Xem những khoảnh khắc Trần Văn Lưu đã ghi lại và công bố trong cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” ra mắt cách đây chưa lâu, càng thấy đó là những khoảnh khắc đắt giá, về tấm chân tình của những nghệ sĩ.
Một thời tin nhau, vì nhau
Tháng Tám về, mở cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” do hai tác giả Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) và Trần Chính Nghĩa (con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu) biên soạn, được NXB Kim Đồng in ấn rất trang trọng, thấy thật sự xúc động.
Xúc động bởi như đã được ngược dòng thời gian, trở về với mùa thu cách mạng của hơn 70 năm trước, khi Hội Văn nghệ Việt Nam mới ra đời.
Hơn 200 bức ảnh trong sách cho chúng ta thấy những câu chuyện về một thời văn nghệ trong trẻo. Đồng thời ta có thể gặp lại những bức ảnh chân dung quý về những văn nghệ sĩ, như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Tô Ngọc Vân…
Ảnh trong trong cuốn sách “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”. |
Là một trong hai tác giả biên soạn cuốn sách này, ông Nguyễn Huy Thắng tiết lộ đã dành 6 tháng ròng để thực hiện.
“Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ so với quãng thời gian tôi tìm hiểu về cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và thời đại của ông, để có được những hiểu biết giúp cho công việc biên soạn.
Nếu không có những hiểu biết đó, những tư liệu sách báo cần thiết để “giải mã”, “đọc” ra được nội dung của chúng, nhận biết được về người, về bối cảnh, thời gian của những bức ảnh đó thì tôi đã không thể làm và cũng không dám nhận làm cuốn sách”.
Ông Thắng lý giải: Ví dụ, khi biên soạn phần về các sự kiện văn nghệ trong kháng chiến, như Hội nghị Văn nghệ bộ đội hay Hội nghị Tranh luận Văn nghệ năm 1949 tại Việt Bắc, tôi đã phải tham khảo rất kĩ bộ sưu tập báo Văn nghệ những năm kháng chiến, gồm 7 tập.
May mà tôi đã tìm mua được cả bộ trong mấy năm ròng. Hay để bình những bức ảnh về vợ chồng nghệ sĩ Thế Lữ - Song Kim, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn hồi kí của bà Song Kim và cuốn biên khảo của Lưu Quang Vũ về các nghệ sĩ sân khấu. Các cuốn này tôi mua được từ thời bao cấp, trong đó có cuốn mua lại của một hàng đồng nát.
Ngoài ra, tôi cũng dựa rất nhiều vào nhật ký của cha tôi và các trang viết khác của ông trong kháng chiến…
Cũng theo ông Nguyễn Huy Thắng, khi tiếp cận với kho ảnh mà nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu để lại, điều khiến ông sững sờ nhất, ấn tượng nhất đó chính là tính hệ thống.
“Ở đây không chỉ có ảnh chân dung mà cả ảnh sự kiện, không chỉ có ảnh các văn nghệ sĩ và hoạt động của họ mà cả ảnh về bộ đội, thiếu sinh quân, về công tác y tế và cả những người dân thường...
Riêng về các văn nghệ sĩ thì lại càng đáng nể. Không chỉ một vài người mà hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi ở Việt Bắc đều hội tụ qua ống kính của nhà nhiếp ảnh. Không chỉ một, hai ảnh mà có khi đến 5, 7 bức mỗi người, như loạt ảnh chụp vợ chồng nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân...
Thực tế, tôi đã biên soạn thành những “phóng sự ảnh” của không ít văn nghệ sĩ, với sự xâu chuỗi bằng các lời dẫn hoặc ghi chú cần thiết để làm rõ thêm” - ông Thắng cho biết.
Những tư liệu lịch sử vô giá
Nhà văn Nguyễn Tuân. |
Nhà văn Tô Hoài. |
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. |
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. |
Trong căn phòng ở 11 Hàng Bông (Hoàn Kiếm - Hà Nội) bây giờ, ông Trần Chính Nghĩa vẫn còn lưu giữ rất cẩn thận những tấm phim nhỏ xíu.
“Cha tôi mất tháng 2/2003. Trước khi mất, điều quan trọng ông căn dặn con cháu là bằng mọi giá phải giữ được hòm phim, ảnh ông đã chụp và khi điều kiện cho phép, thay ông in những bức đó thành sách để mọi người cùng xem, cùng biết về một thời khó quên của dân tộc.
Và sau 15 năm cha tôi mất, sau nhiều lần “gõ cửa” nhiều nơi, tôi đã gặp được anh Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Khi tôi cho anh ấy xem những bức ảnh của cụ để lại thì gần như ngay lập tức anh đề nghị gia đình phối hợp với NXB Kim Đồng in thành sách…” - ông Nghĩa kể.
Còn về hơn 300 bức ảnh nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu để lại, theo ông Thắng, cần khẳng định, đó là những tư liệu lịch sử vô giá. Vì chúng gắn một quãng lùi thời gian đã tới 70 năm và lại là ảnh về những gương mặt hàng đầu của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại, gắn với những nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ tài danh của đất nước ở vào một thời điểm mà tất cả đều phơi phới hiến mình cho cách mạng và kháng chiến.
Mặt khác, các nhà chuyên môn về nhiếp ảnh cũng nên quan tâm thêm về giá trị nghệ thuật của những bức ảnh đó, những bức ảnh mà người nghệ sĩ Trần Văn Lưu đã bằng tâm huyết ghi lại chỉ với hai sắc màu đen trắng.
Trong cuốn sách có nhắc đến địa chỉ văn hóa 11 Hàng Bông (Hà Nội) là nơi ở của gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, cũng là nơi rộng mở cho văn nghệ sĩ đến đàm đạo.
Từ tình cảm bạn bè trân quý, cùng nhau trải nghiệm mọi vui buồn thời cuộc, ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã “bắt” được những khoảnh khắc vàng, bừng sáng cái tôi của mỗi gương mặt nghệ sĩ, lưu lại những chi tiết sống động nhất của hiện thực kháng chiến.
Đằng sau mỗi bức ảnh in hằn dấu ấn thời gian, là tình cảm tha thiết với văn nghệ, yêu cái đẹp và biết ơn cuộc sống mà ông Trần Văn Lưu gửi gắm.