Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nước mắt của vợ nhà văn Tô Hoài - bà Nguyễn Thị Cúc, người vợ một đời vất vả, chắt chiu vì chồng vì con dường như cứ nghẹn lại khi chúng tôi đến chia buồn trước tin nhà văn đã về cõi vĩnh hằng.
Chỉ khi người bạn thân của bà có người dìu đến thăm, cảm xúc trong bà mới vỡ òa. Hai mái đầu bạc ôm nhau nức nở.
Dẫu biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường nhưng sự ra đi của nhà văn Tô Hoài – cha đẻ của Dế mèn phiêu lưu ký, tác phẩm từng gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ vẫn khiến nhiều người bất ngờ, tiếc thương.
Bởi thế khi nghe tin nhà văn về cõi vĩnh hằng, không chỉ bạn bè, người thân của gia đình đến chia buồn mà cả cậu học trò quê Lạng Sơn xuống Hà Nội thi đại học cũng tìm đến bằng được. Rồi chỉ để nắm lấy bàn tay xương gầy của vợ nhà văn nói một lời động viên, mong nhà văn yên nghỉ.
Đêm tân hôn, cô dâu ngủ cùng... mẹ chồng
Nhà văn Tô Hoài và vợ - bà Nguyễn Thị Cúc. |
Nhắc đến nhà văn Tô Hoài chắc hẳn không ai không biết. Các tác phẩm: Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ… đã in đậm trong trí nhớ của mỗi người.
Thế nhưng, cuộc sống đời thường của nhà văn giản dị, hóm hỉnh ấy thì không phải ai cũng tỏ tường. Trong căn nhà ở Đoàn Nhữ Hài, chúng tôi đã may mắn được nghe về một góc khác về nhà văn, người được xem như cây đại thụ của nền văn học Việt Nam.
Trí óc minh mẫn, giọng nói chậm rãi, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện đằng sau trang sách, giản dị và đầy cảm động. Trong câu chuyện dài, có đôi lần đôi vai gầy guộc của bà lại rung lên khe khẽ.
Thời trẻ, cô gái Nguyễn Thị Cúc – Con út của một gia đình tiểu thương giàu có ở Hà Nội nức tiếng xinh đẹp, nết na còn chàng thanh niên Nguyễn Sen (tên thật của Tô Hoài) thì bảnh bao, giỏi giang, hiền lành nhưng phải tội hơi nhát.
Khi đó, nhà văn Tô Hoài hoạt động trong hội cứu tế, truyền bá chữ quốc ngữ cùng anh trai bà Cúc là Nguyễn Quý Khôi nên hai người có cơ hội quen biết.
Gặp bà, ông xiêu lòng nhưng không dám thổ lộ vì gia cảnh quá nghèo, không môn đăng hộ đối. Còn bà cũng quý mến cái tài của chàng thanh niên Tô Hoài nhưng ngặt nỗi là phận gái, lại sống trong gia đình nặng lễ giáo phong kiến nên bà đâu dám lên tiếng trước. Thế là cả hai đều "tình trong như đã mặt ngoài còn e".
Nhà văn Nam Cao khi đó biết chuyện Tô Hoài và bà Cúc có tình ý bèn tạo cơ hội, vun vén cho hai người. “Khi ấy gia đình tôi mượn Nam Cao dạy học cho các cháu bé, ông cứ giả vờ nghỉ để Tô Hoài dạy thay, cốt là để cho chúng tôi có cơ hội gặp nhau. Thế rồi chúng tôi yêu nhau” – Vợ nhà văn Tô Hoài kể.
Nói về quyết định "giã từ nhung lụa" để đến với chàng văn sĩ nghèo, bà Cúc kể: "Ngày xưa tôi nhiều người theo đuổi lắm. Bước xuống tàu điện là bao nhiêu người đi theo. Tôi còn sợ phải vội vàng đi nhanh về nhà đóng ập cửa lại.
Thế mà lấy một người văn sĩ nghèo. Nghĩ đến lại thấy thương, xót xa, ông chỉ có một bộ quần áo, đôi dép cao su trắng. Khổ như thế mà lại viết được sách. Hai mươi tuổi đã lăn lộn viết được cuốn Dế mèn. Như bây giờ, tuổi ấy có khi còn làm nũng mẹ. Bởi thế tôi vừa yêu vừa trọng...".
Chính vì ngưỡng mộ tài năng đó mà bà bất chấp cảnh nghèo xác nghèo xơ để đến với Tô Hoài. Khi tổ chức đám cưới ở Đại Phạm cũng chỉ có một mâm cơm, khách mởi chỉ vỏn vẹn mấy người.
“Gọi là cưới cho nó xộp nhưng chỉ có một mâm cơm và vài ba người chứng kiến. Xong đám cưới hai người dắt nhau đi bộ về Xuân Bá. Lúc đó đang đi sơ tán, phải đi ở nhờ. Đêm tân hôn cô dâu lên giường ngủ với … mẹ chồng” - Bà Cúc ngậm ngùi kể.
10 năm thì 9 năm biền biệt
Sau khi nên duyên chồng vợ thì cách trở, nhà văn Tô Hoài lên Việt Bắc còn bà ở lại Phú Thọ. 10 năm trời chỉ 1 năm gần nhau còn lại 9 năm biền biệt. "Như người khác có khi đã bỏ Tô Hoài rồi, 10 năm đằng đẵng thế mà tôi vẫn chờ, vẫn đợi" - Vợ nhà văn Tô Hoài.
“Khi tôi đẻ con gái đầu Đan Hà, ông ấy xuôi đò của Tố Hữu về thăm, đến nơi chỉ kịp hỏi con trai hay con gái, còn chưa kịp nhìn mặt con đã vội vã lên đường. Ông đi biền biệt mà chả có thư từ gì. Ở nhà một mình, nhiều khi có người đến chơi hỏi han tôi phải nói dối có ông ấy đây cho đỡ sợ…”.
Một mình chăm sóc con, bà Nguyễn Thị Cúc cứ cần mẫn từng ngày. Dạo ấy bà nhận hàng may quần áo quân đội, nhiều hôm 2 giờ sáng mới được ăn tối. Khổ thế nhưng bà không một lời trách móc, bởi hơn ai hết bà hiểu công việc của chồng.
Không chỉ vậy bà còn tuyệt đối tin tưởng nhà văn Tô Hoài bởi lẽ rất đơn giản: “Là vợ chồng thì phải tin nhau chứ. Có người mách tôi ông có con với người khác, tôi còn nói, thế thì càng tốt, tôi càng đỡ phải đẻ”.
Trở về sau kháng chiến, chuyện cơm áo gạo tiền lại tiếp tục đè nặng lên vai người vợ nhỏ bé. Bà làm mọi việc để có tiền lo cho gia đình, để chồng yên tâm với nghiệp cầm bút.
“Ông ấy là nhà văn có tiền đâu. Khi Vợ chồng A Phủ lên phim, ông được nhận 27 nghìn tiền nhuận bút. Số tiền ấy đổ vào mua căn nhà ở Đoàn Nhữ Hài. Đến khi về hưu cũng chỉ được vài đồng.
Trong nhà tôi không có đồ đạc gì nhiều, ai đến chơi hỏi, tôi đùa, đồ gửi hàng tổng hợp hết rồi. Cả đời chả có xe máy, điện thoại, mà có người bạn cho chiếc điện thoại cũng không biết dùng lại trả lại. Ông ấy hiền, chân thật lắm. Lần ông ấy đi Liên Xô, ông mua quà về cho vợ là xâu ớt!”.
Thời trẻ, suốt bao năm đằng đẵng chờ chồng, đến tuổi xế chiều bà Cúc lại bên cạnh chăm sóc nhà văn Tô Hoài khi căn bệnh gút và bệnh tiểu đường hành hạ ông.
Bởi vậy, nhắc đến phút lâm chung của nhà văn Tô Hoài, bà Cúc mắt ầng ậc nước: "Cả đời tôi chờ đợi, hy sinh vì ông, khổ mấy tôi cũng không bỏ ông. Thế mà chỉ đợi tôi một, hai tiếng ông hãy đi, ông cũng không chờ. Lúc ông đi tôi không kịp vào gặp...".
Nói rồi bà khóc. Em gái nhà văn Tô Hoài đang có mặt phải đỡ lời: "Bác gái khóc mãi vì không kịp gặp ông lúc ông ra đi. Mà bác Tô Hoài phải trốn vợ trốn con để đi chứ. Nếu không sao mà đi được!”.