Sắc nét hơn, tầm cỡ hơn từ nhiều so sánh
Chiếm một tỉ lệ khá cao trong số tham luận ở cả 3 hội thảo là những tham luận nhìn lại Nguyễn Bính bằng cách so sánh với các tác giả khác.
So sánh với Hàn Mặc Tử để thấy “những điểm tương đồng và khác biệt thú vị” cho dù “vẻ như Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đối lập nhau, Nguyễn Bính tiêu biểu vì “quen nhất”, còn Hàn Mặc Tử độc đáo ở sự “lạ” (Nguyễn Thị Thu Trang).
So sánh với Lưu Trọng Lư để thấy “Mộng của Lưu Trọng Lư thuần chất và thuần khiết đến độ [người đọc] đến với thơ ông như lạc vào cõi mộng” trong khi “… mộng của Nguyễn Bính chỉ là giả cách, luôn luôn bị kéo về đời thực, về trần thế với cảnh thực tình thực và cả những nỗi đau thực đến vô cùng” (Võ Nguyễn Bích Duyên).
So sánh với Tố Hữu để thấy “Tố Hữu, thơ thiên về gợi cảnh chung - khái quát, rồi từ đó mà nhắc nhở nhiệm vụ cách mạng giải phóng miền Nam…thì thơ Nguyễn Bính lại có nhiều chi tiết, sự việc thực hơn; rồi ông cũng không mấy khi kêu gọi, mà qua nhiều sự việc, chi tiết thực về tình cảm cha xa con, vợ xa chồng…, người đọc thơ thấy hình ảnh đồng bào, đồng chí trong Nam thật sinh động, rõ ràng… Thơ Nguyễn Bính ở đây được công chúng tìm đọc, rồi thích, là thơ của tình cảm, tạo sự xúc động từ tình cảm hơn là do thức gợi người đọc bằng nhận thức tư tưởng” (Nguyên An).
Nguyễn Bính còn được so sánh với những đỉnh cao của văn học thế giới. So với Esenin (nhà thơ Nga 1895-1925) để thấy cả hai tác giả cùng “khắc tạc linh hồn làng quê”, cùng “…thể hiện sự mẫn cảm trước thời cuộc. Cả hai nhà thơ đều linh cảm cái đẹp của nông thôn truyền thống một đi không trở lại”. (Đào Thị Anh Lê).
So với Kim So-Wol (Kim Tố Nguyệt) - nhà thơ Triều Tiên (1902-1934) để thấy cả hai cùng “kiến tạo ký ức chống thuộc địa (với Nguyễn Bính là đế quốc Pháp, với Tố Nguyệt là phát xít Nhật) bằng cách “…sử dụng chất liệu văn hóa dân gian để đưa ra diễn ngôn của mình về căn tính dân tộc, khơi gợi ý thức tập thể về những huyền thoại xưa, đặc biệt là những huyền thoại liên quan đến việc giữ nước” (Đào Lê Na).
Trong các so sánh với mục đích tìm ra những người nối tiếp bước đi thơ ca mà Nguyễn Bình đã khai mở là so sánh với Nguyễn Hoàng Sơn, để đưa ra nhận định “…Túi chín gang [của Nguyễn Hoàng Sơn] là sự nối tiếp bổ sung cho Túi ba gang [của Nguyễn Bính]; cho thấy thể loại viết lại truyện cổ luôn luôn mở rộng cho bất cứ ai ưa thích sáng tạo trong sự thách đố của nghệ thuật dân gian lẫn hiện đại” (Lê Nhật Ký).
So sánh với Phạm Công Trứ để thấy một bước tiến trong xử lí đề tài của 2 thi sĩ thuộc 2 hoàn cảnh xã hội khác nhau, “Phạm Công Trứ đã viết Lời thề cỏ may không phải với cái nhìn lãng mạn gắn liền với một chuyện tình thoáng chút buồn mà đẹp, như Nguyễn Bính đã viết Chân quê. Với cái nhìn tỉnh táo và chân thực, ông đã viết về sự đổi thay của lòng người, tình người trong xã hội hiện tại” (Nguyễn Văn Đấu).
Người tích cực chuyển từ điệu ngâm sang điệu nói
GS Trần Đình Sử đặt vấn đề: “Trên nền tảng các hình thức thi ca dân gian rất phong phú, đa dạng, hình thành nên một giai đoạn thi ca cổ điển có tính chất quy phạm. Các hình thức quy phạm kết tinh thành những kiệt tác, rồi đến giai đoạn cá tính bùng nổ, các hình thức quy phạm bị phân rã để thay thế bằng những hình thức thi ca mới.
Các yếu tố làm rạn nứt hình thức quy phạm kia là những câu thơ điệu nói”. Theo ông, Nguyễn Bính là nhà thơ điệu nói [chứ không còn là điệu ngâm] trong phong trào Thơ Mới 1932-1945. Trần Đình Sử giải thích “Thơ Việt truyền thống…trước hết là thơ luật Đường, thuộc lối thơ tu từ, sử dụng tất cả các yếu tố câu, vần, nhịp, điệu và các phép đối, luật, điển cố có sẵn để tạo ra câu thơ ý tượng, nghĩa là câu thơ cô đúc, có tính họa, tính nhạc, réo rắt nhưng không có dấu hiệu của lời nói”.
Chính Thơ Mới [rõ ràng nhất với Nguyễn Bính] đã tự do hóa các câu thơ truyền thống - bảy chữ, năm chữ, sáu / tám, tám chữ, thành câu thơ điệu nói”. Và Trần Đình Sử chứng minh: “Gái lớn ai không phải lấy chồng/ Can gì mà khóc, nín đi không!/ Nín đi, mặc áo ra chào họ/ Rõ quí con tôi! Các chị trông! Ương ương dở dở quá đi thôi!/ Cô có còn thương đến chúng tôi/ Thì đứng lên nào! Lau nước mắt/ Mình cô làm khổ mấy mươi người… Cả hai khổ thơ đều là thơ bảy chữ đúng vần luật, nhưng tất cả đều là lời nói không còn chút hơi hướng cổ phong, cổ luật nào”.
Theo hướng khai thác giá trị của thơ điệu nói, thứ thơ gần đời thường hơn các kinh điển, tác giả Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “thơ Nguyễn Bính cũng giống như nhạc bolero có tính đại chúng rất rộng rãi” và “không phải ngẫu nhiên mà trong số những bài bolero được cho là hay nhất, có khá nhiều bài phổ thơ, hoặc lấy từ ý thơ Nguyễn Bính”.
Dâng hương Nguyễn Bính tại Nhà lưu niệm |
Nguyễn Bính sau cột mốc 100 năm
Từ góc nhìn này, nhiều tham luận đưa ra những nhận định rất lạc quan. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Những câu thơ ấy như được viết cho con người ở nhiều thời khác nhau. Nghĩa là những cá nhân con người khác biệt vẫn tìm được những điều chung cho chính họ từ thơ Nguyễn Bính để bày tỏ tình yêu, sự nhớ thương, chia sẻ, nỗi buồn, cái đẹp”.
Cũng một nhận định như thế. TS - nhà thơ Bùi Mạnh Nhị đưa ra một lí giải khoa học: “Cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người” (Hoài Thanh, Hoài Chân). Đó là cách Nguyễn Bính đến với hiện đại.
Cũng từ đó, một trong những nguyên nhân chính để Nguyễn Bính trở thành nhà thơ của nhiều thời là thơ ông thể hiện rất tự nhiên, đặc sắc nhiều cổ mẫu kết tinh từ những mô thức tâm lý, “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”, “khơi dậy trong ta một giọng nói to hơn giọng nói của chính ta”.
Đó là cổ mẫu Đi và Lỡ bước, là cổ mẫu Không gia đình… Thơ Nguyễn Bính luôn là độc đáo, niềm đam mê tinh thần của riêng ông nhưng cũng là tâm trạng phổ quát, tiếng lòng của nhiều cá nhân không hề quen biết. Thơ Nguyễn Bính tập hợp được nhiều giá trị, là thơ của nhiều người, nhiều nhà, nhiều thời.
Những cổ mẫu đan dệt độc đáo trong thơ ông đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính không chỉ ở tầm dân tộc mà còn thuộc tầm nhân loại”. Từ đó Bùi Mạnh Nhị kiến nghị: “Nguyễn Bính đã và sẽ là nhà thơ của nhiều thời! Với ý nghĩa và tầm vóc thơ Nguyễn Bính, việc dịch và giới thiệu rộng rãi thơ Nguyễn Bính với cộng đồng quốc tế là rất cần thiết. Để nhân loại hiểu Việt Nam hơn!”