Trong đó mẫu lúa lấy ở xã Ba Nam - huyện miền núi Ba Tơ, nơi xuất hiện những ca bệnh mới mắc hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân - có độc tố Aflatoxin cao hơn 100 lần cho phép.
Ông Lê Huy - Chánh Văn phòng Sở y tế - cho biết: Kết quả khảo sát tại xã Ba Nam cho thấy hầu hết người dân trong xã có thói quen sử dụng gạo ủ; 7/9 hộ được kiểm tra có lúa bị ẩm, mủn, vón cục. Gạo được xay từ lúa ủ, sẫm màu, mủn, có nhiều hạt đen, mốc.
Trước tình hình này, Sở Y tế Quảng Ngãi đã gửi 12 mẫu gạo, lúa tại các hộ gia đình bệnh nhân tái phát và mắc mới gửi Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TPHCM kiểm nghiệm.
Kết quả, hầu hết mẫu gạo, lúa đều nhiễm nấm mốc. Mẫu lúa của hộ gia đình bệnh nhân Phạm Thị Huy (tử vong do mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân giữa tháng Tư vừa qua) ở Làng Dút 1 (xã Ba Nam) có hàm lượng Aflatoxin khá cao (Aflatoxin G1 vượt gấp 100 lần so với giới hạn cho phép).
Theo ông Huy, đáng lo nhất trong 3 trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị là ông Phạm Văn Trói ở thôn Làng Rêu (xã Ba Điền) - người đã nhiều lần trốn viện, không chịu uống thuốc. Nguy cơ tử vong của bệnh nhân này là rất cao.
Sau gần một năm tạm lắng, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân tại huyện Ba Tơ tái phát với 4 trường hợp mắc, trong đó một bệnh nhi đã tử vong.
Thời gian xuất hiện bệnh năm nay trùng khớp với chu kỳ những năm trước (từ tháng 2 - 5), khiến chính quyền và người dân băn khoăn liệu có phải do nấm trong gạo mốc hay còn nguyên nhân nào khác.
Đến nay, Quảng Ngãi có hơn 250 người mắc bệnh, 25 người tử vong, trong đó chủ yếu xảy ra ở xã Ba Điền.