Mạch nguồn khoa bảng Vũ Di

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Huyện Vĩnh Tường xưa có 24 Tiến sĩ nho học thì riêng xã Vũ Di đã có tới 5 vị đại khoa.

Văn miếu phủ Tam Đới - tiền thân Văn miếu Vĩnh Phúc.
Văn miếu phủ Tam Đới - tiền thân Văn miếu Vĩnh Phúc.

Nhắc đến Vũ Di (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) nhiều người nhớ tới người anh hùng Đội Cấn mà không biết rằng, đây còn là làng học - làng chữ nghĩa từng rất lừng danh trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến.

Huyện Vĩnh Tường xưa có 24 Tiến sĩ nho học thì riêng xã Vũ Di đã có tới 5 vị đại khoa. Ngoài ra, còn nhiều người đỗ trung khoa được bổ các chức vụ quan trọng trong triều đình cũng như ngạch huấn đạo (giáo dục).

Sau vài trăm năm dâu bể lịch sử, những dấu tích khoa bảng dần bị xóa nhòa nhưng vẫn còn đó những tên tuổi sáng chói trên bia đá đề danh.

Nơi quy tụ hiền tài

Ngược dòng lịch sử, Vĩnh Tường xưa thuộc đạt Phong Châu, với nghĩa là đỉnh vùng đất bãi. Thời các vua Hùng, Vĩnh Tường thuộc Bộ Văn Lang - là một trong 15 bộ - đơn vị hành chính đầu tiên của Việt Nam; thời nhà Hán, Vĩnh Tường nằm trong địa giới của quận Giao Chỉ.

Từ thế kỷ 15, Vĩnh Tường thuộc phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 2 (năm 1821) phủ Tam Đái đổi tên thành Phủ Tam Đa. Năm sau, trong cuộc cải cách hành chính của triều Nguyễn, phủ Tam Đa được đổi tên thành phủ Vĩnh Tường gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lãng, Yên Lạc, Tam Dương.

Địa phận huyện Vĩnh Tường ngày nay thuộc huyện Bạch Hạc và tên Vĩnh Tường cũng được gọi từ đó. Sách “Đại Nam thực lục” ghi rằng, tên phủ Vĩnh Tường được danh xưng vào ngày 11/3/1822 có lỵ sở đặt tại xã Nhật Chiêu, sau lại dời đến xã Văn Trưng. Khoảng niên hiệu Minh Mạng (1820 - 1840) chuyển về giới phận giữa xã Huy Ngạc với thôn Trình của xã Yên Nhiên (nay là thị trấn Vĩnh Tường).

Trên bình diện của đời sống xã hội vùng “đỉnh” châu thổ ấy, xã Vũ Di thực sự là điểm “tụ nhân” để mang lại danh tiếng cho vùng “địa linh” Vĩnh Tường. Nhiều người được lưu danh trên bia đá ở Văn miếu - Quốc Tử Giám nơi tập trung các bậc thánh nhân, hiền tài, điển hình như hai cha con Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Văn Tú.

Hiện nay, Vũ Di tiếp giáp các xã Thượng Trưng, Vĩnh Sơn, Bình Dương, Vân Xuân và thị trấn Vĩnh Tường với 4 thôn Yên Nhiên, Vũ Di, Yên Trình và Xuân Lai. Trung tâm của Vũ Di vẫn ngôi đình thờ Đức Thánh Bạch Hạc Tam Giang.

Theo sử xưa truyền lại, hai anh em Thổ Lệnh và Thạch Khanh sau khi học được phép trừ gian và bài thuốc chữa bệnh cứu người đã xuống núi chữa bệnh cho dân, được nhân dân biết ơn và lập đền thờ.

Đến thời nhà Trần, hai vị thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh đã có nhiều mưu lược, kế sách giúp nhà Trần 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông, giữ yên bờ cõi nước Nam. Vì thế, vua Trần và dân vùng Bạch Hạc đã lập miếu thờ để muôn đời tưởng nhớ công lao. Đình được xây dựng từ lâu đời, song qua những biến cố thăng trầm của lịch sử nên kiến trúc cổ bị mai một.

Nằm trong mạch nguồn Bộ Văn Lang với dấu ấn các vua Hùng nối với mạch nguồn xứ Đoài sau này, vùng đất nhỏ bé Vũ Di đã thừa hưởng bồi tụ nền văn đất võ, sản sinh ra những người tài góp sức cho đất nước, ghi danh mãi mãi trong lịch sử khoa bảng cũng như lịch sử chung của dân tộc.

Mạch nguồn khoa bảng Vũ Di ảnh 1

5 vị đại khoa Vũ Di

Theo ông Đỗ Việt Trì - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Vĩnh Phúc, Văn miếu phủ Tam Đới được xây dựng từ thế kỷ 15 chính là một trong những dấu tích khoa bảng chói lọi của vùng đất Vĩnh Tường nói chung và Vũ Di nói riêng.

Từ khi được các tiên hiền tạo lập, Văn miếu ấy đã thành nơi mở đầu cho đạo lý tôn sư trọng đạo, bồi đắp thêm cho nền văn hiến vốn đã xuất hiện từ rất lâu ở Vũ Di. Văn miếu phủ Tam Đới ấy nay là Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là trung tâm tôn vinh 91 vị đại khoa trong vùng.

Các tư liệu đăng khoa lục cho thấy, ở vùng đất học này từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 đã có hơn 250 cử nhân nho học. Riêng bậc đại khoa - là danh hiệu Tiến sĩ từ triều Lê đến triều Nguyễn, Vĩnh Tường có tới 23 vị và 1 Phó bảng (triều Nguyễn). Dẫn đầu là xã Thượng Trưng có 6 vị, Vũ Di có 5 vị, Tứ Trưng 3 vị…

Người đỗ Tiến sĩ nho học đầu tiên của Vũ Di là Nguyễn Văn Chất, sau đó đến các Tiến sĩ như: Nguyễn Bá Dung, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Văn Tú và Lưu Túc cùng 18 vị đỗ trung khoa trong các khoa thi thời phong kiến.

Nguyễn Văn Chất sinh năm 1422, hiệu là Nhuệ Hiên tiên sinh. Năm 27 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 đời vua Lê Nhân Tông (1448). Ông giữ các chức quan Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, Đồng tu soạn ở Quốc sử viện, Đô Ngự sử ở Ngự sử đài, Thượng thư bộ Hộ.

Tháng 11 năm Canh Tí (1480), vua Thánh Tông cử ông làm Chánh sứ sang nhà Minh tuế cống và đồng thời mang sắc của Thánh Tông phúc đáp vua nhà Minh về quan hệ giữa An Nam - Lão Qua. Vào năm sau đến nơi, được ban yến, y phục, vua nhà Minh lại gửi gấm, lụa quý về cho vua nước ta.

Sách Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 29a ghi rằng: “Mùa Đông, tháng 11, ngày 18 (1480), sai bọn bồi thần Nguyễn Văn Chất, Doãn Hoành Tuấn, Vũ Duy Giáo sang tuế cống nhà Minh và tâu việc Chiêm Thành… Ngày 18 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 17 (11/9/1481).

Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Nguyễn Văn Chất dâng biểu và triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Ban yến cùng y phục lụa thải, đoạn có phân biệt; lại giao cho Sứ thần gấm hoa văn, thải, đoạn mang về ban cho Vương nước này”.

Tháng Chạp, nhà vua cho duyệt lại các biểu văn gửi cho nhà Minh. Bấy giờ tại nước ta văn học vào buổi thịnh thời; người Minh có dịp thưởng thức, thường khen rằng nước ta có nhiều người giỏi. Trong khi làm quan Tư nghiệp Quốc Tử Giám, Nguyễn Văn Chất có viết phần “Tục bổ” 3 truyện: Sự tích Sóc thiên vương, Thành Sơn đại vương, Đền cửa Càn Hái và sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên, biên soạn vào năm 1329 đời Trần Hiến Tông.

Các nguồn sử liệu chính thống dù chỉ khái lược sự nghiệp của đại khoa Nguyễn Văn Chất nhưng ở các cương vị và trong vai trò Chánh sứ, ông đã dùng tài học của mình để đối đáp trong sự khôn khéo, mềm mỏng mà cũng đầy cứng rắn với triều đình nhà Minh.

PGS.TS Nguyễn Khắc Mạnh - Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong đợt khảo sát văn thơ xướng họa sứ thần hai nước Việt - Hàn thời kỳ trung đại, đã tìm thấy ít nhất 5 bài thơ của đoàn sứ thần do Nguyễn Văn Chất làm Chánh sứ năm 1480 đối đáp với sứ thần nước Hàn cũng đang đi sứ nhà Minh là Hồng Quý Đạt và Thân Tòng Hoạch.

Sau người khai khoa Nguyễn Văn Chất, ở Vũ Di có Nguyễn Bá Dung đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận năm thứ 7 (1466), làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo.

Đại khoa thứ ba là Nguyễn Đình Phương đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 29 tuổi. Người thứ 4 là Nguyễn Văn Tú - con trai Tiến sĩ Nguyễn Văn Chất đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Tân Sửu niên hiệu Hồng Đức năm thứ 12 (1481), làm quan Thừa chính sứ.

Cuối cùng là Lưu Túc đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức năm 1487, làm quan đến chức Thượng thư. Khi nhà Mạc giành ngôi nhà Lê, ông không chịu theo, được đánh giá là có tiết nghĩa. Trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú có viết một mục về ông tại phần “Bề tôi tiết nghĩa”.

Xã Vũ Di với mạch nguồn văn hiến đã sản sinh 5 vị đại khoa.

Xã Vũ Di với mạch nguồn văn hiến đã sản sinh 5 vị đại khoa.

Đất anh hùng

Theo các văn bản ngọc phả và một số tư liệu Hán Nôm, từ năm Tự Đức thứ 20 (1867), ở Vũ Di đã có quy định người nào đội ơn triều đình được ban sắc đỗ đại khoa, toàn xã mừng 1 bức trướng cùng 100 quan tiền. Ngày họ vinh quy về làng được dân làng đón tiếp nồng hậu với nghi thức long trọng, trở thành một sự kiện trọng đại của làng, của tổng.

Những quy định đi vào hương ước này đã khuyến khích tinh thần và ý chí dùi mài kinh sử của học trò ở Vũ Di khiến cho sự học ở nơi đây trở thành một phong trào. Dù từ cuối thời Lê cho tới suốt triều Nguyễn, ở Vũ Di không xuất hiện đại khoa nhưng các vị đỗ trung khoa và các thầy đồ làng đã tiếp tục mạch nguồn và làm sáng danh nền học vốn rất chói lọi.

Truyền thống hiếu học ở Vũ Di được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vùng đất cũng nảy sinh những anh hùng nức tiếng, như Đội Cấn (1881 - 1918). Nhà nghèo, năm 1910 Đội Cấn (Trịnh Văn Đạt) đăng lính khố xanh thay cho anh trai với cái tên là Trịnh Văn Cấn, sau thăng dần lên chức đội lính khố xanh trong cơ binh Pháp đóng ở Thái Nguyên, vì thế ông được gọi là Đội Cấn.

Sau cuộc nổi dậy ở Thái Nguyên, Đội Cấn đã rút quân về quê hương Vĩnh Tường tiếp tục tổ chức chiến đấu. Cuộc khởi nghĩa kéo dài hơn bốn tháng đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, chấn động dư luận thế giới, viết lên trang sử vàng oanh liệt của dân tộc. Cuộc khởi nghĩa là niềm tự hào về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam nói chung và của người dân Vũ Di nói riêng.

Huyện Vĩnh Tường xưa có 24 Tiến sĩ nho học thì riêng xã Vũ Di đã có tới 5 vị đại khoa.

Huyện Vĩnh Tường xưa có 24 Tiến sĩ nho học thì riêng xã Vũ Di đã có tới 5 vị đại khoa.

Ngoài ra, lịch sử hiện đại còn ghi nhận Lê Xoay (1912 - 1942), Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Vĩnh Yên. Tuy nhà nghèo nhưng gia đình vẫn cố cho đi học chữ Nho và chữ Quốc ngữ.

Đến năm 1922 cha ông qua đời, ông vẫn được người mẹ tần tảo làm nghề hàng xáo cho ăn học. Mãi đến năm 13 tuổi, do quá khó khăn, ông phải bỏ học ở nhà làm ruộng và làm thuê cho những nhà giàu trong làng, phụ mẹ kiếm sống và đi theo cách mạng để rồi hy sinh khi vừa tròn tuổi 30.

Báo Hồn Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Liên khu ủy Đ, số 1 ra ngày 1 tháng 7 năm 1942 viết rằng: “Anh Lê Xoay, đã tận tụy với công cuộc cách mạng, hiến thân cho non sông, người quả cảm xung phong, thấy khó khăn không lùi, đã chết trong tranh đấu…”.

Hiện nay, truyền thống hiếu học ở Vũ Di vẫn được các thế hệ nối tiếp, có những gia đình “cả nhà Tiến sĩ”, như gia đình NGƯT Lê Văn Cung có 2 con là tiến sĩ, 1 phó giáo sư; gia đình PGS.TS Lê Quang Trung có 3 con là tiến sĩ. Tiến sĩ Lê Duy Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Tiến sĩ Lê Đình Khiêm - nguyên Phó Bí thư khối Nội chính Trung ương, Thiếu tướng Lê Minh Thái - Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự… cũng đều là người xã Vũ Di.

Từ năm 2006 chi họ Lê đã thành lập quỹ khuyến học, hàng năm trước ngày khai giảng đều tổ chức phát thưởng cho các cháu học sinh giỏi, đỗ đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ