Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) chia sẻ về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cùng những lưu ý.

Học sinh lớp 12 tại TPHCM đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: ITN
Học sinh lớp 12 tại TPHCM đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa: ITN

Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện

- Ông có thể chia sẻ công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đến thời điểm này?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD&ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương. Theo đó, các Hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26, 27, 28 và 29/6; chấm thi từ ngày 29/6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17/7.

Về phân cấp, Bộ GD&ĐT chủ yếu thực hiện 3 công việc lớn, đó là ban hành văn bản pháp quy, ra đề thi, thanh/kiểm tra giám sát toàn bộ kỳ thi. Địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về in sao đề thi, coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp THPT và hoàn hiện cơ sở dữ liệu phân tích đánh giá.

Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản đã sẵn sàng. Về phía Bộ GD&ĐT sớm ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Quan điểm chung của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo là văn bản ban hành ít nhưng mỗi văn bản đầy đủ, rõ để thực hiện.

Bộ GD&ĐT cũng sớm ban hành đề thi tham khảo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, học sinh ôn tập, đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi. Dự kiến từ năm 2025 tiến đến sẽ công bố 1 lần đề tham khảo sử dụng trong nhiều năm để học sinh, giáo viên, nhà trường có thể yên tâm tham khảo.

Về công việc chuyên môn, các hệ thống, phần mềm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, như phần mềm chấm thi trắc nghiệm và Hệ thống Quản lý thi, Phần mềm hỗ trợ cho Hội đồng ra đề thi cơ bản giữ ổn định như 2023. Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Công an rà soát, bảo trì, bảo dưỡng, bảo đảm các phần mềm đều hoạt động tốt, an ninh, an toàn.

Bộ GD&ĐT cũng tổ chức các đợt tập huấn về công tác thi, thanh/kiểm tra. Ngày 12/4, Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đại diện sở GD&ĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến, nghiệp vụ sử dụng Hệ thống Quản lý thi.

Ngày 3/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm cho tất cả sở GD&ĐT tại TP Đà Nẵng. Các tình huống, vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi, sử dụng hệ thống phần mềm trong những năm trước đây đều được đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT tổng hợp, hướng dẫn chi tiết cách thức xử lý đến các sở GD&ĐT.

Về đăng ký dự thi, các sở GD&ĐT đã tổ chức cho thí sinh thử đăng ký dự thi trực tuyến từ ngày 24/4 đến ngày 28/4 và đăng ký dự thi chính thức từ ngày 2/5 đến 17giờ ngày 10/5 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Vị Thanh (TP Vị Thanh, Hậu Giang) ngày 11/6.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra tại điểm thi Trường THPT Vị Thanh (TP Vị Thanh, Hậu Giang) ngày 11/6.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD&ĐT đã lập kế hoạch, ban hành các quyết định và tập huấn cho công tác thanh tra, kiểm tra độc lập cho kỳ thi. Các văn bản, kế hoạch thanh tra và hoàn thành tập huấn đã đầy đủ. Thanh tra Bộ chuyển video về 63 tỉnh thành, giúp địa phương thống nhất trong tập huấn.

Bộ GD&ĐT cũng ban hành các văn bản kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi. Triển khai kiểm tra công tác chuẩn bị thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cùng các lãnh đạo các vụ, cục trực tiếp kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Quảng Ngãi, Hậu Giang. 4 đoàn công tác của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương từ 8/6 - 18/6 gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội.

Qua kiểm tra 12 tỉnh thành, Thanh tra Bộ GD&ĐT có một báo cáo gửi về 63 tỉnh thành địa phương để lưu ý chung.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 sở GD&ĐT, các đoàn triển khai công tác kiểm tra chuẩn bị thi tại địa phương (từ 17 - 20/6).

Về kiểm tra coi thi, Thanh tra Bộ tham mưu thành lập 63 đoàn/63 tỉnh thành, huy động khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên đại học. Công tác chấm thi cũng có 63 đoàn kiểm tra, với 264 cán bộ chính thức tham gia.

Công tác chuẩn bị tại địa phương, 63 tỉnh thành đều có Chỉ thị của UBND tỉnh, hoặc Tỉnh ủy, cho thấy địa phương rất quan tâm và nhận thức được nhiệm vụ, trách nhiệm theo phân cấp. Tất cả địa phương đều ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hóa, Quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao việc địa phương chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng thi khá sớm.

Sở GD&ĐT đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức in sao đề thi, coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Đội ngũ cán bộ làm thi được huy động và tổ chức tập huấn đầy đủ, đảm bảo nắm vững quy chế trước khi bố trí tham gia thực hiện các khâu của kỳ thi, đặc biệt cán bộ làm công tác thanh/kiểm tra phải được tập huấn và đánh giá đạt yêu cầu mới bố trí làm nhiệm vụ…

GS.TS Huỳnh Văn Chương.

GS.TS Huỳnh Văn Chương.

Khó khăn cần khắc phục

- Các đoàn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi các tỉnh thành. Ông có lưu ý gì đến địa phương từ thực tiễn ghi nhận sau đợt kiểm tra này?

- Qua theo dõi công tác tổ chức kỳ thi và qua kết quả các đoàn của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia làm việc với 12 địa phương đến nay thấy công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương có nhiều thuận lợi, thể hiện ở kết quả công việc đã triển khai như chia sẻ ở trên.

Tuy nhiên, qua theo dõi kiểm tra và làm việc trực tiếp còn phát hiện một số khó khăn cần khắc phục ở một số địa phương. Đơn cử như điều kiện cơ sở vật chất khu vực phục vụ in sao đề thi tại một số nơi còn khó khăn hạn chế về không gian ăn ở cho đội ngũ in sao đề thi. Mong lãnh đạo các địa phương tiếp tục hỗ trợ việc này, vì đây là công tác quan trọng, cần độ chính xác tuyệt đối.

Công tác đăng ký dự thi dù tập huấn rất kỹ, cho đăng ký thử nhưng còn sai sót, điều chỉnh. Giờ phút này còn cơ hội để rà soát lần cuối cùng cho thí sinh vì kết quả kỳ thi liên quan đến tuyển sinh đại học. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, chỉnh sửa, duyệt hồ sơ của thí sinh, một số địa phương để xảy ra tình trạng chậm duyệt so với lịch công tác đã công bố.

Một số địa phương chưa thực hiện thử nghiệm phương án xử lý tình huống bất khả kháng ở từng khâu với bên liên quan (như cấp điện, phòng cháy chữa cháy…) và chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị, do còn thời gian chuẩn bị đến ngày thi. Một số phòng thi tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.

Diễn biến thời tiết khí hậu ở các vùng miền dự báo biến động. Bên cạnh đó, an ninh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, an toàn giao thông... cũng là vấn đề chúng tôi đặt ra với các địa phương cần tiếp tục quan tâm.

Một vấn đề cần được lưu ý là phòng chống gian lận thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao. Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần lưu ý; các phương tiện truyền thông nhiều lần đưa thông tin, nhưng năm nào cũng gặp vài trường hợp.

Đề nghị các địa phương tiếp tục truyền thông mạnh về lưu ý học sinh trong thực hiện nghiêm Quy chế thi, đặc biệt các thiết bị không được mang vào phòng thi đã ghi rõ trong Quy chế, gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ

Học sinh lớp 12 Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ

Nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai

- Còn vài ngày nữa thí sinh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ông có lưu ý gì tới địa phương về những công việc cần triển khai trong thời gian tới?

- Thời gian tiếp theo, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi, coi thi và chấm thi; trực đường dây nóng đã công bố đến 63 tỉnh, thành phố, kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế.

Tiếp tục phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong kỳ thi, đặc biệt khâu coi thi. Công tác truyền thông cũng tiếp tục được triển khai, gắn với công việc cụ thể theo tiến trình tổ chức kỳ thi.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo các sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra việc hoàn thành chương trình và tổ chức ôn tập cho học sinh kết thúc đúng hạn theo kế hoạch. Tiếp tục rà soát việc ban hành văn bản, quy định thuộc thẩm quyền để tổ chức thực hiện; rà soát phân công nhiệm vụ hoặc bổ sung nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi, đặc biệt trong điều kiện thiên tai hoặc dịch bệnh. Hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho thí sinh dự thi đặc biệt là những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, xa.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm, chú trọng đến việc chọn nhân sự; phân cấp, phân công đúng người đúng việc; tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng.

Rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi lần cuối trước khi vào kỳ thi như: Địa điểm tổ chức thi, lưu trữ bài thi, làm phách, chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chấm thi. Công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thực hiện công tác báo cáo, cập nhật số liệu về công tác tổ chức thi, chấm thi theo đúng quy định.

Các địa phương tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo đúng Quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, quy định pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt lưu ý, xây dựng kịch bản và các phương án dự phòng cho từng khâu trong quá trình triển khai tổ chức kỳ thi.

- Xin cảm ơn ông!

Số liệu đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024:

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Trong đó, thí sinh tự do: 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh. Toàn quốc có 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023); tổng số phòng thi: 45.149.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov,

Ông Peskov tuyên bố nóng

GD&TĐ - Nga đang xem xét mọi phương án đáp trả hành động của phương Tây, gồm khả năng hạ cấp quan hệ ngoại giao, theo Điện Kremlin.