Lý do tôi sẽ không tước bỏ quyền được ngủ cùng bố mẹ của con mình

Tôi không biết, có em bé sơ sinh nào muốn hỏi mẹ "Tại sao mẹ từ chối ôm con ngủ?" không? Nhưng rõ ràng đang có rất nhiều người mẹ đang tự trả lời câu hỏi đó để thêm quyết tâm rèn ngủ tự lập và tách con ngủ riêng từ khi còn rất nhỏ?

Lý do tôi sẽ không tước bỏ quyền được ngủ cùng bố mẹ của con mình

Vì sao con phải ngủ riêng, em bé sơ sinh của mẹ?

Vì con cần phải học cách ngủ tự lập để có thể ngủ ngon hơn, ngủ đủ giấc mà không bị mẹ làm phiền.

Vì con có thể tự ngủ, tự dỗ mình ngủ lại khi choàng tỉnh vì những giấc mơ hay tiếng động lạ, nên con phải học cách tự làm điều đó, bằng những trận khóc đã đời, mẹ sẽ không đến bên con đâu, hoặc nếu có, mẹ cũng sẽ chỉ ngồi đó, vỗ về con chút xíu, rồi mẹ sẽ lại đi ra, vì mẹ biết, con của mẹ có thể làm được, con có thể tự trấn an và lại tự đưa mình vào giấc ngủ, điều đó quan trọng với mẹ và với con hơn là sự có mặt của mẹ hay tiếng ru à ơi của mẹ để đưa con vào giấc ngủ.

Vì mẹ không muốn chúng mình phụ thuộc vào nhau, khi con phải có mẹ, cần có mẹ thì mới ngủ và mẹ thì không thể làm được nhiều việc khác nếu như mất quá nhiều thời gian ru hời, bế ẵm con?

Vì sinh con ra, mẹ vẫn cần chăm sóc cho cuộc sống riêng và sức khỏe của mẹ.

… Và còn rất nhiều những lý do khác nữa bạn hay tôi sẽ nhận được từ hàng nghìn các bà mẹ đang luyện ngủ cho con, bởi những lời chia sẻ đầy tự hào kiểu như “bé nhà mình ngủ một mạch không ăn đêm từ 6 tuần”, “bé nhà mình nằm cũi ngủ tự lập trong phòng riêng từ 4 tuần”, “bé nhà mình đến giờ đặt vào giường là tự ngủ”….

Và việc “đào tạo” ra những em bé “tự ngủ, ngủ xuyên đêm, không cần ăn đêm” từ sớm dường như đang trở thành một mục tiêu phấn đấu để việc làm mẹ trở nên nhàn hạ hơn, đỡ mệt nhọc hơn; cũng như nó đang trở thành một tiêu chí để các bà mẹ tự đánh giá lẫn nhau: ai nuôi con con khoa học hơn và bản lĩnh hơn? 

Làm mẹ

Tôi lựa chọn việc để con ngủ chung cùng mẹ, đơn giản vì tôi muốn được tận hưởng hành trình làm mẹ của mình, một cách trọn vẹn, như nó vốn thế. (Ảnh minh họa)

Nhưng nếu bạn cũng như tôi, một người mẹ không nằm trong nhóm những bà mẹ ở trên, một người mẹ đôi lúc mệt mỏi, đôi lúc cáu kỉnh, đôi lúc muốn thốt lên “ước gì…” nhưng hạnh phúc với việc ôm lấy đứa con bé bỏng vào lòng trong mỗi cữ ti đêm, đủ đầy mỗi lúc con giật mình giữa giấc quờ bàn tay nhỏ xíu nắm chặt lấy tay mẹ và ngủ tiếp ngon lành, bình yên cùng con đi vào giấc ngủ với bài hát ru mỗi lần hát là một lời khác nhau… thì bạn hãy mỉm cười nhé, vì cũng có rất nhiều người mẹ như bạn, như tôi, những người mẹ muốn tận hưởng từng giấc ngủ bình yên cùng con.

Tôi từng tủm tỉm cười mãi khi một bà mẹ trẻ chia sẻ trên facebook của mình những bí kíp ru con tuyệt nhất, nhất là khi giọng ca của mẹ dở tệ, bạn có thể thì thầm vào tai con mẹ yêu con hay là… đi cầu thang chẳng hạn. Những chia sẻ đáng yêu ấy làm cho bất cứ ai đều thấy rằng, việc ru con sao mà đáng yêu và thú vị đến thế!

Hay bạn cũng cần biết rằng, ở hầu hết các gia đình Nhật Bản, trẻ nhỏ được ngủ chung với bố mẹ đến tuổi đi học, thậm chí tuổi teen để giúp người mẹ thực hiện một nhiệm vụ tối quan trọng là tạo ra mối gắn kết như một với con và gìn giữ mối liên hệ đó suốt thời thơ ấu của trẻ, đây chính là nền tảng quan trọng nhất giúp cha mẹ Nhật trở thành những cha mẹ mẫu mực trong việc nuôi dạy con và được cả thế giới học hỏi cũng như khâm phục.

Và nếu ai đó nói với bạn lý lẽ quan trọng nhất của việc để trẻ ngủ riêng là để rèn luyện tính tự lập ở trẻ, thì hãy tự tin cho họ biết rằng, hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng ngủ chung với bố mẹ khiến trẻ tự lập và tự giác hơn khi chúng lớn lên.

Sự thỏa mãn về nhu cầu tình cảm, sự gắn bó và quan tâm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khiến chúng có lòng tự tin và tự tôn cao hơn. Hãy nhớ rằng, nếu bạn có thể tìm kiếm bao nhiêu thông tin nói về việc nên tách trẻ ngủ riêng thì bạn cũng có thể tìm được chừng đó thông tin nói về lợi ích của việc trẻ được ngủ chung cùng bố mẹ.

Khi đọc cuốn sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” của nhà báo Hồ Thị Hải Âu, tôi càng được củng cố thêm niềm tin của mình rằng, việc tách con ngủ riêng sớm là hoàn toàn không đúng với quy luật tự nhiên và “để đứa trẻ ngủ chung với mẹ, không chỉ là cách để đứa trẻ lớn lên trong an hòa, học được nhiều kỹ năng một cách tự nhiên nhất, mà chính là cách để bạn nỗ lực trưởng thành, sống chân thật tràn đầy trong từng hành vi cuộc sống”.

Hành trình làm mẹ của nhà báo Hải Âu vẫn đầy ắp những điều tuyệt vời kì diệu, cô bé Minh Khuê vẫn tự tin tỏa sáng dù đến tận khi đi du học Minh Khuê mới tách mẹ. 

Làm mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, và bạn biết không, lũ trẻ chỉ là những em bé trong “chốc lát” mà thôi, chúng sẽ lớn lên khi bạn chưa hít hà đủ mùi mồ hôi trên những lọn tóc mềm như tơ, khi bạn chưa ngắm đủ những nụ cười trong vắt không vướng chút âu lo chúng tặng bạn mỗi giấc ngủ, khi bạn chưa ôm ấp đủ chúng lọt thỏm trong vòng tay của mình….

Vì thế, hãy cứ tận hưởng niềm hạnh phúc của bạn, theo cách của riêng bạn, và đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào được gần gũi và vuốt ve đứa con bé bỏng của mình.

Theo ttvn.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ