khuyến cáo đối với những trường hợp thường xuyên đi tắm bể bơi công cộng cần phải chọn những bể bơi đã được chứng nhận. Tuyệt đối không nên tắm tại những bể bơi khi thấy nước đục, ghét nổi lềnh bềnh. Do là bể bơi công cộng nên xây dựng ý thức chung cho mọi người là rất khó. Tuy nhiên, người mắc các bệnh về da thì cũng không nên đi tắm để tránh phát tán bệnh cho cộng đồng. Đi bơi tại bể bơi công cộng sau khi lên bờ cần tắm gội sạch sẽ và mang theo quần áo sạch để thay.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai thì trẻ nhỏ và người lớn thường xuyên đi bơi tại những bể bơi công cộng dễ bị mắc bệnh về mắt như viêm kết mạc (đau mắt đỏ) do nước hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, tồn tại nhiều vi khuẩn gây hại cho mắt.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Trẻ nhỏ thường đi tắm bể bơi cũng dễ mắc bệnh đường hô hấp do nước lọt vào tai, mũi, họng không được vệ sinh kỹ. Đặc biệt, trẻ nhỏ xuống nước thường ham chơi, ngâm mình trong nước lâu nên dễ bị nhiễm lạnh, gây cảm lạnh. Cha mẹ cần lưu ý không nên cho trẻ đi bơi vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì đây là thời điểm dễ bị nhiễm lạnh.
Có nguy cơ mắc bệnh phụ khoa từ bể bơi công cộng hay không?
Rất khó có thể mắc bệnh phụ khoa khi đi bơi tại các bể bơi công cộng
Có nhiều thông tin cho rằng đi bơi tại bể bơi công cộng rất dễ mắc phải các bệnh phụ khoa. Về vấn đề này, bác sĩ Hồ Mai Hoa, bác sĩ Chuyên khoa I, Giảng viên Quốc gia chương trình Sức khỏe, sinh sản khẳng định: “Khả năng lây nhiễm bệnh phụ khoa từ bể bơi công cộng là rất khó có thể xảy ra. Trong âm đạo có một hàng rào bảo vệ đó là những vi khuẩn có lợi như lactobacilli, giữ cho âm đạo tránh được những xâm nhập bất lợi từ môi trường bên ngoài. Một số trường hợp lội nước, ngâm mình trong nước cực bẩn và ô nhiễm mới có khả năng dễ bị viêm nhiễm. Thường thì viêm nhiễm phụ khoa dễ xảy ra trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp, quan hệ tình dục…”.
Bác sĩ Hồ Mai Hoa lưu ý những người có tổn thường hở tại vùng kín, lộ tuyến, bệnh sùi mào gà… nên hạn chế đi bơi tại bể bơi công cộng để tránh trường hợp nguồn nước bị ôi nhiễm, làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa.