Cô Lê Hải Châu, giáo viên Trường THPT Ban Mai, Hà Nội cho biết, đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm nay vẫn theo cấu trúc 3 phần giống như mọi năm.
Đối với phần Đọc-hiểu: Vẫn xây dựng theo 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Đối với phần Nghị luận xã hội: Yêu cầu vẫn rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc-hiểu.
Đối với phần Nghị luận văn học: Nằm trong chương trình học 12 và bám sát chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT.
Về nội dung, theo nhận định của cô Lê Hải Châu, đối với phần Làm văn ở câu 2 (Nghị luận văn văn học), câu lệnh nên rõ ràng để học sinh biết yêu cầu là viết đoạn văn hay bài văn.
Độ khó đối với đề này, theo cô Châu, phần đa học sinh sẽ làm được khoảng 6-7 điểm. Tuy nhiên học sinh cũng cần lưu ý, đề minh họa cũng chỉ để tham khảo, chưa phải là cấu trúc đề chính thức. Học sinh cần dành nhiều thời gian cho phần Làm văn, đặc biệt là câu nghị luận văn học vì đây là câu chiếm nhiều điểm nhất trong cấu trúc đề thi Ngữ văn.
Cũng nhận định về đề tham khảo Ngữ văn, ông Trần Quang Khải, chuyên viên chính Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, đề có cấu trúc giống như các năm trước (Đọc hiểu văn bản - 3 điểm; Làm văn - 7 điểm).
Phần Đọc hiểu văn bản, đoạn văn bản ngữ liệu ngoài văn bản sách giáo khoa. 4 câu hỏi (nghiêng về hiểu văn bản): Câu 1 và 2: mức độ nhận biết (dễ đạt); câu 3: mức độ thông hiểu, học sinh dựa và văn bản trả lời; câu 4: mức độ thông hiểu cao, dạng câu hỏi mở; học sinh phải suy nghĩ, đưa ra ý kiến cá nhân để trả lời.
Phần Làm văn, câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn ngắn, khoảng 200 chữ về một vấn đề đặt ra từ nội dung văn bản. Câu này mức độ vận dụng thấp, nội dung không khó để học sinh đạt được điểm tối đa.
Câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết một bài tập làm văn hoàn chỉnh. Nội dung hỏi về một nhân vật trong tác phẩm trong chương trình lớp 12, không có liên hệ với chương trình Ngữ văn lớp 10, 11.
“Mức độ đề thi trung bình, học sinh dễ đạt yêu cầu, bởi đây thuộc chuẩn kiến thức cơ bản của bài học” – ông Trần Quang Khải nhận định.
Định hướng việc ôn tập thi THPT quốc gia đối với môn Ngữ văn, ông Trần Quang Khải cho rằng, học sinh cần nắm kĩ cấu trúc đề thi; tập trung kĩ vào phần kiến thức chủ yếu lớp 12. Học sinh cần nắm vững kiến thức nội dung về tác phẩm đã học; các biện pháp nghệ thuật được sử dụng để phân tích tác phẩm; cần có kĩ năng phân tích thơ, truyện khi làm bài.