Mách cha mẹ cách xử lý khi con va chạm với các bạn ở trường

GD&TĐ - Trẻ trong độ tuổi đi học thường khó tránh khỏi việc có va chạm với các trẻ khác ở trường. Vậy cha mẹ nên tiếp nhận thông tin và xử lý như thế nào để giúp con hóa giải các mâu thuẫn và hạn chế tối đa các tình huống xung đột?.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu con đang bắt nạt trẻ khác

Bạn hãy nói chuyện với con, giữ giọng bình tĩnh, chắc chắn, và hỏi trẻ chuyện gì đã xảy ra; tại sao lại cư xử như vậy? Hãy là một người biết lắng nghe và tránh đổ lỗi. Trẻ em cần phải hiểu rằng sẽ ổn nếu chúng thừa nhận chúng mắc lỗi.

Đặt câu hỏi để giúp trẻ hiểu được hành vi của trẻ đã ảnh hưởng đến người khác như thế nào: "Có phải con không được tôn trọng? Con có làm tổn thương ai không? Con có muốn ai đó làm vậy với con?".

Nhấn mạnh sự công bằng: "Chúng ta không cư xử theo cách đó trong gia đình này bởi vì chúng ta tôn trọng người khác, và không muốn người khác đối xử với chúng ta theo cách đó", Walter Roberts, giáo sư cố vấn giáo dục tại Đại học bang Minnesota, Mankato và tác giả của cuốn Working With Parents of Bullies and Victims tư vấn.

Sau đó, hãy chủ động làm việc với nhà trường. Giáo viên trong nhà trường rất vui khi họ thấy rằng các bậc cha mẹ chân thành muốn cải thiện tình hình. Đừng cảm thấy bạn sẽ bị đánh giá là một phụ huynh xấu. Khó nuôi con không phải là một sự thất bại để yêu cầu giúp đỡ. Vì vậy, đừng ngại làm việc với nhà trường để giúp con bạn học hành vi mang tính xây dựng.

Bắt đầu với giáo viên của con và sau đó gặp hiệu trưởng, nhân viên tư vấn để đưa ra một kế hoạch để giúp con ngừng bắt nạt bạn. Hỏi xem có tư vấn hay các nguồn trợ giúp cộng đồng khác để giúp trẻ không. Giữ liên lạc chặt chẽ với nhà trường để xem liệu hành vi của con bạn có cải thiện hay không?

Trao quyền cho con xây dựng các kỹ năng để giải quyết xung đột và xử lý các tình huống khó khăn. Kỹ năng xã hội bao gồm sự tự nhận thức, tự quản lý, khả năng phục hồi và ra quyết định có trách nhiệm.

Hãy tìm các chương trình sau giờ học và hoạt động ngoại khóa để phát triển cách xây dựng các mối quan hệ tích cực. Nâng cao những kỹ năng này ngay bây giờ, trong khi con bạn đang học tiểu học, sẽ là một món quà suốt đời.

Nếu con bị trẻ khác bắt nạt?

Có những phụ huynh dạy con đối phó rất sai lầm như: nên im lặng, “một điều nhịn là chín điều lành”, vì nếu như vậy, đứa trẻ đó ngày càng sợ hãi, thu mình, lầm lỳ, ít nói. Có nhiều phụ huynh còn dạy con đánh trả lại, đó cũng không phải là điều hay, chẳng khác gì bố mẹ gieo vào đầu con trẻ quan niệm dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.

Điều cha mẹ nên làm là khuyên con bình tĩnh, cương quyết “dằn mặt” trẻ bắt nạt mình bằng chiêu: nhìn thẳng vào họ và dõng dạc nói “không được trêu tớ nữa”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thầy cô và bố mẹ sẽ có biện pháp can thiệp.

Nhiều trường hợp, trẻ vì xấu hổ hoặc lý do gì đó mà không nói với người lớn. Vì thế gia đình và nhà trường cần chú ý để tâm tới sự khác lạ ở trẻ. Cha mẹ cần lắng nghe và chủ động hỏi han con, việc lắng nghe và động viên hỏi thăm con không chỉ có lợi trong trường hợp trẻ bị bắt nạt mà còn có lợi trong mọi vấn đề mà con gặp phải.

Cha mẹ hãy trang bị cho con những cách đối phó với việc có thể bị bắt nạt: Cách chọn bạn, tránh xa những bạn không tốt, mở rộng mối quan hệ bạn bè thông qua việc tham gia các hoạt động trường lớp, cho con học võ. Dạy con đi đâu cũng nên đi theo nhóm, tránh đi một mình vào chỗ khuất tầm nhìn của người lớn và tuyệt đối không đáp trả bạn bằng vũ lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ