Giáo dục Malaysia nguy cơ tuột dốc

GD&TĐ - Quyết định của Bộ GD Malaysia trong việc thành lập một ủy ban đặc biệt để cải thiện xếp hạng về GD của nước này đang bị chỉ trích nặng nề sau khi kết quả mà HS Malaysia đạt được trong cuộc thi đánh giá khả năng HS PISA ở dưới mức trung bình.

Học sinh Malaysia ôn bài
Học sinh Malaysia ôn bài

Kết quả đáng lo ngại

Trong kết quả thi PISA mới nhất (năm 2012), Malaysia xếp thứ 52 trong số 65 quốc gia tham dự.

Theo kết quả PISA, những HS 15 tuổi của Pisa không chỉ dưới mức trung bình quốc tế ở 3 môn học quan trọng mà còn tụt hậu 5 năm so với các nước có điểm số cao nhất.

Malaysia dường như bị kẹt trong nhóm các nước xếp cuối cùng trong bảng điểm của PISA và còn tụt lùi so với kết quả của năm 2010. 

Dù đã ở vị trí thấp, Malaysia còn bị các nước khác trong nhóm như Kazakhstan, vượt qua. Không những vậy, khoảng cách điểm số của Malaysia so với các nước đứng đầu lại tăng thêm.

Những lời chỉ trích

Nghị sĩ Zairil Khir Johari – Người chỉ trích mạnh mẽ hệ thống GD Malaysia, đã đưa ra câu hỏi, liệu rằng ủy ban đặc biệt trên lại gây phí phạm tiền thuế của nhân dân hay không.

Nghị sĩ Bukit Bendera cũng đề cập tới việc Bộ GD Malaysia thuê nhóm tư vấn McKinsey & Co của Mỹ - những người không phải là chuyên gia GD mà chỉ là tư vấn quản lý với giá 20 triệu RM (6 triệu USD) để chuẩn bị bản kế hoạch GD quốc gia 2013 - 2025 và 270 triệu RM (82 triệu USD) để thuê 3 nhóm tư vấn bên ngoài nhằm đào tạo GV tiếng Anh.

“Thay vào đó, Bộ nên đưa những người thực sự có thể giải quyết vấn đề chứ không phí tiền như vậy” – Ông Bukit nói và chỉ ra rằng Bộ GD Malaysia chi tiêu nhiều tiền nhất nhưng “không đem lại kết quả gì”.

Trong ngân sách 2014, Bộ GD Malaysia đã được chi 54 tỉ RM (hơn 21 tỉ USD), tương đương 21% tổng chi phí quốc nội và trở thành Bộ được phân bố tài chính lớn nhất.

“Nếu họ chi hết số tiền này vào các nhà tư vấn và đưa ra kết quả tích cực thì chúng tôi sẽ rất vui. Nhưng thực tế, tiêu chuẩn GD đang đi xuống” – Ông Zairil nói.

Mơ về “quốc gia thần kỳ”

Về kết quả của PISA, Bộ GD Malaysia cho rằng, một uỷ ban đặc biệt được lập có nhiệm vụ xác định và giám sát các hoạt động để cải thiện khả năng của HS trong các cuộc thi đánh giá quốc tế, trong đó có PISA.

Trong một tuyên bố, Bộ GD cho cho biết, mặc dù kết quả PISA không khả quan, nhưng các nhà chức trách tin rằng Kế hoạch phát triển GD Malaysia 2013 - 2025 sẽ giúp Malaysia đạt được xếp hạng cao hơn vào kỳ thi sau.

Ông Lim Kit của đảng DAP chỉ trích Phó Thủ tướng Malaysia, ông Tan Sri Muhyiddin Yassin, đồng thời cũng là Bộ trưởng Bộ GD và yêu cầu ông hỏi nhà tư vấn McKinsey & Co của Mỹ làm thế nào để Malaysia trở thành một “quốc gia thần kỳ” và có được bước nhảy lớn từ vị trí trong tốp cuối lên vị trí tốp đầu trong kỳ thi PISA năm 2021 – điều mà chưa có quốc gia nào trên thế giới đạt được từ năm 2003 - 2012.

Ông Lim Kit cho rằng Malaysia có thể được xem là “một quốc gia thần kỳ” nếu đạt được mục tiêu nằm trong top 3 của bảng xếp hạng. Ông chỉ ra rằng, mặc dù trong kỳ thi Pisa, Brazil được ghi nhận là có tiến bộ nhiều nhất với 35 điểm ở môn Toán, nhưng vẫn ở tốp dưới trong bảng xếp hạng. 

Tương tự, ở môn Khoa học, Thổ Nhĩ Kỳ có được tiến bộ lớn nhất trong 4 kỳ thi của PISA (từ 434 điểm năm 2003 lên 463 năm 2012) nhưng cũng chỉ tiến được từ mức thấp nhất lên mức trung bình của bảng xếp hạng.

Trong khi đó, ông Zairil nhấn mạnh rằng, nguyên nhân của việc GD sa sút nên được xác định trước khi có những nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn GD quốc gia. 

“Rõ ràng việc giảng dạy kém chất lượng là lý do chính tại sao lại có sự yếu kém này. Những thay đổi thực sự phải được tiến hành để cải thiện chất lượng GV. Chúng ta không thể nói HS ngốc nghếch trong khi GV và nhà trường không dạy tốt cho các em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ