Các gián điệp của GRU (Cục Tình báo chính của Nga) đã thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng lớn một cách liều lĩnh trên diện rộng, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Nhiều vụ tấn công trước đây có liên quan trực tiếp tới Nga, bao gồm cuộc tấn công bằng ransomware (mã độc tống tiền) BadRabbit 2017 vào sân bay quốc tế Ukraine và các phương tiện truyền thông Nga và nỗ lực hack vào Cơ quan chống Doping toàn cầu ở Thụy Sĩ trong năm ngoái.
“Những hành vi này thể hiện rõ GRU đang mong muốn hoạt động mà bỏ qua toàn bộ luật pháp quốc tế cũng như những định mức đã được thiết lập và không bị trừng phạt hay gánh chịu hậu quả. Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Cùng với các đồng minh, chúng tôi sẽ vạch trần và có những phản ứng thích hợp với các nỗ lực làm suy yếu sự ổn định quốc tế của GRU” - ông Hunt đưa ra tuyên bố.
Trung tâm An ninh mạng quốc gia của Anh (NCSC) đã cáo buộc các điệp viên của GRU là thủ phạm đằng sau các vụ tấn công, theo như thông tin từ Văn phòng Ngoại giao. NCSC gần như khẳng định chắc chắn rằng GRU là bên gây ra các cuộc tấn công mạng trong năm 2017 cũng như nhiều lần khác, bao gồm cả lần nhắm vào Đảng Dân chủ Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đầy tai tiếng, theo nguồn từ Whitehall.
Chính phủ Anh tin người đứng đầu Điện Kremlin, Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm sau cùng toàn bộ chiến dịch tấn công mạng này. Văn phòng Ngoại giao mô tả chiến dịch này là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, gây thiệt hại hàng triệu bảng Anh tới nền kinh tế quốc gia.
Úc cũng đưa ra cáo buộc tương tự của Anh, rằng sự can thiệp trực tuyến của Nga là một hành động không chấp nhận được.
Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết tuy Úc không bị ảnh hưởng đáng kể bởi các cuộc tấn công mạng, hành vi của Nga đã thể hiện sự coi thường hoàn toàn đối với các thỏa thuận Úc từng giúp thương lượng.
Trước những cáo buộc không hoàn toàn rõ ràng nói trên, phía Nga vẫn chưa có một phản ứng nào với những căn cứ được cho là “phỏng đoán”.