Truyền cảm hứng yêu thích tiếng Anh cho học sinh nông thôn

GD&TĐ - Trẻ, nhiệt huyết, yêu nghề, cô giáo Trần Thị Giang - GV tiếng Anh Trường THPT Mỹ Đức B (Hà Nội) đã không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức để có những đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Cô luôn là tấm gương “học, học nữa, học mãi” để HS noi theo.

Cô Giang đề xuất với Ban giám hiệu mời GV nước ngoài về giao lưu với HS. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô Giang đề xuất với Ban giám hiệu mời GV nước ngoài về giao lưu với HS. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Dạy - học online

Cô Giang tâm niệm, cuộc sống luôn vận động, vì thế GV luôn phải cập nhật để thay đổi cho phù hợp với từng thế hệ học trò, hiểu được tâm tư nguyện vọng của các em.

“Khi tham gia vòng sơ khảo cuộc thi “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” giám khảo có hỏi, điều chưa hài lòng hoặc điểm yếu của tôi trên lớp là gì? Lúc đó, tôi trả lời điểm yếu của tôi là từng cảm thấy có khoảng cách với HS. Chính vì khoảng cách vô hình đó khiến tôi nghĩ HS sẽ không thoải mái trong giờ học” - cô Giang bộc bạch.

Theo đó, cô Giang khắc phục nhược điểm trên bằng cách gần gũi hỏi thăm HS ngoài giờ học, giao bài tập qua nhóm online. Bản thân cô cũng không ngừng học hỏi, tham khảo các bạn bè, đồng nghiệp trên các diễn đàn trong nước và quốc tế.

Cô cũng chủ động tham gia các khóa học về phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Để việc học tiếng Anh đa dạng, không nhàm chán, cô kết hợp cho HS đóng kịch, vẽ tranh, tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khuyến khích các em sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt.

Cô Trần Thị Giang sau giờ lên lớp

Ngoài ra, cô luôn tích cực tham gia các diễn đàn, tìm tòi nghiên cứu các phương pháp dạy học mới trên các trang web trong nước cũng như nước ngoài.

Tháng 10/2017 cô đã hoàn thành khóa học online “Teaching Grammar Communicative MOOC” trên trang web https://canvas.aeeteacher.org, một chương trình học tập miễn phí của chính phủ Mỹ dành cho tất cả các GV dạy tiếng Anh trên toàn thế giới.

Cô Giang cũng thường xuyên tham gia các buổi tập huấn phương pháp của tổ chức AIT Tesol Hanoi và của Sở GD&ĐT Hà Nội. Sau buổi tập huấn, cô đã mạnh dạn đề xuất với ban chuyên môn về chuyên đề “Áp dụng phương pháp dạy học dự án một cách hiệu quả nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cho HS”.

Ban đầu, đề xuất của cô còn gây hoài nghi đối với các thầy cô giáo trong tổ bộ môn. Mọi người cho rằng, rất khó để thực hiện với đối tượng HS yếu kém ở vùng nông thôn. Nhưng nhờ sự linh hoạt, thay đổi phù hợp với từng đối tượng HS, năm học qua, cô đã áp dụng thành công tại các lớp mình giảng dạy và nhận được sự đánh giá cao của các thầy cô trong tổ bộ môn.

Cô Giang còn là cây viết sáng kiến kinh nghiệm của trường. Cô có 6 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp ngành. Trong số đó, cô tâm đắc nhất là sáng kiến “Thiết kế tài liệu nghe bổ sung cho HS lớp 10 chương trình thí điểm” thông qua hình thức giao bài tập trên Facebook.

Sáng kiến này đã nhận được đánh giá cao và được áp dụng rộng rãi không chỉ với bộ môn Tiếng Anh, mà còn với các thầy cô dạy các môn văn hóa khác trong trường.

Truyền cảm hứng cho học sinh

Tâm đắc với câu nói nổi tiếng của William Authur Ward (Nhà giáo dục Mỹ): “Người thầy trung bình chỉ biết nói; Người thầy giỏi biết giải thích; Người thầy xuất chúng biết minh họa; Người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”, cô Giang cho rằng, người GV thành công là người có thể truyền cảm hứng cho HS của mình. Vì vậy ngoài việc trau dồi năng lực chuyên môn, cô luôn gần gũi, động viên, chia sẻ mọi khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống với HS của mình.

Theo cô Giang, HS ngày nay rất có năng lực. GV có thể sẽ không biết được khả năng các em tới đâu nếu không cho các em cơ hội thể hiện.

“Khi tôi áp dụng phương pháp dạy học dự án cho HS, các em tự tìm hiểu bài, thuyết trình trên lớp, giảng giải cho các bạn khác mới thấy, các em có khả năng tuyệt vời hơn mình nghĩ. Đặc biệt, các em phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình rất tốt. Tôi cũng giao bài, phân công theo năng lực HS. Với HS trung bình, đôi khi chỉ cần các em dám đứng trước các bạn để thể hiện suy nghĩ của mình đã là một điều đáng khuyến khích”, cô Giang chia sẻ.

“Trong các tiết dạy trên lớp, tôi luôn cố gắng lồng ghép những câu chuyện, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi đặt chân tới những vùng đất mới, quen biết với những người bạn từ các quốc gia khác. Mục đích để khơi gợi cho các em niềm đam mê học tập, ham tìm hiểu khám phá, để các em thấy rằng khi các em học giỏi tiếng Anh các em sẽ chạm tới ước mơ một cách dễ dàng hơn”. 

Cô Trần Thị Giang

Theo cô Giang, trong thời đại công nghệ phát triển, việc học tiếng Anh đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, HS ở vùng quê vẫn có những hạn chế nhất định. Các em chỉ học thông qua sách vở, video, không có cơ hội tiếp xúc với người bản ngữ.

Chính vì vậy, cô mạnh dạn xin phép Ban giám hiệu, mời GV nước ngoài về giao lưu với HS, chia sẻ với các em về những khó khăn trong việc học ngoại ngữ, cho các em cơ hội tìm hiểu về văn hóa các nước trên thế giới.

“Thông thường, tôi thường mời GV nước ngoài ở lại nhà mình 5 - 7 ngày. Trong thời gian đó, HS cũng có thể tới giao lưu học tập. Sau những dịp ấy, tôi thấy HS khao khát được học nhiều hơn, các em thích học tiếng Anh hơn” - cô Giang cho biết.

Hiện nay, phụ huynh HS đều hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh nhưng làm sao để các em nhận thức được điều này? Theo kinh nghiệm, hàng ngày mỗi khi lên lớp, cô thường nói về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai nếu các em có lợi thế tiếng Anh.

Cô chia sẻ về những tấm gương HS cũ của mình sau khi ra trường đã thành công nhờ có tiếng Anh tốt. “Tôi cũng cố gắng sưu tầm, tìm hiểu về các kênh khoa học bằng tiếng Anh, để giới thiệu cho HS, hướng dẫn các em tìm tài liệu bằng từ khóa tiếng Anh. Mục đích là để các em nhận thức được rằng, tiếng Anh sẽ là chìa khóa mở ra chân trời tri thức mới. Ở đó có rất nhiều điều thú vị. Tôi hướng các em coi tiếng Anh như một công cụ học tập, giải trí chứ không đơn thuần là một môn học” - cô Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ