Lý do chuyên gia Nga từ chối sửa mặt cầu Thăng Long

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, năm 1972 cầu Thăng Long được chuẩn bị đầu tư và đến năm 1974 cây cầu này được khởi công xây dựng.

Ban đầu Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng nhưng  đến năm 1977 Trung Quốc cắt viện trợ và rút hết chuyên gia về nước. "Cầu Thăng Long được thiết  kế có 14 trụ giữa Sông Hồng, nhưng thời điểm đó, Trung Quốc mới làm được 7-8 trụ thì dừng lại...", ông Sỹ nói. 

Đế năm 1985, Liên Xô giúp Việt Nam xây tiếp và cây cầu được hoàn thành ngày 9/5/1985 theo chương trình viện trợ không hoàn lại của Liên Xô. Toàn bộ dàn thép của cầu Thăng Long đều do Liên Xô thiết kế, sản xuất và cử chuyên gia đưa sang lắp đặt.

Do Liên Xô (nay là nước Nga) giúp Việt Nam xây dựng nên giai đoạn sau, khi mặt cầu xuống cấp chúng ta có tiếp xúc và mời Nga sang giúp đỡ.  Cách đây 2 năm họ có chắp nối được với bà Maria Sakharova - người chủ trì công nghệ làm mặt cầu Thăng Long trước đây - sang hỗ trợ, giúp đỡ. Tuy nhiên, do tuổi cao nên bà đã cử  ông Kazaryan, Tổng giám đốc một công ty xây dựng của Nga sang khảo sát, hỗ trợ.

Lý do chuyên gia Nga từ chối sửa mặt cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long trong một lần sửa chữa.

Ông này đã từ Nga sang Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ. Tuy nhiên, ông lại đưa ra yêu cầu phải trả 7% trên tổng giá trị sửa chữa (khoảng 14 tỷ đồng) và phải chuyển tiền trước. 

Do luật của Việt Nam không được phép chuyển tiền trước nên dù đàm phán đi, lại, cuối cùng việc Nga tham gia sửa chữa cầu Thăng Long không thành.

Tháng 7/2019, qua đường ngoại giao, Bộ Kinh tế Nga trả lời Bộ Công Thương VN phía Nga rút khỏi mục sửa mặt cầu Thăng Long ra khỏi danh mục hợp tác giữa 2 Chính phủ.

Về thông tin mặt cầu Thăng Long từng được doanh nghiệp Mỹ mời chào sửa chữa theo công nghệ của Mỹ, ông Sỹ nói rõ, thực tế có một vài doanh nghiệp của Mỹ đến chào hàng, nhưng qua tiếp xúc họ chỉ chào mỗi keo dính bám mặt đường, không đủ tin cậy nên Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ không thể hợp tác.

Dự án không có yếu tố nước ngoài

Ông Sỹ cho hay, dự án sửa chữa mặt cầu cầu Thăng Long nằm trong chương trình kế hoạch chung của Bộ GTVT. Tháng 10/2019 dự án được cấp phép đầu tư.

Công tác thi công cầu từ khâu chuẩn bị, nghiên cứu, thực hiện 100% là các kỹ sư Việt Nam.
Do tính chất quan trọng của dự án nên Bộ GTVT đã lập Ban chỉ đạo sửa mặt cầu Thăng Long, Ban nay gồm 17 thành viên do Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ làm trưởng ban.

Lý do chuyên gia Nga từ chối sửa mặt cầu Thăng Long
Lý do không thể nhờ đối tác Nga sửa mặt cầu Thăng Long là họ yêu cầu ứng tiền trước.

Trong số 17 người này, có 1 giáo sư người Việt mang quốc tịch Áo, đó là ông Nguyễn Viết Tuệ, người có nhiều kinh nghiệm về bê tông siêu tính năng giúp đỡ cố vấn cho Tổng cục Đường bộ VN thực hiện dự án.
 
Để thi công dự án mặt cầu Thăng Long, nhà thầu phải mua sắm thiết bị, máy móc thi công. Trong đó nhà thầu dự án có mua máy rải bê tông trộn ướt từ Trung Quốc.

Theo hợp đồng mua thiết bị thì sẽ có 2 thợ kỹ thuật sang vận hành và chuyển giao cho công nhân nhà thầu. 

“Tôi khẳng định dự án sửa mặt cầu Thăng Long không có yếu tố nào liên quan đến Trung Quốc.

Hiện tại các hạng mục thi công trên công trường đang được đồng loạt triển khai, công tác chuẩn bị thi công bê tông UHPC vẫn được thực hiện theo tiến độ dự kiến và việc nhập cảnh của các kỹ thuật viên không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án", ông Sỹ nói.

Theo tiến độ đến cuối tháng 9 này sẽ đổ những mẻ bê tông đầu tiên trên mặt cầu và toàn dự án sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ vào cuối năm nay. 

Tổng Cục Đường bộ VN cho biết: Giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long sử dụng công nghệ lõi của châu Âu.

Toàn bộ quá trình nghiên cứu đề xuất giải pháp sửa chữa và tiến hành thi công đều được thực hiện bởi tư vấn và nhà thầu xây dựng trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kết cấu, vật liệu trong nước, không phải nhận chuyển giao công nghệ từ bất cứ quốc gia nào.

Về vật tư thi công dự án chủ yếu là nguồn vật liệu trong nước, máy trang rải, đầm bê tông, nhà thầu có thể phải nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…hoặc có thể tự chế tạo.

Công tác cào bóc, làm sạch lớp phủ mặt cầu cũ, thi công lớp dính bám và thảm bê tông nhựa Polyme do các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân của Công ty Phương Thành thực hiện.

Đại diện Tổng cục Đường bộ VN khẳng định chúng ta làm chủ được công nghệ sửa mặt cầu Thăng Long, hoàn toàn tự thi công, không phụ thuộc chuyên gia Trung Quốc.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ