Luyện trẻ mầm non làm việc nhóm

GD&TĐ - Để trẻ mầm non có thể rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, không gì tốt hơn là cho trẻ trải nghiệm trong các hoạt động có tổ chức.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thông qua nhiều hoạt động khác nhau

Với trẻ mầm non, kỹ năng làm việc nhóm sẽ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Kỹ năng này giúp trẻ biết cách hợp tác với người khác để đạt được mục tiêu chung, đồng thời rèn luyện nhiều kỹ năng mềm khác như giao tiếp, giải quyết vấn đề, chia sẻ, tôn trọng và lắng nghe. Thông qua các hoạt động nhóm, trẻ sẽ hiểu rõ hơn về tinh thần đồng đội và trợ giúp lẫn nhau. Từ đó, trong các hoạt động nhóm sau này, đặc biệt trong công việc khi trẻ trưởng thành sẽ có kinh nghiệm xử lý và nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh.

Các bậc phụ huynh và giáo viên có thể rèn luyện kỹ năng này cho trẻ mầm non thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Theo cô Nguyễn Thị Liên - Trường Mầm non Hoa Sen, Hà Nội, đối với trẻ mầm non, kỹ năng làm việc nhóm thể hiện qua việc các bé cùng tham gia vào các hoạt động học tập, các dự án trên lớp, các hoạt động ngoại khóa… và đạt được những mục tiêu chung đã đề ra.

“Kỹ năng làm việc nhóm giúp trẻ học tập chủ động và mang lại kết quả tốt hơn. Mỗi bé có điểm mạnh và điểm yếu riêng do đó khi học tập theo nhóm, các bé có thể học tập từ bạn bè và bù trừ ưu khuyết cho nhau. Qua đó, các bé sẽ phát triển cá tính riêng, khả năng tư duy sáng tạo, tự tin hơn trong giao tiếp, hòa đồng hơn với bạn bè và mọi người xung quanh, có tinh thần trách nhiệm và biết cách hợp tác với các bé khác để hoàn thành công việc chung”, cô Liên cho hay.

Cũng theo cô Liên, cha mẹ hãy khuyến khích con tham gia các câu lạc bộ tại trường học, hoạt động tình nguyện, các hoạt động thể thao đề cao tinh thần đồng đội như bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá… Thông qua các hoạt động này, trẻ hiểu rõ hơn về tinh thần đội nhóm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, trẻ sẽ học thêm được nhiều kiến thức thực tiễn không có trong sách vở, kinh nghiệm xử lý tình huống, phát triển những kỹ năng mềm khác và thích nghi với mọi hoàn cảnh.

luyen-tre-mam-non-lam-viec-nhom-1-5942.jpg
Trẻ 4 - 5 tuổi Trường Mầm non Như Nguyệt (Việt Yên, Bắc Giang) làm thiệp tặng mẹ. Ảnh minh họa: INT

Cùng làm việc nhà theo độ tuổi

Cô Nguyễn Thị Liên cho rằng, trẻ cũng có thể được học mọi thứ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vì vậy các bậc phụ huynh có thể rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ mầm non bằng cách khuyến khích con cùng hỗ trợ cha mẹ công việc nhà phù hợp với độ tuổi. Ví dụ cha mẹ có thể yêu cầu con dọn chén đĩa, lau bàn ghế, mang quần áo bẩn đến giỏ đựng đồ… Nếu trẻ có anh chị em, cha mẹ có thể giao những nhiệm vụ chung và để các bé tự phân công công việc, hỗ trợ lẫn nhau.

Bên cạnh đó, đối với trẻ mầm non chưa thể tham gia các câu lạc bộ hay các hoạt động ngoại khóa, phụ huynh hãy tổ chức các trò chơi theo nhóm tại nhà để giúp các con phát triển kỹ năng làm việc nhóm. Bố mẹ có thể tổ chức tại nhà một số trò chơi đơn giản như đoán đồ vật, đóng kịch, nhảy dây… và mời bạn bè hoặc chị em, bạn bè hàng xóm của trẻ cùng tham gia.

Các bậc phụ huynh cũng có thể dạy kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ từ sớm. Đồng thời kết hợp giải thích về ý nghĩa và cách thức làm việc cho trẻ thông qua các chương trình truyền hình hoặc các câu chuyện kể. Ví dụ, khi bé đang xem chương trình truyền hình có cảnh nhiều nhân vật cùng hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc này, cha mẹ có thể chỉ cho trẻ nhân vật chính đã thành công là nhờ có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh cũng như cách các thành viên trong nhóm đã hỗ trợ bạn bè ra sao. Qua đó, cha mẹ hãy ca ngợi giá trị của tinh thần đồng đội để con có thể hiểu được phần nào ý nghĩa của hình thức làm việc theo nhóm.

Kỹ năng làm việc nhóm không chỉ giúp cho trẻ hòa đồng hơn với những người xung quanh mà còn giúp cho trẻ có được kết quả tốt nhất trong học tập và lao động. Bởi từ kỹ năng này, trẻ tự tin hơn trong giao tiếp, biết cách tự khẳng định bản thân mình trong môi trường tập thể, đồng thời có thể phát huy cá tính, sự sáng tạo, biết hợp tác với những bạn khác để hoàn thành công việc chung.

Cô Liên cho rằng, ở nhà phụ huynh có thể áp dụng những phương pháp đơn giản để dạy trẻ cách làm việc nhóm như làm gương cho con, luôn cho con cảm giác mình là thành viên của một nhóm, khuyến khích con chơi các môn thể thao đồng đội, cho con làm một số việc phù hợp với độ tuổi cùng bố mẹ, anh chị em, bạn bè…

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dành thời gian phân tích, đánh giá hoặc gợi ý cho trẻ tự đánh giá kết quả của các hoạt động nhóm mà trẻ tham gia để trẻ thấy được vai trò của tập thể, những lợi ích khi cùng hoạt động nhóm.

Chuyên gia nhấn mạnh, kỹ năng làm việc nhóm cũng chính là “bàn đạp” để trẻ phát triển các kỹ năng sống mầm non khác sau này. Hơn nữa đây cũng là kỹ năng rất cần thiết cho trẻ trong tương lai, khi đi học, khi đi làm và ra ngoài xã hội, giúp trẻ có thể nhanh chóng làm quen với môi trường, đội nhóm và làm việc tích cực, có hiệu quả, từ đó được nhiều người yêu mến và có thể thăng tiến.

Nhiều phụ huynh vẫn nghĩ rằng chỉ khi lớn lên mới cần kỹ năng làm việc nhóm, tuy nhiên kỹ năng làm việc nhóm cho trẻ mầm non cũng rất cần thiết, vì ở độ tuổi này trẻ đã bắt đầu học hỏi, nhận thức, tham gia nhiều hoạt động trường lớp như đóng kịch, hoạt động học tập và hoạt động ngoại khóa,…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ