Lưu ý ôn tập, kỹ năng làm bài Ngữ văn tốt nghiệp THPT từ đề tham khảo

GD&TĐ - Phân tích đề tham khảo, cô Vũ Hoài Thu, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) đồng thời lưu ý giúp HS ôn tập, làm tốt bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Một số điểm nổi bật từ đề tham khảo

Theo cô Vũ Hoài Thu, so với năm 2023, đề tham khảo Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản vẫn giữ nguyên cấu trúc chính gồm 2 phần, 3 câu (phần Đọc hiểu - 3 điểm; phần Làm văn - 7 điểm với câu viết đoạn văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Ma trận đề đi từ nhận biết đến vận dụng cao, với số lượng câu phân bố phù hợp.

Phần Đọc hiểu (3,0 điểm), học sinh sẽ khai thác ngữ liệu để trả lời 4 câu hỏi ở các mức độ: Nhận biết (2 câu hỏi), thông hiểu (1 câu) và vận dụng (1 câu).

So với đề thi chính thức của năm 2023, độ khó của câu hỏi có phần giảm đi, các câu hỏi đều ở mức độ phù hợp với học sinh trung bình, chỉ cần có khả năng viết mạch lạc, rõ ý là đạt yêu cầu.

Hai câu hỏi đầu tiên, ở mức độ nhận biết và học sinh chỉ cần đọc lướt qua ngữ liệu vẫn có thể trả lời được câu hỏi. Câu hỏi ở mức độ thông hiểu và vận dụng không khó, trên thực tế học sinh có thể kết hợp với hiểu biết của bản thân để trả lời.

Câu số 4, khi hỏi học sinh bài học rút ra về lẽ sống bản thân từ suy ngẫm của tác giả được thể hiện trong đoạn trích. Tuy nhiên, vấn đề được nhắc tới cũng không mới nên rất không có sự thách thức, phân loại học sinh.

Phần Làm văn (7 điểm) vẫn giữ nguyên cấu trúc bao gồm hai câu: Một câu hỏi nghị luận xã hội và một câu hỏi nghị luận văn học.

Câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) bàn về một vấn đề được rút ra từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu.

Đề bài đưa ra yêu cầu nghị luận về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách. Đây là vấn đề có ý nghĩa liên hệ thực tế cao khi đặt trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động, bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và những ảnh hưởng nghiêm trọng sau đại dịch, thiên tai chi phối đời sống tinh thần của con người.

Từ đó, học sinh cần nhìn nhận sức mạnh của thái độ sống tích cực trước thử thách có thể tạo thành những điều phi thường.

Với đề bài này, học sinh cần biết những định nghĩa “tích cực”, “thử thách”, và có hiểu biết nhất định về đời sống xã hội; có những lập luận rõ ràng trong việc nhìn nhận các yếu tố, hành vi của con người trong điều kiện thử thách mới có thể làm được bài.

Câu 2 (5 điểm) Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất (5 điểm) nằm trong đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Vấn đề nghị luận vẫn bao gồm 2 vế, trong đó vế chính yêu cầu học sinh phân tích đoạn trích và vế phụ cần rút ra nhận xét về tình cảm mà nhà văn dành cho dòng sông Hương được thể hiện thông qua đoạn trích đó.

Về cơ bản, đây là đoạn trích hay, có nhiều điểm sáng nghệ thuật và cho phép học sinh nêu cảm nhận của mình về vẻ đẹp của sông Hương trong hành trình ra khỏi kinh thành Huế.

Vế thứ nhất vừa kiểm tra được kiến thức cơ bản của học sinh, vừa tạo điều kiện để học sinh thể hiện năng lực thẩm mĩ trong quá trình cảm thụ tác phẩm. Vế thứ hai hỏi về tình cảm tác giả dành cho sông Hương trong đoạn trích. Học sinh cần đưa ra đánh giá của mình về tình cảm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đối với dòng sông Hương và có thể liên hệ đến niềm tự hào về quê hương xứ sở, tôn vinh những giá trị lịch sử-văn hoá-địa lý của dân tộc.

Nhìn chung, đề tham khảo Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 không quá khó, không có quá nhiều sự thay đổi và vẫn có cấu trúc tương tự đề thi năm trước. Những câu hỏi ở cả phần đọc hiểu là làm văn đều hướng đến liên hệ thực tiễn, không đánh đố và không có tính phân hóa quá cao đối với thí sinh.

Đối với học sinh lớp 12 năm nay, đề thi tham khảo môn Ngữ văn 2024 về cơ bản đã kiểm tra được kiến thức cơ bản, không đánh đố và không có độ khó cao. Dự đoán mức điểm trung bình của học sinh sẽ rơi vào khoảng 5-7 điểm, không quá khó để những học sinh chăm chỉ, có năng lực đạt mức điểm giỏi.

Cô Vũ Hoài Thu, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Cô Vũ Hoài Thu, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

Ôn tập bám sát cấu trúc đề thi

Hướng dẫn ôn tập bám sát đề thi, cô Vũ Hoài Thu lưu ý, phần Đọc hiểu, học sinh tập trung vào kiến thức cơ bản như phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt; hình thức ngôn ngữ; phương thức trần thuật; các phép liên kết; thể thơ; thể loại; thao tác lập luận, biện pháp nghệ thuật…

Phần nghị luận xã hội, các em ôn tập các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, so sánh, bình luận... và quan tâm, tìm hiểu các vấn đề nóng của xã hội đang diễn ra...

Phần Nghị luận văn học, ôn tập kỹ trọng tâm chương trình Ngữ văn THPT, đặc biệt là nội dung lớp 12. Học sinh nên sơ đồ tư duy hoá các kiến thức văn bản, liên hệ/so sánh với các tác phẩm/hình ảnh cùng chủ đề.

Lưu ý kỹ năng làm bài

Hướng dẫn về kỹ năng làm bài, cô Vũ Hoài Thu nhấn mạnh học sinh cần làm lần luợt các phần, đảm bảo không bỏ sót.

Ở phần đọc hiểu, đọc trước các câu hỏi sau đó mới quay trở lại đọc văn bản. Với câu hỏi lấy ngữ liệu từ văn bản, đọc kỹ văn bản chứa từ khóa, ý chính để tìm ra vấn đề được hỏi. Với câu hỏi thông hiểu, vận dụng, căn cứ vào văn bản và thực tiễn để lý giải, quan điểm đưa ra phải phù hợp với chuẩn mực xã hội và có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực.

Phần nghị luận xã hội, học sinh cần đảm bảo hình thức trình bày theo đoạn văn (không ngắt dòng, xuống dòng; tách đoạn) và dung lượng (khoảng 2/3 trang giấy thi)

Khi đặt bút viết, học sinh cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề/luận điểm đoạn văn mình viết là gì? Để làm sáng tỏ chủ đề/luận điểm ấy, cần nêu luận cứ cụ thể nào?

Xác định rõ ràng bố cục cơ bản của một đoạn văn nghị luận xã hội, cách triển khai ý, cách viết câu...

Tránh lan man, hô khẩu hiểu hay đưa ra các dẫn chứng đã nhàm chán và không có tính cập nhật.

Phần Nghị luận văn học, các em thực hiện theo 2 bước. Bước 1, nhận dạng kiểu bài, xác định yêu cầu trọng tâm bằng cách gạch chân từ, cụm từ quan trọng trong đề.

Bước 2: Lập dàn ý khái quát, đưa ra những ý quan trọng của từng phần. Có thể tham khảo dàn ý sau:

Mở bài: Giới thiệu chung (vị trí, phong cách của tác giả; nét cơ bản về tác phẩm); dẫn dắt vào vấn đề nghị luận; khái quát về vấn đề.

Thân bài: Với yêu cầu đề chính, nêu cảm nhận về hai ngữ liệu được đưa ra từ đề bài. Khái quát thêm về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ tác phẩm, sơ lược nội dung tư tưởng tác phẩm.

Với yêu cầu phụ: Dựa vào đặc sắc về cảm hứng, quan điểm sáng tác, đặc trưng phong cách nghệ thuật tác giả hoặc căn cứ vào diễn biến, quá trình thay đổi của các ngữ liệu để đánh giá, nhận xét, lý giải phù hợp.

Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đánh giá sau cùng; nêu ấn tượng bản thân về vấn đề…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ