TS. Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng Khoa Tiếng Anh – Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội trao đổi cùng với Lao Động về môn Tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ triển khai từ năm học 2020-2021, môn Tiếng Anh sẽ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Vậy chương trình mới có đặc điểm gì nổi bật, thưa bà?
TS. Vũ Thị Thanh Nhã: So với chương trình hiện hành, chương trình mới được xây dựng theo hướng giao tiếp, có tính liên thông cao giữa các lớp học, bậc học của Việt Nam.
Sau mỗi cấp học, học sinh đạt một bậc trình độ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, tương đương các bậc trình độ năng lực tiếng Anh theo Khung tham chiếu chung Châu Âu CEFR.
Một điểm mới là môn tiếng Anh được đưa vào dạy trong nhà trường sớm hơn. Từ lớp 1, những trường có điều kiện có thể triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh.
Từ lớp 3, tiếng Anh được coi là môn học bắt buộc cấp tiểu học chứ không phải môn học tự chọn như trước. Điều này cũng phù hợp với xu thế dạy học ngôn ngữ sớm trên thế giới và xuất phát từ nhu cầu và điều kiện thực tế dạy học tại Việt Nam.
- Việc dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thôngđã được chú trọng trong nhiều năm qua, tuy nhiên kết quả không như mong muốn. Theo bà, chương trình mới này sẽ giải quyết những hạn chế trong chương trình hiện nay ra sao?
TS. Vũ Thị Thanh Nhã: Trên thực tế, năng lực ngoại ngữ của học sinh Việt Nam có nhiều tiến bộ trong những năm vừa qua. Tuy vậy, ở một số địa phương, kết quả học tiếng Anh của học sinh có thể chưa đạt như kỳ vọng. Do đó, dẫn đến khác biệt trong năng lực tiếng Anh đạt được của người học là điều không tránh khỏi.
Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng mở, tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau có thể triển khai một số hoạt động phù hợp với địa phương và đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc.
TS Vũ Thị Thanh Nhã.
- Theo bà, khi xây dựng chương trình mới, chúng ta cần tính toán đến bài toán giáo viên dạy tiếng anh như thế nào?
TS. Vũ Thị Thanh Nhã: Để đáp ứng chương trình tiếng Anh giáo viên phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với môn học này.
Theo tôi biết, công việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên này đã được Đề án Ngoại ngữ và các trường đào tạo giáo viên ngoại ngữ bắt đầu tiến hành triển khai từ năm 2010. Bên cạnh đó, giáo viên phải được tập huấn đầy đủ để triển khai chương trình mới.
Đặc biệt, giáo viên cần hiểu được định hướng đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông nói chung và Chương trình Tiếng Anh nói riêng. Trên cơ sở đó, nắm vững mục tiêu môn học và cách thức để đạt được mục tiêu đó.
Chương trình lấy các yêu cầu cần đạt sau mỗi giai đoạn học tập làm nòng cốt và mở về nội dung dạy học đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng soạn giáo án bài học dựa vào mục tiêu, biết lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với mục tiêu đặt ra...
- Trong chương trình môn tiếng Anh mới, Tiến sĩ thấy sự hứng thú, niềm yêu thích dành cho học sinh được thể hiện như thế nào?
TS. Vũ Thị Thanh Nhã: Để học tốt bất cứ môn học nào, học sinh cũng cần phải có sự đầu tư về thời gian và mong muốn tìm hiểu khám phá thêm môn học đó.
Mục tiêu cao nhất của chương trình Tiếng Anh là phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực và phẩm chất chung. Việc quy định mục tiêu theo hướng năng lực giúp cho giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn phương pháp và nội dung để tạo ra sự hứng thú và yêu thích của người học, phù hợp với đặc điểm của người học.
Ví dụ, đối với học sinh tiểu học việc phát triển năng lực giao tiếp có thể thực hiện qua tham gia các trò chơi, học hát, đọc vè, đóng vai... Đối với học sinh THCS và THPT, có các dự án học tập, được cơ hội tìm hiểu về các địa điểm du lịch, thần tượng, cuộc sống bên ngoài trái đất...
Văn hoá của các nước nói tiếng Anh, như ngày Giáng sinh, Lễ tạ ơn, cũng được khéo léo lồng ghép vào các nội dung học tập để tạo sự tò mò và hứng thú cho người học.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!