Lý do vắc-xin Covid-19 không gây đột biến di truyền

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Thành phần mRNA khi vào cơ thể sẽ sản xuất protein gai giống virus. Các tế bào miễn dịch sẽ nhận diện và phản ứng, kích thích sản sinh ra kháng thể. mRNA không đi vào nhân tế bào và không tác động đến nhiễm sắc thể. Do đó, không liên quan đến đột biến di truyền.

Tại TPHCM, có 701 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc-xin.
Tại TPHCM, có 701 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc-xin.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin ở trẻ thấp

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em đã có kết quả tiêm chủng khả quan hơn từ khi triển khai tháng cao điểm.

Sau 10 ngày triển khai, trung bình mỗi ngày tiêm được trên 13.000 liều, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ tại TPHCM vẫn thấp hơn trung bình cả nước. Theo HCDC, đây là điều đáng lo ngại khi trẻ em chưa được bao phủ vắc-xin Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc có xu hướng tăng.

Ngày 18/8, Sở Y tế TPHCM cho biết, đã chỉ đạo HCDC tiếp tục khảo sát lý do vì sao nhiều phụ huynh chưa cho con em tiêm vắc-xin Covid-19. Trước đó, ngày 16/8, HCDC tiến hành khảo sát nhanh đợt 2 về việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi của 2.792 phụ huynh đang có con, em theo học tại các trường thuộc 22 quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Trong đó, có 2.123 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi (76%) và 699 phụ huynh có con, em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi (24%).

Kết quả cho thấy, đối với nhóm tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, có 701 trẻ chưa tiêm vắc-xin (chiếm 33%), 723 trẻ tiêm 1 mũi (chiếm 34%), 699 trẻ tiêm 2 mũi (chiếm 33%).

Như vậy, tương ứng ở độ tuổi này, có 1/3 trẻ chưa tiêm, 1/3 trẻ đã tiêm mũi 1 và 1/3 trẻ đã tiêm mũi 2. Đối với nhóm tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, có 15 trẻ chưa tiêm vắc-xin (chiếm 2%), 29 trẻ tiêm đã tiêm 1 mũi (chiếm 4%), 326 trẻ đã tiêm 2 mũi (chiếm 49%), 299 trẻ tiêm mũi 3 (chiếm 45%).

Bảo đảm hiệu quả khi nâng hạn sử dụng

BS.CK2 Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin chưa cao do nhiều nguyên nhân. Do đó, chính quyền các cấp cần phải phối hợp để đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Đặc biệt là giúp phụ huynh hiểu sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin cho trẻ, nhất là ở những cha mẹ chưa đồng thuận. Đối với những phụ huynh đã đồng thuận tiêm vắc-xin, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm. Không được trì hoãn, gây bất lợi đối với phụ huynh khi đưa trẻ đến tiêm chủng.

ThS.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó Trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, nhiều thông tin rằng, trẻ nhỏ mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ hơn. Tuy nhiên, qua đợt Omicron bùng phát, trẻ là nhóm bị mắc Covid-19 nhiều.

Đặc biệt, những trẻ có bệnh lý bẩm sinh, bệnh nền, béo phì, suy giảm miễn dịch có nguy cơ đối mặt với biến chứng Covid-19. Những trẻ này có thể bị suy hô hấp kéo dài, viêm cơ tim, hoặc mắc hội chứng viêm đa cơ quan.

Theo ThS Hiền Minh, đó là lý do cha mẹ nên cân nhắc cho trẻ tiêm vắc-xin Covid-19 để dự phòng bệnh. Ngoài ra, trong trường hợp mắc Covid-19, trẻ cũng có nguy cơ bị hậu Covid-19. Điều đó ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần và khả năng học tập của trẻ.

“Với vắc-xin Covid-19, tương tự các vắc-xin khác mà trẻ tiêm, tác dụng phụ được chia làm 2 nhóm. Tác dụng phụ thường gặp là nhẹ, tự hết sau 1 - 2 ngày.

Tuy nhiên, một số trường hợp có thể bị biến chứng viêm cơ tim cấp, viêm màng ngoài tim cấp, sốc phản vệ... Vì vậy, cha mẹ nên để trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút sau tiêm. Trong 7 ngày sau tiêm, phụ huynh cũng nên theo dõi trẻ chặt chẽ”, chuyên gia khuyến cáo.

Trước nhiều tin đồn cho rằng, việc tiêm vắc-xin Covid-19 gây đột biến di truyền, ThS Hiền nhận định, vắc-xin mới vẫn cần nghiên cứu và theo dõi thêm. Tuy nhiên, vắc-xin dùng để tiêm cho trẻ hiện nay là Pfizer và Moderna, được sản xuất theo công nghệ mRNA.

“Thành phần mRNA khi vào cơ thể sẽ sản xuất protein gai giống virus. Các tế bào miễn dịch sẽ nhận diện và phản ứng, kích thích sản sinh ra kháng thể. mRNA không đi vào nhân tế bào và không tác động đến nhiễm sắc thể. Do đó, không liên quan đến đột biến di truyền. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, mRNA sẽ bị các enzyme tiêu huỷ. Sau đó, cơ thể sẽ tự sản sinh kháng thể dựa vào trí nhớ”, ThS Hiền Minh giải thích.

Đặc biệt, mũi tiêm nhắc lại sẽ giúp trí nhớ miễn dịch được nhắc, tương tự một lần “học”. Khi gặp lại virus, hệ miễn dịch của trẻ sẽ “nhớ bài” và sẵn sàng chiến đấu với virus.

ThS Minh cho biết, lượng kháng thể trong 2 mũi cơ bản sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, dù trẻ đã tiêm đủ 2 mũi, hoặc từng mắc Covid-19, cha mẹ cũng nên cho con tiêm vắc-xin.

Chia sẻ về hạn sử dụng vắc-xin Covid-19, ThS Hiền Minh cho biết, vắc-xin được cấp phép, sản xuất khẩn cấp. Nhà sản xuất đưa ra 6 tháng là thời gian để đánh giá vắc-xin. Đối với Pfizer và Moderna, điều quan trọng trong bảo quản là sử dụng tủ âm sâu.

“Trong quá trình sử dụng, bản thân công ty sản xuất vắc-xin cũng cảm thấy, nếu hạn sử dụng tăng từ 6 lên 9 tháng, tính tác dụng, an toàn hiệu quả của vắc-xin vẫn bảo đảm. Khi đó, công ty sẽ nâng hạn sử dụng vắc-xin. Chúng ta không gọi là gia hạn, mà là tăng hạn sử dụng của chế phẩm.

Điều đó được áp dụng khi bảo quản vắc-xin ở tủ âm sâu. Trong trường hợp xuất vắc-xin ra khỏi kho, đưa tới cơ sở tiêm chủng ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, vắc-xin chỉ có thể được sử dụng trong 1 tháng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.