Năm 20 tuổi, cố nhà thơ Lưu Quang Vũ đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây - Bếp lửa” và cùng với nhiều cung bậc trải nghiệm nhà thơ đã khẳng định độ chín của tài năng qua các tập thơ in riêng “Mây trắng của đời tôi”, “Bầy ong trong đêm”…
Trong khoảng thời gian 10 năm (1978 - 1988), làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã sáng tác vở kịch nói đầu tay “Sống mãi tuổi 17” và hàng loạt vở kịch: Nàng Sita; Hẹn ngày trở lại; Nếu anh không đốt lửa; Hồn Trương Ba da hàng thịt; Lời thề thứ 9; Khoảnh khắc và vô tận; Bệnh sĩ; Tôi và chúng ta; Người tốt nhà số 5; Ngọc Hân công chúa; Linh hồn của đá; Ông vua hóa hổ; Chiếc ô công lý; Ông không phải là bố tôi; Điều không thể mất; Lời nói dối cuối cùng… Những tác phẩm của của ông đã trở thành một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước và đưa ông lên vị trí tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam.
Nhà thơ Xuân Quỳnh bước chân vào nghệ thuật với tư cách là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 - 1964, nhà thơ Xuân Quỳnh đã đi học Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam rồi về làm việc tại Báo Văn nghệ, Báo Phụ nữ Việt Nam.Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của chị.
Giọng điệu thơ khi hạnh phúc, đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của người phụ nữ vừa làm thơ và sống hết mình với thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình. Xuân Quỳnh có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Thuyền và biển; Sóng; Hoa cỏ may; Tự hát; Nói cùng anh… Bà đã in các tập thơ “Tơ tằm - chồi biếc”, “Hoa dọc chiến hào”, “Gió lào, cát trắng”, “Lời ru trên mặt đất”, “Sân ga chiều em đi”, “thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ”…
Hai con người tài hoa đều đã qua một lần đổ vỡ hôn nhân tìm thấy nhau, cùng sát cánh bên nhau vượt lên chông gai cuộc đời để tỏa sáng và cống hiến và gắn bó hòa quyện sinh mệnh cùng nhau cho đến phút cuối cuộc đời.
Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh |
Lưu Quang Vũ có ba mảng sáng tác là làm thơ, viết truyện và viết kịch. Những vở kịch đưa tên tuổi Lưu Quang Vũ lên tầm cao thời đại nhưng tôi lại cho rằng thơ của anh mới chính là cái giá trị lớn nhất, sẽ sống mãi. Bởi nếu nhìn thơ Lưu Quang Vũ theo lăng kính thời đại 4.0 thì có một giọng điệu khác lạ, đầy bứt phá.
NSƯT Lê Chức – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, bạn thân của cố nhà thơ/nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bộc bạch: “Mặc dù đã 30 năm đi qua nhưng những gì liên quan đến ba con người vẫn đầy ắp trong trái tim tôi và trong trái tim của những người thân, bạn bè và những người yêu văn học nghệ thuật”.
Những năm qua có nhiều bài báo đã đề cập đến tính dự báo của kịch Lưu Quang Vũ nhưng tôi lại nghĩ tính dự báo đó nằm trong khâu tiếp nhận của mỗi người. Khi anh tạo ra được một tác phẩm trọn vẹn thì ánh sáng – nguyên chất của nó sẽ được đọc mới. Cho nên tính thời sự của hầu hết các tác phẩm của Lưu Quang Vũ là rất rõ.