(GD&TĐ) - Theo các chuyên gia sinh sản, sau 35 tuổi, người phụ nữ có nguy cơ sinh ra em bé bị rối loạn nhiễm sắc thể (NST), chẳng hạn, hội chứng Down là trường hợp bé có tới 3 cặp NST 21 (thay vì 2 cặp như bình thường). Ngoài ra, thai phụ trên 35 tuổi còn có nguy cơ cao mắc các bệnh như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, nhau bong non và nhau tiền đạo, hoặc dễ bị thừa cân, cao huyết áp và mắc bệnh tuyến giáp. Do đó, những chị em trên 35 tuổi và đang mang thai cần lưu ý những điều sau đây:
Kiểm soát cân nặng
Ảnh có tính chất minh họa/Nguồn: Internet |
Theo Tiến sĩ Genevieve Fairbrother, bác sĩ sản - phụ khoa tại thành phố Atlanta (Mỹ), ngoài những vấn đề di truyền, hầu hết những phụ nữ sinh con sau tuổi 35 đều khỏe mạnh. Nhiều biến chứng có thể được ngăn ngừa bằng cách lựa chọn lối sống đơn giản và lành mạnh. Vì vậy, nếu bạn mắc phải bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp hoặc thừa cân, để khỏe mạnh, bạn nên kiểm soát cân nặng của mình, còn nếu bạn đang uống rượu hoặc hút thuốc, hãy ngừng ngay lập tức, nó rất có hại cho sức khỏe.
Bổ sung vitamin trước khi sinh
Bổ sung dưỡng chất thiết yếu dành cho thai phụ, với hàm lượng ít nhất 1mg axít folic trong khoảng 3 tháng trước khi mang thai và duy trì chế độ này trong suốt thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh cho bé, chẳng hạn như nứt đốt sống.
Siêu âm khi thai nhi được 6 tuần tuổi
Theo tiến sĩ Sara Gottfried, bác sĩ sản - phụ khoa tại Berkeley (Mỹ), hầu hết các bà mẹ thường siêu âm khi thai nhi được 8 tuần tuổi nhưng nếu bạn trên 35 tuổi, bạn nên siêu âm khi thai nhi được 6 tuần tuổi. Nếu bạn dự định tiến hành một cuộc kiểm tra di truyền vào 3 tháng đầu của thai kỳ, siêu âm sớm có thể giúp bạn kiểm tra sức khỏe cũng như phát hiện ra nhau tiền đạo – tình trạng nhau thai (bộ phận nuôi dưỡng thai nhi) che bít cổ tử cung của người mẹ, làm cản trở quá trình lâm bồn sau này.
Kiểm tra huyết áp
Theo các chuyên gia, việc kiểm tra huyết áp đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, bởi nó giúp bác sĩ biết thai phụ có nguy cơ bị tiền sản giật hay không để có biện pháp ứng phó.
Xét nghiệm di truyền sớm
Trước khi có thai hoặc ngay khi biết mình có thai, chị em cần thực hiện một cuộc xét nghiệm di truyền. Các cuộc xét nghiệm chẳng hạn như phân tích nhung mao của bánh nhau (CVS) hay đo độ mờ da gáy (để chẩn đoán bệnh Down cho em bé) cần được thực hiện sớm, thường là khi thai nhi được 11 tuần tuổi.
Cân nhắc các rủi ro
Sau tuổi 35, thai phụ dễ bị sẩy thai hoặc gặp các rủi ro khác nếu tiến hành chọc ối, thủ thuật đưa một cây kim rất nhỏ vào bên trong buồng ối để hút lấy một ít dịch ối qua thành bụng, để xét nghiệm bệnh. Theo khảo sát của công ty Ariosa Diagnostics (Mỹ), 58% phụ nữ mang thai trên 35 tuổi sẽ không chọn cách chọc ối để chẩn đoán bệnh cho bé. Thay vào đó, Tiến sĩ Fairbrother cho rằng thai phụ có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm ADN phi tế bào mới cực kỳ chính xác mà không ảnh hưởng gì đến thai nhi.
Kiểm tra bệnh tiểu đường thai kỳ
Những thai phụ trên 35 tuổi cần xét nghiệm sớm bệnh tiểu đường trong thai kỳ ngay lần đầu tiên đi khám thai và tái kiểm tra bệnh này một lần nữa khi thai nhi được 24 hoặc 28 tuần tuổi.
Ăn uống đúng cách và tập thể dục thường xuyên
Việc tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ, các vấn đề về cân nặng cũng như nguy cơ sinh trẻ thừa cân. Do đó, chị em nên ăn nhiều thực phẩm giàu prôtêin, hoa quả, rau, ngũ cốc, dùng sữa ít béo và các chất béo lành 6
mạnh. Ngoài ra, chị em cũng nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày tập thể dục để cơ thể luôn được khỏe mạnh.
H.Huy (Theo Fox News)