Tài xế container gây tai nạn giao thông thảm khốc tại Long An, dương tính với heroin và rượu ẢNH: Phạm Hữu
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: Sẽ là rất nguy hiểm khi lái xe mà sử dụng 1 trong 2 chất này (ma túy hoặc rượu bia), sự nguy hiểm tăng lên gấp bội phần nếu sử dụng đồng thời cả 2 loại.
Bác sĩ Hiển cho biết: Rượu gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Nếu uống 2 đơn vị rượu (tương đương khoảng 400 ml bia 5 độ cồn), khi đó nồng độ sẽ vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở. Với nồng độ này, rượu làm giảm sự tỉnh táo và làm chậm các phản xạ.
Luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xử phạt ở nồng độ này. Tuy nhiên, tại Việt Nam do mật độ lưu thông dày đặc nên Nghị định 46/2016/NĐ-CP nghiêm cấm uống rượu khi điều khiển xe ô tô, tức là chỉ cần dương tính với rượu là bị xử phạt và mức phạt tăng dần theo nồng độ rượu.
“Đối với ma túy, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng nói chung được xếp vào 2 nhóm là ức chế và kích thích thần kinh trung ương (não bộ). Trong đó, heroin thuộc nhóm ức chế thần kinh. Còn hầu hết các ma túy còn lại thuộc nhóm kích thích ("đá", lắc, cỏ Mỹ, "tem giấy", cocain…)”, bác sĩ Hiển giải thích.
Theo bác sĩ Hiển, đặc tính của heroin gây nghiện rất nhanh và người nghiện phải sử dụng 2 - 4 cữ/ngày. Thế nên người nghiện heroin nếu không có heroin trong vòng 4 - 6 tiếng sẽ có hội chứng cai rất khó chịu. Lúc đó, họ mất khả năng làm chủ bản thân và có những hành vi nguy hiểm.
Một số người nghiện heroin khi lên cơn ghiền thường dùng rượu để khỏa lấp sự khó chịu này bằng cách uống thật say.
“Người nghiện heroin dù đang phê hay đang đói thuốc cũng không thể điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn được”, bác sĩ Hiển khẳng định.
“Do heroin và rượu đều gây ức chế thần kinh nên nếu sử dụng đồng thời rượu và heroin sẽ có tác động hiệp đồng gây ức chế thần kinh quá đáng, làm buồn ngủ và chậm các phản xạ hoặc đưa ra các quyết định xử lý tình huống sai lầm (ví dụ: thay vì đạp chân thắng thì đạp nhầm chân ga). Như vậy, người lái xe trên đường sử dụng 2 chất này có thể gây ra các hậu quả, tai nạn giao thông thảm khốc”, bác sĩ Hiển nhấn mạnh.
Bác sĩ Hiển cảnh báo thêm, với “đá” và lắc thì do đặc tính kích thích hệ thần kinh làm tăng thức tỉnh nên được một số tài xế đường dài lạm dụng để chống buồn ngủ. Điều này cũng hết sức nguy hiểm!
Bởi lẽ, sau giai đoạn thức, cơ thể có xu hướng bù trừ gây buồn ngủ và nếu lạm dụng (nghiện) thì sau một thời gian có thể bị ảo giác và hoang tưởng.
Bác sĩ Hiển cho biết: “Đây là 2 biểu hiện đặc trưng của tình trạng loạn thần. Điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng loạn thần thì đặc biệt nguy hiểm!”
Cần thường xuyên xét nghiệm tài xế
Theo bác sĩ Hiển, tài xế cần được thường xuyên xét nghiệm nước tiểu một cách đột xuất và ngẫu nhiên bởi cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cơ quan chức năng.
Các que thử hiện nay có thể phát hiện được việc sử dụng chất ma túy trong vòng 5 - 7 ngày kể từ liều cuối và giá que thử cũng rất rẻ chỉ 15.000 - 35.000 đồng. Vì vậy, việc này cần được làm thường xuyên để bảo vệ uy tín, tài sản của doanh nghiệp cũng như tính mạng, tài sản của người khác.
Cơ quan quản lý cũng cần đưa ra biện pháp chế tài nặng hơn như tước bằng lái với thời hạn dài hoặc vĩnh viễn các trường hợp sử dụng ma túy.
“Điều cần lưu ý là que thử không hoàn toàn chính xác 100% vì có các trường hợp dương tính giả (do uống một số loại thuốc gây dương tính với test). Nếu nghi ngờ có thể làm test lại sau 1 tuần”, bác sĩ Hiển nêu ý kiến.
Tai nạn thảm khốc do tài xế dùng ma túy + rượu
Trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Long An vừa qua, theo thông tin từ công an, tài xế lái xe container gây tai nạn dương tính với heroin và rượu.
Bác sĩ Hiển đánh giá, thật khó mà biết tài xế đang ở “thì” nào của cơn nghiện heroin (đang phê hay đang đói thuốc và dùng rượu để làm giảm sự khó chịu do đói thuốc). Test nhanh nước tiểu chỉ có thể cho kết quả là người đó có thể đã sử dụng heroin trong vòng 5-7 ngày trở lại đây. Test nồng độ heroin trong máu và trong nước tiểu cùng thời điểm sẽ cho kết quả chính xác hơn và có kết luận chính xác về “thì” của tài xế.
“Tuy nhiên điều này cũng không quá cần thiết vì dù ở “thì” nào cũng đều làm mất khả năng điều khiển và vận hành phương tiện giao thông”, bác sĩ Hiển nhận định.
Việc quan sát một hội chứng cai trong 6 - 24 giờ kể từ lúc bị cách ly bắt buộc sẽ cho biết là người tài xế thực sự bị nghiện heroin hay vô tình uống một loại thuốc gây dương tính với que thử heroin.
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 15.000 xe đầu kéo container và tồn tại nhiều vấn đề làm mất an toàn giao thông. Trong đó, các vấn đề nổi cộm như: tài xế dùng bằng giả; tài xế sử dụng chất kích thích (ma túy, rượu bia…) trước khi lái xe vẫn còn phổ biến; các giấy chứng chỉ sức khỏe, đào tạo đạo đức, pháp luật... cho tài xế đang bị “bỏ quên”, không ai giám sát.
Chiều 3.1, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Xe container, xe quá khổ quá tải là loại hình đặc thù vì thế Bộ đang nghiên cứu để có thể kiểm tra sức khỏe tài xế điều khiển các phương tiện này thường xuyên hơn. Sắp tới sẽ phải tăng cường tuần tra, kiểm soát cũng như giám sát qua thiết bị giám sát hành trình; tài xế không được chạy vượt quá 4 tiếng liên tục; xe đường dài phải có 2 lái xe.
Ông Thể cũng cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp cần quản lý tài xế - đây mới là kênh quản lý sát sao nhất.
Tổng cục Đường bộ cần nghiên cứu siết chặt đào tạo, thi cử và cấp bằng lái, theo hướng có thể tăng thời lượng, điều chỉnh giáo trình, tổ chức thi công khai minh bạch...