'Lưu ý vàng' khi làm bài tổ hợp Khoa học xã hội thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các giáo viên đưa ra một số lưu ý đặc biệt giúp thí sinh tự tin, làm tốt bài tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, GDCD) kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Ngày 27/6, các thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ngày 27/6, các thí sinh chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Kỹ năng giành điểm cao Lịch sử

Cô Bùi Thị Minh Huệ - giáo viên Lịch sử Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) nhấn mạnh, trong quá trình học tập các em đã được tích lũy kiến thức, thời gian ôn tập đã được rèn luyện làm đề theo cấu trúc bài thi trắc nghiệm và đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, trước khi thi tốt nghiệp THPT, học sinh cần hệ thống lại kiến thức bộ môn thông qua mục lục sách giáo khoa (SGK), các bài tổng kết hay sơ đồ tư duy đã được thầy cô cung cấp hoặc tự mình thống kê, sưu tầm được; đọc các câu trả lời nhanh, tóm tắt khái quát những nội dung cơ bản của bộ môn.

Trong khi thi, thí sinh phải đọc kĩ yêu cầu của câu hỏi và các đáp án đề thi đưa ra, phân bố thời gian hợp lý.

Cô Bùi Thị Minh Huệ và các em học trò tại trường.

Cô Bùi Thị Minh Huệ và các em học trò tại trường.

Sau đó, các em cần phân tích dạng câu hỏi: Lựa chọn đúng (phân tích, xử lý nhanh); lựa chọn đúng nhất (dạng này cần đọc kĩ đáp án để lựa chọn đáp án chính xác nhất); câu hỏi phủ định (tránh nhầm sang khẳng định); câu hỏi sắp xếp trật tự logic. Lúc này, học sinh nên gạch chân dưới các từ khóa quan trọng.

Thứ hai, các em không nhất thiết làm theo trình tự từng câu hỏi. Khi nhận được đề bài nên đọc qua một lượt để xác định ưu tiên làm trước những câu hỏi trong tầm hiểu biết của bản thân. Các câu hỏi yêu cầu suy luận, phân tích làm sau và nên dành nhiều thời gian hơn.

Trong trường hợp câu hỏi quá khó so với năng lực của bản thân khiến các em không thể đưa ra đáp án chính xác thì hãy chấp nhận trả lời theo phán đoán cảm tính, không nên bỏ trống đáp án.

"Các em phải rà soát lại toàn bộ phần trả lời trước thời gian nộp bài khoảng 5 phút. Điều này nhằm kiểm tra lại tính chính xác của các đáp án lựa chọn cũng như tránh bỏ sót một số câu chưa trả lời hoặc quên không điền đáp án", cô bùi Thị Minh Huệ lưu ý thêm.

Bí quyết làm tốt phần Địa lí

Học sinh Trường THPT Sóc Sơn trong một giờ ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Học sinh Trường THPT Sóc Sơn trong một giờ ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Thầy Đàm Quang Tân - giáo viên Địa lí, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) trao đổi, trước khi thi, thí sinh cần hệ thống hóa lại nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chương trình Địa lí lớp 12; nắm vững cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT dựa theo đề minh họa của Bộ GD&ĐT để có biện pháp ôn tập phù hợp, tránh học lệch, học tủ.

Đề thi có 40 câu trắc nghiệm, trong đó có 38 câu thuộc nội dung kiến thức Địa lí lớp 12 và 2 câu kỹ năng thuộc kiến thức Địa lí lớp 11.

Trong 40 câu trắc nghiệm có 15 câu kỹ năng đọc Atlat Địa lí Việt Nam, 4 câu kỹ năng dựa vào bảng số liệu và biểu đồ.

21 câu lý thuyết trong chương trình Địa lí Việt Nam gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), địa lí dân cư (2 câu), địa lí các ngành kinh tế (8 câu), địa lí vùng kinh tế (7 câu).

Nắm vững cấu trúc đề thi giúp việc ôn tập của các em có trọng tâm, bao quát, không bỏ sót các chủ đề, các kỹ năng. Học sinh nên dành thời gian hợp lí cho việc ôn tập kiến thức, kỹ năng của bộ môn; chú trọng luyện đề để tăng khả năng phản xạ với các dạng câu hỏi trong đề thi; chuẩn bị thật tốt kiến thức, kỹ năng và tâm lý vững vàng trước khi vào phòng thi.

Công tác ôn tập và chuẩn bị tâm lý cho thí sinh trước kỳ thi đóng vai trò rất quan trọng.

Công tác ôn tập và chuẩn bị tâm lý cho thí sinh trước kỳ thi đóng vai trò rất quan trọng.

Thầy Tân nhấn mạnh, ở bài thi trắc nghiệm phân môn Địa lí, các em cần hoàn thành 40 câu hỏi trong vòng 50 phút. Như vậy, thời gian trung bình cho mỗi câu hỏi là hơn 1 phút, học sinh đừng quên căn đúng giờ để tránh dành quá nhiều thời gian tập trung vào một câu hỏi.

Trước khi làm bài, thí sinh nên đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, chọn làm câu dễ làm trước để giúp tâm lý thoải mái hơn. Nếu câu nào quá khó thì hãy bỏ qua và chuyển sang làm câu khác dễ hơn. Sau khi đã làm hết các câu hỏi dễ, hãy quay vòng để làm lại câu hỏi khó một lần nữa.

Lưu ý cực kỳ quan trọng là thí sinh tuyệt đối không để mất điểm ở các câu hỏi dễ. Các câu hỏi dễ thường là những kiến thức cơ bản và rất quen thuộc với các vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội. Để chắc chắn có điểm phần này, học sinh cần ôn tập kỹ những kiến thức cơ bản trong chương trình Địa lí 12.

Các em học sinh tập trung ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Các em học sinh tập trung ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

"Khi làm bài, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi và gạch từ khóa, nhất là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, có thể loại bỏ dần các phương án gây nhiễu để chọn đáp án đúng nhất. Dù không biết câu trả lời, các em tuyệt đối không được bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào trong bài thi trắc nghiệm. Đi thi các em nhớ mang theo Atlat Địa lí Việt Nam, máy tính, bút chì và tẩy", thầy Tân trao đổi thêm.

Ở môn Giáo dục công dân, cô Trần Lệ Thủy - giáo viên Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, với những câu hỏi nhận biết và thông hiểu, thí sinh phải chú ý những cụm từ khoá trong câu hỏi để hiểu chính xác nội dung.

Với những câu tình huống vận dụng, học sinh cần đọc kĩ câu hỏi trong câu tình huống trước để xác định vấn đề cần trả lời, sau đó mới đọc tình huống.

Còn những câu vận dụng cao, tình huống phức tạp, trước tiên thí sinh nên đọc kĩ để xác định mối quan hệ pháp luật trong câu hỏi, sau đó phân loại nhóm nhân vật liên quan đến nội dung câu hỏi, loại bỏ các nhân vật gây "nhiễu".

"Năm 2024, đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT phân môn GDCD xuất hiện 2 câu xác định số lượng đúng sai. Về bản chất đó là những tình huống đơn, cần đọc rõ từ khoá của câu tình huống. Do đó, học sinh phải thực sự bình tĩnh, vận dụng đúng, đủ các kỹ năng cần thiết mới có thể làm tốt bài thi của mình", cô Trần Lệ Thủy lưu ý thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người mẹ dành cho con mình một cái ôm thật chặt và nụ cười không chút lo âu.

Mùa thi của con, nỗi lòng cha mẹ

GD&TĐ - Ánh mắt trông ngóng, mồ hôi nhễ nhại và tâm trạng thấp thỏm lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt những người cha, người mẹ khi con mình bước phòng thi.