Mã độc tống tiền đã phong tỏa các hệ thống thông tin và những kẻ tấn công đòi số tiền chuộc là 6.500 USD để giải mã. Đại diện Trung tâm y tế Battle Creek đã từ chối việc trả tiền chuộc (mặc dù đây là số tiền tương đối thấp), đồng thời khẳng định không có gì bảo đảm để những kẻ tấn công giữ lời hứa hoặc không tấn công lần nữa. Thay cho việc trả tiền chuộc, ban giám đốc đã quyết định đóng cửa Trung tâm.
Cục Điều tra liên bang FBI đã vào cuộc, nhưng không tìm thấy chứng cớ cụ thể. Dạng mã độc tống tiền mà những kẻ tấn công sử dụng hiện chưa được biết đến. Đáng lo ngại nhất là trường hợp một bé gái - bệnh nhân 13 tuổi. Mẹ bé gái này suy sụp khi biết rằng hồ sơ bệnh án của con gái bà không còn. Theo kế hoạch, bé gái phải được tái khám chống nhiễm trùng sau khi phẫu thuật.
Trường hợp nói trên lại một lần nữa cho thấy mã độc tống tiền có ảnh hưởng nguy hiểm đến công việc của cơ sở chăm sóc sức khỏe và tình trạng các bệnh nhân như thế nào. Năm 2018, những kẻ tấn công điều khiển học đã liên tục tấn công các bệnh viện trên thế giới bằng các chương trình độc hại khác nhau, gây ra nhiều xáo trộn trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Dự đoán, trong năm 2019 này xu hướng tấn công nói trên vẫn diễn ra tương tự. “Thật may mắn, theo một nghiên cứu, các cơ sở chăm sóc sức khỏe bắt đầu đầu tư một cách nghiêm túc hơn vào an ninh điều khiển học” - ông Mariusz Politowicz ở Công ty Marken Systems Antivirus (Ba Lan) cho biết.
Tại sao các bác sĩ ở Trung tâm y tế Battle Creek lại từ chối trả tiền chuộc cho những kẻ tấn công điều khiển học? Theo ý kiến một số chuyên gia, ở đây cần lưu ý đến một thực tế là bất kỳ công việc chăm sóc y tế nào, dù nhỏ nhất, cũng đều có giá trị hơn 6.500 USD tiền chuộc kia. Sự thật là, về nguyên tắc, không nên chấp nhận đòi hỏi của những hacker, tuy nhiên trong một số trường hợp, đây là giải pháp duy nhất để lấy lại dữ liệu y khoa; đặc biệt, vấn đề đặt ra ở đây là tính mạng bệnh nhân.