Ly kỳ theo phong cách… Tô Hoài!

GD&TĐ - 'Tìm kim hộ bà', 'Chuột nhóc', 'Con kiến mủn'… Đó chỉ là ba trong số rất nhiều câu chuyện 'ly kỳ' được nhà văn Tô Hoài kể.

Cậu bé Đắc Tô đang theo chân đàn kiến để lần tới tổ của chúng. Ảnh: Tấn Quyết.
Cậu bé Đắc Tô đang theo chân đàn kiến để lần tới tổ của chúng. Ảnh: Tấn Quyết.

Điều thú vị là theo phong cách… của cây bút tài hoa này thì chúng chẳng hề xa xôi, diệu vợi ở đâu đó mà luôn thân thuộc, gần gũi, cuốn hút độc giả ngay từ những trang sách đầu tiên.

Tác phẩm “Truyện ly kỳ” được tác giả Tô Hoài chắp bút và đem tới độc giả qua các bản ấn hành của Nhà xuất bản Trẻ, 2012. Cuốn sách dày gần 120 trang, bao gồm 25 chương, tương ứng với 25 câu chuyện khác nhau, kể về những điều lạ lùng, hấp dẫn, từ những thứ vụn vặt trong nhà cho tới cuộc sống bên ngoài.

Những bức tranh minh họa của Quế Phương cho mỗi truyện đem đến cho tác phẩm sự sống động, gần gũi trong mắt độc giả.

Ấn tượng đầu tiên của cuốn truyện chính là hình ảnh bìa độc đáo: Một cậu bé sửng sốt khi nhìn thấy một con chuột gặm… bìa carton! Dường như đây chính là lời “nhắc khéo” rằng những câu chuyện ly kỳ mà tác giả sắp kể sẽ mang những sắc màu hài hước, độc đáo.

Bên cạnh đó, bối cảnh xung quanh của bức tranh là ở trong nhà, gợi ý rằng nếu mỗi người để ý kỹ, thì mọi sự vật xung quanh cũng tiềm ẩn màu sắc ly kỳ và cần được khám phá.

Kiên trì là thành công!

Nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn Tô Hoài.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen (27/9/1920 – 6/7/2014). Ông là một trong những nhà văn, nhà báo xuất sắc nhất Việt Nam, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật vào năm 1996, giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vào năm 2010.

Ông được biết đến với các tác phẩm nổi tiếng, phù hợp với rất nhiều lứa tuổi, như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “Kim Đồng”, “Đảo hoang”, “Truyện ly kỳ”, “Chú bồ nông ở Sabacar”, “Cát bụi chân ai”, “Quê người”, “Chuyện cũ Hà Nội”…

Để mỗi người có thể đạt tới thành công, chắc chắn một trong những kỹ năng thiết yếu cần có đó chính là lòng kiên trì. Có lòng kiên trì, mới có động lực để vượt qua các thất bại và tìm hướng đi mới, từ đó có thể tiến tới thành công.

Trong “Truyện ly kỳ”, nhà văn Tô Hoài đã lồng ghép sự kiên trì vào không ít câu chuyện, và sự thành công luôn là hệ quả tất yếu. Như trong chuyện “Tìm kim hộ bà”, cậu bé Đắc Tô đã cẩn thận, kĩ lưỡng tìm cây kim ở khắp mọi nơi, từ dưới sàn nhà cho đến túi áo của bà.

Thậm chí, cậu bé ấy đã còn tưởng tượng ra tình huống và phán đoán bà đã để cây kim ở đâu: “Ờ, ờ, lúc chúng tôi mời cơm, cái kim còn lẵng nhẵng sợi chỉ. Bà vừa đi vừa cuốn. Vào đến đấy, quấn xong dễ thường bà thuận tay cắm kim lên tờ lịch. Rồi nhãng đi. Có lẽ thế”, từ đó cậu đã tìm được cây kim giúp bà.

Hay trong chuyện “Con kiến mủn”, vẫn là cậu bé Đắc Tô không ngại bẩn, không ngại trầy trụa, xây xát đã lần theo đàn kiến để có thể tìm đến tận tổ và diệt trừ chúng. Thậm chí, ở cuối câu chuyện này, tác giả đã mượn lời cậu bé Đắc Tô nói lên thông điệp về lòng kiên trì: “Nhớ nhé, hãy tróc nã tận tổ. Chúng nó chỉ sợ những ai biết chịu khó”.

Từ Việt Nam vắt sang... Trung Đông

Bìa 'Truyện ly kỳ' mang sắc màu hài hước. Ảnh: Tấn Quyết.

Bìa 'Truyện ly kỳ' mang sắc màu hài hước. Ảnh: Tấn Quyết.

Đâu chỉ theo chân cậu bé Đắc Tô quẩn quanh ở trong nhà giúp những việc vặt của gia đình, tác giả còn bước ra ngoài cuộc sống và giới thiệu cho chúng ta những cảnh đẹp của thiên nhiên.

Đâu chỉ có mỗi Việt Nam mà từ vùng Trung Đông đầy nắng và cát cho tới khu vực dưới chân dãy Himalaya hay vùng cực Bắc lạnh cóng người, đâu đâu cũng có những cảnh đẹp độc đáo, khác biệt làm mê lòng du khách.

Dưới cây bút của tác giả, Việt Nam hiện lên màu xanh mướt của các cánh đồng, thu hút các loài chim tứ phương bay về làm tổ. Hay nếu ai đó vốn tưởng vùng sa mạc Trung Đông chỉ là một đồng bằng cát tẻ nhạt, vắng lặng, thì chắc chắn đó là sai lầm rất lớn.

Ở đó còn đó những chú lạc đà hiền từ, đáng yêu mà sức khỏe lại dẻo dai vô cùng: Lạc đà có thể đi băng qua sa mạc rộng lớn mà chẳng cần tới một giọt nước. Hơn thế nữa, từ vùng Trung Đông nóng như thổi lửa sang tới vùng cực Bắc cũng có rất nhiều điều thú vị.

Nào là “đêm trắng” - một ngày mà ông Mặt trời tham lam chiếm cả khoảng thời gian ban đêm, khiến trời không lúc nào sập tối. Nào là sự tích núi Gấu tại Ukraine cũng xúc động đến nao lòng…

Quả thực, chỉ với một cuốn sách nhỏ nhưng tác giả Tô Hoài đã giúp chúng ta phóng tầm mắt và thăm thú các cảnh đẹp trên thế giới qua những trang sách; giúp độc giả càng thêm yêu thiên nhiên, từ đó càng hăng hái bảo vệ môi trường.

Chỉ với một cuốn sách nhỏ, nhưng dưới ngòi bút của tác giả Tô Hoài, các câu chuyện của “Truyện ly kỳ” đều trở nên sinh động, có hồn và cuốn hút độc giả. Ở đây, không có những cú lừa giật gân mà chỉ có những màu sắc truyền thuyết, cổ tích làm nên sự... ly kỳ rất dễ thương.

Cũng chính vì vậy, tác phẩm được nhiều trẻ em yêu thích, tìm đọc vào những thời gian rảnh rỗi, không chỉ để giải trí, mà còn từ đó rút ra những thông điệp bên cạnh những bài học về lòng kiên trì, bảo vệ môi trường, và có thể vận dụng vào cuộc sống của chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Sa cùng học trò trong giờ học. Ảnh: Phạm Tâm

'Phép màu' cho học sinh khuyết tật

GD&TĐ - Mỗi ngày đến lớp, các giáo viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề người khuyết tật tỉnh Nghệ An lại miệt mài, thầm lặng tạo nên những “phép màu”.

Minh họa/INT

Giải pháp đột phá giải ngân vốn

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 115/CĐ-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn.