Đây là hành vi không hiếm gặp ở động vật nhưng thực tế nhiều loài động vật có vú tránh xa phân vì sợ mầm bệnh. Vì sao gấu trúc lại hành động như vậy?
Lăn qua phân để ủ ấm
Mùa đông năm 2007, học sinh của nhà sinh thái học Fuwen Wei, Học viện Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh, phát hiện một con gấu trúc khổng lồ hoang dã lăn lộn trong một đống phân ngựa tại vùng núi Tần Lĩnh, miền Trung - Trung Quốc. Nó liên tục bôi phân lên người cho đến khi bộ lông màu trắng chuyển sang màu nâu, bị bết dính.
Trước đây, khu vực núi Tần Lĩnh tập trung nhiều tuyến đường giao buôn cổ đại, sử dụng ngựa để vận chuyển. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đánh giá nguồn phân ngựa tại đây rất phổ biến.
Cécile Sarabian, nhà Sinh thái học nhận thức tại Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản giải thích việc lăn lộn trong phân không phải hiếm gặp giữa các loài động vật, chẳng hạn như loài chó. Tuy nhiên, nhiều loài động vật có vú có ý thức tránh xa phân của các cá thể hoặc loài khác vì phân có thể chứa mầm bệnh và ký sinh trùng.
Sarabian cho biết: “Hành vi ở động vật có thể xuất hiện vì lợi ích. Trong trường hợp này, việc tiếp xúc với phân ngựa tươi có thể giúp gấu trúc khắc phục những vấn đề tiềm ẩn”. Điều này khiến các nhà khoa học dấy lên nghi ngờ rằng lợi ích nào khiến gấu trúc chọn lăn lộn trong phân tươi.
Nhóm phải mất 12 năm để tìm ra lý do tại sao gấu trúc làm điều này. Nghiên cứu được thực hiện trên nhiều lĩnh vực gồm hành vi động vật, sinh thái hóa học, sinh lý học thần kinh. Nhưng sau thời gian dài, các nhà khoa học đã tìm ra câu trả lời.
Để hiểu rõ lợi ích thu được từ hành động này, trước tiên các nhà nghiên cứu phải nắm bắt hoạt động phân bổ hơn. Họ đã thiết lập nhiều camera có tính năng phát hiện chuyển động dọc một con đường trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Foping.
Qua các đoạn băng ghi lại, nhóm phát hiện 38 lần gấu trúc lăn lộn trong phân từ tháng 6/2016 - 6/2017. Vì vậy, hành vi của con gấu ở núi Tần Lĩnh không phải kỳ lạ.
Camera cũng ghi lại thời gian, nhiệt độ không khí trong từng hành động. Nó cho thấy những con gấu trúc chỉ lăn lộn trong phân khi thời tiết lạnh từ -5 độ C đến 5 độ C. Gấu trúc cũng “kén chọn” phân. Những đống phân phải tươi. Nếu phân để lâu quá 10 ngày, gấu trúc sẽ không chạm vào.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy gấu trúc lăn lộn trong phân để ủ ấm. Các nhà khoa học đã xác định được chất hóa học có trong phân ngựa mang lại khả năng chịu lạnh cho chuột thí nghiệm và ức chế khả năng cảm nhận cái lạnh của gấu trúc.
Bill McShea, nhà Sinh vật học tại Viện Sinh học Bảo tồn Smithsonian, Front Royal cho biết: “Tôi là chuyên gia về gấu trúc và đây là một trong những nghiên cứu về loài này kỳ lạ nhất mà tôi từng đọc. Vẫn còn nhiều việc phải nghiên cứu nhưng kết quả này xứng đáng được ghi nhận”.
Lợi ích đến từ phân tươi
Phân tích hóa học cho thấy phân tươi chứa hai hoạt chất tự nhiên có trong thực vật là beta-caryophyllene (BCP) và beta-caryophyllene oxide (BCPO). Tuy nhiên, BCP và BCPO dễ bay hơi nên không lưu lại nhiều trên phân cũ.
Từ sở thích bôi phân tươi của gấu trúc, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có thể bị thu hút bởi BCP và BCPO. Tại vườn thú Bắc Kinh, nhóm nghiên cứu đã nhốt sáu con gấu trúc cùng đống cỏ khô được tẩm hoá chất. Những con gấu thích cỏ khô chứa BCP và BCPO. Trong đó, một con gấu tên Ginny đã dùng cỏ khô chứa BCP và BCPO để che lấp cơ thể nhằm ủ ấm.
Từ những manh mối này, các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra ảnh hưởng của hai hoạt chất này lên khả năng cảm nhận nhiệt độ của động vật. Tuy nhiên, vì gấu trúc không phù hợp với các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm chuyển sang sử dụng chuột.
BCP và BCPO được bôi lên bàn chân của những con chuột để thử nghiệm khả năng chịu lạnh. So với những con chuột được bôi nước muối, chuột bôi BCP và BCPO có khả năng chịu lạnh tốt hơn.
Các thí nghiệm sinh học phân tử phức tạp đã tiết lộ thêm nhiều kết quả. BCP và BCPO phản ứng với protein có liên quan trực tiếp tới kích thích do nhiệt độ, gọi là TRMP8.
Được tìm thấy trong da của nhiều loài động vật có vú, TRMP8 cảnh báo cơ thể những phần bị lạnh. Nó cũng phản ứng với tinh dầu bạc hà hoặc hoạt chất gây cảm giác mát lạnh ở bạc hà, từ đó gửi tín hiệu nhiệt độ cơ thể giảm dù thực tế nhiệt độ hoàn toàn bình thường.
Các thí nghiệm với hoá chất, BCP và BCPO có tác dụng ngược lại là ức chế TRMP8. Bằng chứng cho thấy gấu trúc đã tình cờ tìm ra lợi ích của phân, coi nó như “thuốc giảm đau” chống lại cái lạnh. Nó giúp gấu trúc thích nghi với mùa đông.
Elena Gracheva, nhà Sinh vật học thần kinh tại Đại học Yale, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Đây là một nghiên cứu thực sự đáng chú ý. Nó cho thấy giá trị trong việc khám phá hành vi ngoài tự nhiên và tìm kiếm cơ chế phân tử của chúng”.
Tuy nhiên, Gracheva cho rằng, sẽ cần nhiều bằng chứng trực tiếp hơn để chứng minh gấu trúc lăn trong phân để chống lại cái lạnh. Ảnh hưởng của BCP và BCPO trên chuột và gấu trúc chưa phải là sự so sánh công bằng. Và cũng chưa rõ phân ngựa xua tan cái lạnh ở gấu trúc hay chỉ khiến cảm giác lạnh bớt khó chịu hơn.