Lý Hùng được coi là một trong những tài tử nổi tiếng nhất của làng điện ảnh Việt những năm thập niên 90 cùng thời với Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Diễm Hương… Anh được khán giả yêu mến qua những bộ phim nổi tiếng như: “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Người không mang họ”, “Dollars trắng”…
Ngoài ra, anh còn là nam diễn viên đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trong những bộ phim hợp tác với Hồng Kông như: “Truy nã tội phạm quốc tế”, “Hồng hải tặc”, “Kế hoạch 99”, “Cảnh sát đặc khu”…
Nhắc đến Lý Hùng, rất nhiều khán giả nhớ lại cả bầu trời ký ức tươi đẹp, một thời say sưa với những bộ phim do anh đóng. Lý Hùng cũng là một trong những diễn viên đóng nhiều vai chính nhất trong các phim Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại anh đã tham gia trên 100 bộ phim và đa số là vai chính.
Xuất hiện trong tập 5 chương trình “Ký ức tươi đẹp”, Lý Hùng khiến nhiều khán giả bất ngờ khi tiết lộ về vai diễn đầu tiên, vai diễn khán giả ấn tượng cũng như mức cát- sê kỉ lục thời hoàng kim của mình.
Theo Lý Hùng, vai diễn đầu tiên của anh là vai cậu bé bán báo, lấy dàn ná thun bắn vào mông tên lính ngụy trong bộ phim “Phượng”.
Khi đó, Lý Hùng mới 12 tuổi, chưa biết diễn xuất là gì. “Khi đạo diễn nói, đi từ đám đông biểu tình ra, bắn thật mạnh vào tên lính ngụy, tôi đã làm theo như thế. Người đóng vai tên lính ngụy là chú Nguyễn Cung. Tôi nhớ rõ, chú đau quá, xoay qua chửi: “Chu choa thằng nào mà bắn thật vậy? Tao đau quá!”. Thì chú mới dí Lý Hùng.
Sau đó nửa tháng, bác đạo diễn Cao Thụy casting phim “Nơi đàn chim và cơn bão”. Khi tôi đi casting, bác yêu cầu tôi cười, mặt nghiêm và tức giận. Bác nói sao, tôi làm vậy và được chọn ngay vào vai chính luôn”, Lý Hùng tiết l
Khi nhắc đến vai diễn Phạm Công đóng cùng Diễm Hương trong phim “Phạm Công- Cúc Hoa”, Lý Hùng nhớ lại: Điện ảnh là cơ duyên, mình tính không bằng trời tính. Năm tôi 17 tuổi, có đi thử vai phim “Phạm Công- Cúc Hoa”. Ba tôi đưa tôi đến thử vai. Vai Phạm Công phải lớn, chững chạc, có con, hai vợ: Cúc Hoa và Tào Thị. Sau này, Phạm Công đi chiến trận, Tào Thị ở nhà nuôi con.
Mình nghĩ không có khả năng đảm nhận vai này vì vốn sống yếu quá. Lúc đó, tôi là thanh niên mới lớn, còn chưa có người yêu. Một tuần sau, đạo diễn Lưu Bạch Đàn gọi điện đến nhà nói: cả đoàn phim, bác nhất trí quyết định con đóng vai Phạm Công. Khi đó nghe, mà tôi không tin được.
Bộ phim đó, tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Năm 1980 - 1990 thì làm gì có kỹ xảo. Râu là cắt tóc, rồi gắn từng cọng từng cọng, dán keo lên, cứng cả miệng. Có cảnh Phạm Công xuống Diêm vương tìm Cúc Hoa. Hai người diễn cảnh khóc, ôm nhau đã đời thì đạo diễn hô “cắt”. Lúc đó, mới hỏi đang diễn tốt sao cắt vậy bác? Bác đạo diễn bảo: “Không được, râu của con cắm vào má cô ấy”.
Lý Hùng kể, ngày trước đóng phim rất cực, nhưng chính những bộ phim đó đã đưa tên tuổi của anh tồn tại đến ngày hôm nay.
Nói về thời kì phim thị trường thịnh hành, nam tài tử cho biết thời kì ấy không chỉ đưa tên tuổi của anh đi lên mà còn có những cái tên như Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Thu Hà, Việt Trinh, Công Hậu,…
“Lúc đó, tôi đã nổi tiếng, nhưng chưa được học ở trường lớp. Má tôi thấy vậy mới nói: "Con nổi tiếng đã khó rồi, mà giữ được tiếng càng khó hơn”. Vì thế nên tôi mới vào trường Sân khấu Điện ảnh học. Lứa của tôi cũng là khóa đầu tiên của trường. Hồi đó, cả miền Nam có đến mấy ngàn người đăng kí thi mà họ chỉ chọn có 20 người. Tôi đi học sướng lắm, còn được tiền lương, mua mỹ phẩm”, anh cười kể lại.
Qua lời Lý Hùng thì một lớp học của trường Sân khấu Điện ảnh khi ấy chỉ có khoảng 2 người thành công, nhưng lớp Lý Hùng thì may mắn có nhiều người nổi tiếng như anh, Diễm Hương, chị Ngọc Hiệp, Thiệu Ánh Dương, Lê Tuấn Anh và sau này có thêm Đạt Phi.Giờ Đạt Phi là người lồng tiếng nổi tiếng.
Cũng trong chương trình, Lý Hùng tiết lộ về mức cát- sê thấp nhất và cao nhất mà mình nhận được: “Cát - sê đóng phim thấp nhất của tôi là khi mới vào nghề năm 12 tuổi (vai cậu bé bán báo, lấy dàn ná thun bắn vào mông tên lính ngụy), bây giờ tính ra là được 80 ngàn tiền quần chúng.
Sau đó, cát- sê mỗi ngày mỗi lên bởi khi mà phim có tôi tham gia xuất hiện ở rạp chiếu phim, khán giả xếp hàng coi, thì tại sao tôi không đòi tiền?. Nhà sản xuất họ làm kinh tế có lãi thì tôi cũng phải được hưởng.
Bộ phim có cát- sê cao nhất là 30 triệu, tương đương với 2 tỷ bây giờ, tôi cứ nhận như thế suốt nhiều phim liền. Tiền thì ai cũng mê, hồi xưa nhận tiền thấy 80 ngàn cũng mừng, 30 triệu lúc ấy cũng mừng”.
Kiếm được nhiều tiền từ ngày trẻ, nhưng làm được bao nhiêu, Lý Hùng đều đưa hết để mẹ giữ.
“Ngày ấy tôi nói với mẹ rằng muốn bao nhiêu tiền thì mẹ cứ lấy. Bởi mẹ tôi là một người có tâm rất tốt, thậm chí từ thiện hết. Có bao nhiêu tiền cho trẻ mồ côi, cho xây trường học, xây cầu… Tôi làm tiền cũng khó khăn lắm, đâu phải đơn giản đâu nhưng khi về hỏi mẹ thì mẹ nói mẹ cho hết rồi. Tôi đi chơi với đàn em trong nghề, vẫn ngửa tay xin mẹ từng trăm ngàn”, anh kể.
Tuy nhiên, Lý Hùng khẳng định, đến bây giờ anh lại thấy là mình may mắn khi có được cơ ngơi, tài sản quý giá nhất là đạo đức của mẹ đã để lại cho mình: “Rồi cũng có một số vốn mà sau này mẹ không giữ nữa, mẹ đưa cho tôi thì tôi mới kinh doanh. Chứ ngày ấy tôi trẻ quá mà có số tiền lớn như thế trong tay, biết đâu lại hư đốn, sẽ không có Lý Hùng của ngày hôm nay”
Đồng thời, Lý Hùng cũng cho biết anh ít khi lên báo, đài nói về chuyện tình cảm và kinh tế bởi vì anh cho rằng mình đã hạnh phúc và may mắn rồi. Hiện tại, anh vẫn vui vẻ với cuộc sống độc thân ở tuổi 50…