Lưu ý dạy học, ôn tập với đề tham khảo môn Toán

GD&TĐ - Vận dụng hiệu quả đề tham khảo môn Toán sẽ giúp nâng cao chất lượng môn này trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Đề tham khảo có gì mới?

Nhận định về đề tham khảo môn Toán thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc, tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) cho biết, đề có 30% các ý hỏi thuộc chương trình lớp 11; xoay quanh các chuyên đề về hình học không gian, lượng giác, dãy số - cấp số cộng - cấp số nhân, mũ – logarit, xác suất cổ điển, lý thuyết đồ thị.

Đặc biệt, câu hỏi thuộc phần lý thuyết đồ thị (câu 2 - phần III) là phần kiến thức thuộc chuyên đề học tập toán – phần kiến thức không phải học sinh nào cũng bắt buộc học tập.

70% các ý hỏi của đề thuộc chương trình lớp 12 và phủ tất cả các chuyên đề.

Đề tham khảo có 25 ý hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu (khoảng 6 điểm).

Cũng phân tích đề tham khảo môn Toán, cô Nguyễn Thị Hải Yến, giáo viên Trường THCS & THPT Phenikaa cho biết, đề gồm 3 phần với tổng 34 ý hỏi.

Phần 1 là câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn với 12 câu ở cấp độ nhận biết và thông hiểu. Phần 2 là 4 câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai (mỗi câu có 4 ý), cấp độ từ nhận biết đến vận dụng. Phần 3 là 6 câu trắc nghiệm trả lời ngắn, cấp độ vận dụng.

30% các ý hỏi thuộc chương trình lớp 11, bao gồm: hình học không gian; lượng giác; dãy số, cấp số cộng, cấp số nhân; mũ và logarit; xác suất cổ điển; lý thuyết đồ thị (câu 2 - phần III là kiến thức không bắt buộc cho tất cả học sinh). 70% các ý hỏi thuộc chương trình lớp 12 và bao quát tất cả các chuyên đề.

“Đề tham khảo không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn khuyến khích học sinh phát triển kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề và khả năng ứng dụng toán học vào thực tiễn”, cô Nguyễn Thị Hải Yến đánh giá.

Lưu ý học sinh với đề tham khảo

Với các câu hỏi cấp độ nhận biết - thông hiểu, cô Nguyễn Thị Hải Yến lưu ý học sinh cần nắm vững kiến thức nền tảng để tư duy và giải quyết các vấn đề toán học cơ bản.

Câu hỏi cấp độ vận dụng tập trung vào bài toán ứng dụng thực tế, liên môn và các chuyên đề hàm số, nguyên hàm - tích phân, xác suất, hình học không gian và hình học Oxyz, học sinh cần năng lực, kiến thức, kỹ năng chắc chắn, khả năng tư duy tốt để mô hình hóa và giải quyết vấn đề.

Học sinh cần nhanh nhạy, phản xạ tốt, kiên trì và chắc chắn. Đối với học sinh trung bình, việc đọc hiểu và mô hình hóa các bài toán là một thách thức lớn, đặc biệt trong năm đầu thi kiến thức Chương trình GDPT 2018.

Lưu ý học sinh trong học, ôn tập với đề tham khảo, cô Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng, các em nên lập kế hoạch ôn tập cụ thể, phân chia thời gian cho từng phần kiến thức và các dạng bài tập. Thực hành đều đặn các dạng bài trong đề tham khảo để làm quen với cấu trúc và yêu cầu của đề thi.

Khuyến khích học sinh tự đánh giá khả năng của mình qua các bài kiểm tra thử, từ đó xác định điểm mạnh và điểm yếu; sử dụng tài liệu bổ trợ, như sách tham khảo, video hướng dẫn và các trang web học tập trực tuyến.

Các em có thể tham gia vào các nhóm học tập để cùng giải quyết bài tập, trao đổi kiến thức và hỗ trợ nhau trong việc học.

Để hoàn thành tốt các ý hỏi cấp độ nhận biết – thông hiểu, cô Đỗ Thị Quỳnh Ngọc lưu ý, học sinh cần nắm vững toàn diện các kiến thức nền tảng, từ đó có các bước tư duy và lập luận, giải quyết các vấn đề toán học cơ bản.

Các ý hỏi ở cấp độ vận dụng (chiếm khoảng 4 điểm) tập trung vào các bài toán ứng dụng thực tế, liên môn và thuộc các chuyên đề hàm số, nguyên hàm – tích phân, xác suất, hình học không gian và hình học Oxyz. Để xử lí các ý hỏi này, học sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn, đồng thời cần có sự bình tĩnh và nhanh nhạy cũng như tư duy tốt để có thể mô hình hóa toán học, giải quyết các vấn đề toán học khó.

Triển khai đề tham khảo trong dạy học, ôn tập

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai đề tham khảo trong dạy học, cô Nguyễn Thị Hải Yến nhấn mạnh trước tiên đến việc trình bày cấu trúc và nội dung của đề cho học sinh, giúp các em hiểu rõ cách thức ra đề và các dạng bài thường gặp. Tổ chức thảo luận nhóm về các câu hỏi trong đề tham khảo, khuyến khích học sinh trao đổi và giải thích các phương pháp giải. Cho học sinh thực hành giải các chuyên đề tương tự trong đề tham khảo, từ đó rèn luyện kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề.

Trong kiểm tra, đánh giá, theo cô Nguyễn Thị Hải Yến, nhà trường, giáo viên nên tổ chức các kỳ thi thử dựa trên đề tham khảo để học sinh làm quen với áp lực thi cử và quản lý thời gian. Phân tích kết quả thi thử để đánh giá năng lực học sinh, từ đó có những điều chỉnh trong phương pháp dạy học.

Việc cung cấp phản hồi cụ thể cho từng học sinh về những điểm mạnh và điểm cần cải thiện sau mỗi kỳ thi thử; đồng thời phối hợp với phụ huynh cùng nhắc nhở và tạo điều kiện cho con cũng rất cần thiết.

Khi dạy học, cô Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng, giáo viên cần đảm bảo học sinh nắm vững kiến thức cơ bản trước khi chuyển sang các bài tập nâng cao. Các kiến thức nền tảng là rất quan trọng trong việc giải quyết các bài toán khó hơn. Khuyến khích học sinh tự tìm hiểu, làm bài tập về nhà và sử dụng tài liệu tham khảo để củng cố kiến thức. Kiểm tra thường xuyên việc nắm bắt, ghi nhớ, vận dụng kiến thức của học sinh dưới nhiều hình thức.

Thầy cô cũng cần quan tâm dạy học sinh cách phân tích và mô hình hóa các bài toán; hướng dẫn các em cách tiếp cận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mỹ nhân ngư theo thần thoại.

Chạm trán mỹ nhân ngư

GD&TĐ - Nàng tiên cá xuất hiện từ rất lâu trong văn hóa dân gian trên khắp thế giới và được xem là sinh vật có thật ở vài khu vực.

Trẻ cần được dạy về những nguy hiểm khi sử dụng điện không đúng cách. Ảnh minh họa.

Dạy trẻ kỹ năng phòng tránh điện giật

GD&TĐ - Các mối nguy hiểm đến với trẻ trong nhà cũng như ngoài đường, ở lớp học có rất nhiều nhưng có lẽ đến từ điện là nỗi ám ảnh đối với bậc cha mẹ.