Malaysia giải quyết hậu quả đóng cửa trường học thế nào?

GD&TĐ - Khi các trường học tại Malaysia tiếp tục đóng cửa, nhiều phụ huynh lo lắng tiến độ học tập của con cái bị sụt giảm.

Học sinh Malaysia đeo kính chắn giọt bắn trong lớp học trước khi trường đóng cửa.
Học sinh Malaysia đeo kính chắn giọt bắn trong lớp học trước khi trường đóng cửa.

Trước khó khăn này, Bộ Giáo dục đã xây dựng nhiều biện pháp đối phó phù hợp với chương trình dạy trực tuyến.

Ngày 6/6, ông Mohd Radzi, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, thông báo, trường học phổ thông các cấp sẽ tiếp tục tạm đóng cửa trong 25 ngày tiếp theo. Học sinh sẽ chuyển sang học trực tuyến trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát.

Kể từ 1/6 đến 14/6, Malaysia đã phong tỏa toàn quốc, đóng cửa mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, trừ những cơ sở kinh doanh thiết yếu. Dự kiến việc đóng cửa trường học sẽ khiến năm học 2021 - 2022 bị gián đoạn. Cha mẹ học sinh đã bày tỏ lo lắng về trình độ học tập của con cái trong thời gian tới.

Chị Jessica Teng, phụ huynh có 3 con đang học mẫu giáo và tiểu học, bày tỏ lo lắng trước tiến độ học tập trong thời gian tới. Các con chị học 4 - 5 lớp trực tuyến mỗi ngày, bắt đầu từ 8 giờ sáng với trẻ tiểu học và 9 giờ sáng cho trẻ mẫu giáo. Mỗi tiết học kéo dài khoảng 1 giờ song bà mẹ cho rằng học online không hiệu quả.

Chị Jessica cho biết: “Tôi thường xuyên phải để mắt tới con út học mẫu giáo vì giáo viên yêu cầu cháu tương tác qua máy tính bảng. Nhưng tôi cũng phải kiểm tra hai con lớn 30 - 45 phút/lần vì các cháu thiếu tập trung. Tôi đã bắt gặp con trai thứ hai ngồi ngẩn ra, nghịch tẩy, thậm chí xem YouTube dù giáo viên đang giảng bài”.

Trong khi chị Mdm Nasreen Hani cảm thấy mệt mỏi khi phải giảng bài cho con gái đang học lớp 2. Tại trường, cô giáo cháu dạy khác với phương pháp chị được học nên chị không thể diễn đạt giúp con hiểu bài. Dù đã sang lớp 2, con gái chị Hani vẫn chưa nắm vững kiến thức cơ bản của một số môn học lớp 1 như tiếng Malaysia.

Bà Melissa Tanya Gomes, Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Edvolution Enterprise, cho biết, việc đóng cửa trường học khiến học sinh bị mất một khoảng thời gian học thực tế. Điều này sẽ khiến kết quả học tập của các em sụt giảm. Về lâu dài, nó sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý, kỹ năng xã hội của trẻ.

Để giải quyết những vấn đề trên, ông Mohd Radzi cho biết, Bộ Giáo dục đã thiết kế lại chương trình giảng dạy phổ thông. Theo đó, chương trình học sẽ chia làm ba nội dung chính gồm cơ bản, trung bình và nâng cao.

Giáo viên sẽ tập trung hoàn thành nội dung cơ bản. Khi bảo đảm học sinh đã nắm đc kiến thức này, giáo viên sẽ chuyển sang nội dung trung bình và nâng cao nếu thời gian cho phép.

Song song, chương trình giáo dục trên truyền hình quốc gia Didik TV sẽ tiếp tục phát sóng 15 giờ hàng ngày cho học sinh gặp vấn đề kết nối Internet. Các kênh TV Okey, Astro Tutor TV cũng phát sóng bài giảng 2 - 4 giờ/ngày để phục vụ nhu cầu học tập của trẻ em.

Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Tài chính phân bổ khoảng 150.000 máy tính xách tay cho trẻ em thuộc gia đình khó khăn, không có thiết bị công nghệ. Đến ngày 6/6, gần 13.000 học sinh tại 95 trường học trên toàn quốc đã nhận được máy tính. Số còn lại sẽ được phân phát đến cuối tháng 9.

Trong năm học này, Bộ Giáo dục sẽ hỗ trợ giáo viên, học sinh thông qua đường dây tư vấn. Thầy trò có thể gọi điện để chia sẻ khó khăn cá nhân hoặc khó khăn tại trường học để Bộ Giáo dục cùng chính quyền địa phương tìm hướng giải quyết.

Bộ còn tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng công nghệ cho giáo viên để người thầy có thể làm chủ công nghệ thông tin và số hóa. Với những nỗ lực trên, Malaysia hy vọng có thể bù đắp khoảng thời gian học trực tiếp bị mất đi do đại dịch.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ