Lưu ý sử dụng đồ dùng dạy học và tạo nền nếp trong dạy tập viết

GD&TĐ - Trong quá trình dạy học, học sinh nhận thức nội dung bài học dưới sự tổ chức dẫn dắt của giáo viên có sự hỗ trợ của các đồ dùng dạy học.

Lưu ý sử dụng đồ dùng dạy học và tạo nền nếp trong dạy tập viết

Tư duy của học sinh lớp 1 chủ yếu từ trực quan cụ thể đến logic trừu tượng. Đồ dùng dạy học giúp học sinh khắc sâu các biểu tượng về chữ viết bằng nhiều con đường như mắt nhìn, tai nghe, tay viết.

Qua đó, sẽ chủ động phân tích hình dáng, kích thước, cấu tạo của chữ mẫu, tìm sự giống nhau và khác nhau giữa chữ cái đang học với chữ cái đã học.

Vì vậy, đồ dùng dạy học đưa ra phải đảm bảo tính khoa học, đúng lúc, đúng chỗ, nhịp nhàng và phù hợp với nội dung bài dạy. Tránh lạm dụng đồ dùng dạy học gây sự nhàm chán cho học sinh.

Đồ dùng và dụng cụ được sử dụng dạy và học Tập viết lớp 1 là: Bảng con, phấn trắng, giẻ lau, vở Tập viết của học sinh và bảng phụ có kẻ ô li viết sẵn chữ mẫu của giáo viên, chữ mẫu trong khung chữ của bộ chữ dạy Tập viết của giáo viên, hoặc chữ mẫu trong các bài giảng điện tử mà giáo viên đã cài đặt.

Việc sử dụng tốt các đồ dùng dạy học giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng dễ hiểu, giáo viên không phải nói nhiều gây căng thẳng, nhàm chán trong giờ học.

Cách sử dụng đồ dùng dạy - học khi viết bảng con

Bảng con phải luôn luôn được lau sạch sẽ bằng khăn lau sạch. Khi học sinh viết bảng con, giáo viên yêu cầu ngồi viết đúng tư thế, cầm và điều khiển phấn đúng cách, giơ bảng và xoá bảng theo các lệnh của giáo viên:

Lệnh 1: Giáo viên gõ một tiếng thước yêu cầu học sinh viết chữ ghi âm, vần hoặc chữ ghi tiếng, chữ ghi từ vào bảng con.

Lệnh 2: Giáo viên gõ tiếng thước thứ hai yêu cầu học sinh giơ bảng ngay ngắn.

Lệnh 3: Giáo viên gõ tiếng thước thứ ba học sinh bỏ bảng xuống.

Lệnh4: Giáo viên gõ tiếng thước thứ tư học sinh đọc và xoá bảng.

Cách sử dụng đồ dùng dạy - học khi viết vở Tập viết

Vở Tập viết lớp 1 cần bọc bìa, dán nhãn vở, giữ gìn sạch sẽ, không để quăn mép, hoặc giây bẩn. Khi viết chữ đứng học sinh cần để vở ngay ngắn trước mặt.

Bút chì dùng ở 8 tuần đầu lớp 1 cần được gót cho cẩn thận đầu chì không quá nhọn hay dày quá để dễ viết rõ nét chữ.

Bút mực cần sử dụng loại bút có quản, ngòi bút nét thanh, nét đậm ra đều mực. Để tránh bẩn tay tôi thường hướng dẫn học sinh tỉ mỉ cách lấy mực, đậy nắp và lau sạch mực ở phần ngoài của bút bằng giấy lau thấm.

Một số quy định về nề nếp học tập

Giáo viên hướng dẫn cho học sinh nắm được một số kí hiệu mình quy định và ghi kí hiệu này lên góc trái phía trên bảng để học sinh thực hiện trong các giờ học.

Việc hướng dẫn học sinh thực hiện tốt các kí hiệu trên nhằm đảm bảo tính kỉ luật, trật tự trong lớp học, giúp học sinh tập trung chú ý vào các hoạt động học tập tránh gây mất trật tự và lộn xộn trong giờ học nhất là khi thao tác sử dụng đồ dùng học tập.

Tư thế ngồi viết

Để học sinh có thể tránh được một số bệnh học đường trong trường học như bệnh cong vẹo cột sống, bệnh cận thị… , giáo viên phải luyện cho học sinh có được một tư thế ngồi viết thật đúng, thật thoải mái. Muốn vậy, người giáo viên phải có tư thế ngồi thật đúng.

Giáo viên nên làm mẫu kết hợp giải thích, hướng dẫn tỉ mỉ về từng động tác tư thế ngồi học ngay từ buổi học đầu tiên để học sinh hiểu và làm theo.

Lưng thẳng, không tì ngực vào bàn; đầu hơi cúi, mắt cách vở 25-30cm; tay phải cầm bút, tay trái tì nhẹ lên mép vở để giữ; hai vai ngang bằng; hai chân để song song vuông góc với mặt đất, thoải mái.

Học sinh mới vào lớp 1 chưa có khái niệm về đơn vị đo độ dài nên chưa thể tự ước lượng được khoảng cách từ 25cm - 30cm nên giáo viên cho học sinh chống cùi chỏ tay trên mặt bàn, ngửa bàn tay ra, áp trán vào sát lòng bàn tay để ước lượng khoảng cách mặt với vở và luôn giữ ở vị trí cố định như vậy khi viết, em nào quên có thể tự ước lượng lại được.

Cách cầm bút

Cầm bút bằng ba đầu ngón tay (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa). Khi viết dùng ba ngón tay di chuyển bút từ trái sang phải, cán bút nghiêng về bên phải, cổ tay, khuỷ tay và cánh tay cử động mềm mại, thoải mái. Không nên cầm bút tay trái.

Giáo viên cũng làm mẫu và hướng dẫn tỉ mỉ cách cầm bút: Ngón cái và ngón trỏ đặt ở phía trên, ngón giữa ở phía dưới đỡ đầu bút cách đầu bút khoảng 1 đốt ngón tay.

Cầm bút xuôi theo chiều ngồi, bút đặt nghiêng so với giấy khoảng 45 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ. Khi viết đưa bút từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, các nét đưa lên hoặc đưa sang ngang phải nhẹ tay.

Cách để vở, xê dịch vở khi viết

Khi viết học sinh cần để vở ngay ngắn trước mặt. Viết xuống những dòng dưới, học sinh tự đẩy vở lên trên để cánh tay luôn tì lên mặt bàn làm điểm tựa khi viết.

Trước lúc viết, giáo viên thường cho học sinh nhắc lại tư thế ngồi học, cách cầm bút để vở để học sinh thực hiện theo đúng quy định. Trong quá trình học sinh viết rất hay quên, thay đổi tư thế ngồi đúng, lúc đó giáo viên phải kiên nhẫn chỉnh sửa cho từng em. Lặp đi lặp lại nhiều lần, học sinh cũng dần dần ngồi đúng, cầm bút đúng.

Mặt khác, giáo viên photo gửi mỗi phụ huynh một bản hướng dẫn về tư thế ngồi học, cách cầm bút, để vở. Khuyên phụ huynh mua bảng chữ mẫu viết thường của Bộ GD&ĐT để hướng dẫn học sinh luyện viết ở nhà.

Nắm chắc kiến thức, viết tốt mẫu chữ quy định

Việc nắm chắc các mẫu chữ hiện hành theo chuẩn của Bộ GD&ĐT và việc viết tốt mẫu chữ quy định là một yêu cầu cần thiết không thể thiếu được đối với người giáo viên tiểu học.

Đây chính là một tiêu chí mà mọi giáo viên phải đặt ra và thực hiện. Có nắm chắc các mẫu chữ thì giáo viên mới viết đúng và đẹp theo chuẩn được từ đó mới hướng được dẫn học sinh viết đúng và đẹp.

Chữ mẫu của giáo viên được coi như “khuôn vàng, thước ngọc”, chuẩn mực để học sinh noi theo. Lứa tuổi của các em là lứa tuổi hay “bắt chước” và làm theo mẫu. Giáo viên viết như thế nào thì học sinh viết như thế. Đặc biệt là học sinh lớp 1.

Người giáo viên phải coi trọng việc trình bày trên bảng là trang viết mẫu mực của mình để học sinh học tập; do vậy, cần thường xuyên phải tự luyện chữ sao cho đúng và đẹp.

Mỗi năm học, giáo viên nên có vở tập viết của mình viết sẵn, vừa để luyện chữ vừa thuận tiện cho việc hướng dẫn và làm mẫu cho học sinh tập viết. Bên cạnh đó, còn sưu tầm những bài viết, vở viết sạch đẹp của học sinh những năm học trước để giới thiệu cho học sinh học tập.

Việc viết mẫu của giáo viên là một thao tác trực quan trên bảng lớp giúp học sinh nắm bắt được quy trình từng nét của chữ cái. Do vậy khi viết mẫu cho học sinh, giáo viên viết chậm lại đủ để cho học sinh quan sát, vừa viết vừa kết hợp nhịp nhàng với giảng giải, phân tích: Đặt bút từ điểm nào, rê bút như thế nào, đưa bút vào vị trí nào, thứ tự các nét viết ra sao, dừng bút ở điểm nào?

Giáo viên phân tích cả cách viết dấu phụ, dấu thanh để học sinh dễ dàng nhận biết được cách viết; hướng dẫn cả về khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng (bằng một con chữ o ) để học sinh không viết sát quá hoặc cách xa quá.

Đồng thời tư thế đứng viết của giáo viên cũng phải hợp lý để học sinh quan sát được tay của cô khi viết và theo dõi được cả quy trình viết chữ.

Khi hướng dẫn viết mẫu trên bảng lớp lời nói của giáo viên phải nhẹ nhàng, gần gũi, chuẩn mực và dễ hiểu, tránh dùng các khái niệm khó hiểu hoặc cách nói mơ hồ không rõ ràng, nên dùng đúng các thuật ngữ cách gọi khi dạy viết chữ Tiếng Việt như chữ ghi âm, chữ ghi vần, chữ ghi tiếng, chữ ghi từ...

Cần hướng dẫn tỉ mỉ cách viết từng con chữ, nét nối chính xác theo đúng quy định cho học sinh. Không nên nói nôm, nói ngọng, nói lộn xộn hoặc nói quá nhiều gây căng thẳng khó hiểu cho học sinh.

Mẫu chữ cái viết thường trong trường tiểu học:

Mẫu chữ cái viết thường cỡ vừa:

Các chữ cái được viết với độ cao 5 đơn vị: b, l, h, k, g, y.

Các chữ cái được viết với độ cao 4 đơn vị: d, đ, q, p.

Các chữ cái được viết với độ cao 3 đơn vị: t.

Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị: r, s.

Các chữ cái được viết với độ cao 2 đơn vị: o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư, i, c, e, ê, n, m.

Mẫu chữ cái viết thường cỡ nhỏ:

Các chữ cái được viết với độ cao 1 đơn vị: o, ô, ơ, a, ă, â, u, ư, i, c, e, ê, n, m.

Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị: b, l, h, k, g, y.

Các chữ cái được viết với độ cao 2 đơn vị: d, đ, q, p.

Các chữ cái được viết với độ cao 1,5 đơn vị: t.

Các chữ cái được viết với độ cao 1,25 đơn vị: r, s.

Các dấu thanh được viết trong phạm vi 1 ô vuông có cạnh 0,5 đơn vị.

Mẫu chữ cái viết hoa cỡ vừa:

Các chữ cái được viết với độ cao 5 đơn vị, riêng hai chữ cái được viết với độ cao 8 đơn vị là: Y, G.

Mẫu chữ cái viết hoa cỡ nhỏ:

Các chữ cái được viết với độ cao 2,5 đơn vị, riêng hai chữ cái được viết với độ cao 4 đơn vị là: Y, G.

Mẫu chữ số được viết với độ cao 2 đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.