Lưu Quang Vũ - “Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa”

GD&TĐ - Là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam sau năm 1975, Lưu Quang Vũ người con của quê hương Đà Nẵng đã dự phần quan trọng vào sự nghiệp cách tân đổi mới văn học. Không chỉ trên đại hạt kịch, thơ ca của Lưu Quang Vũ sâu sắc về giá trị, mới mẻ và độc đáo về phong cách, luôn là chân trời vẫy gọi sự đồng sáng tạo của người đọc hôm qua, hôm nay và mai sau.

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Thi sĩ và những bài thơ chống lại chính mình

Là nhà thơ ý thức cách tân mạnh mẽ thi pháp, thường trực đau đáu về thiên chức của người cầm bút, Lưu Quang Vũ quan niệm thơ phải gắn liền với cuộc đời, kiến tạo hiện thực tốt đẹp và nhân văn hơn, phải mang hơi thở thời đại của mình. Đã nhiều lần, anh đề cập đến tuyên ngôn nghệ thuật một cách gián tiếp bằng thơ: Những chữ đẹp ngày xưa giờ đã bỏ tôi rồi/ Mở trang thơ chúng biến đi đâu cả/ Chữ biển chữ trời từ cây xanh từ hương cỏ/ Từ bình minh, hạnh phúc, tình yêu/ Những chữ ngọt ngào lộng lẫy gọi kêu/ Tôi dùng chúng quen tay đến nhẵn mòn sờn rách/ Không chịu theo tôi chúng rủ nhau nổi loạn/ Tôi bán chúng nhiều lần, nay chúng chống lại tôi/ Còn lại trên trang giấy mênh mông những chữ trần truồng/ Những chữ như đinh nhìn tôi sắc nhọn.

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ

Chân dung nhà thơ Lưu Quang Vũ

Cách kiến tạo và cuộc phiêu lưu chữ của anh thật quyết liệt. Anh không chấp nhận được lối viết cũ mòn, sáo nhẵn. Văn chương theo người thơ bạo liệt này không phải là tháp ngà của cái Đẹp được chưng cất xa lạ với cần lao, với cõi đời nhiều đắng cay, khó nhọc mà thi ca cũng là máu, là nước mắt, mồ hôi, từ chính cuộc sống đang cần được dựng xây: Tôi ở cùng những chữ hôm nay/Điều còn lại sau đường dài tôi vượt/ Những chữ lấm lem đứng dậy từ đời thật.

(Những chữ)

Qua những lời thơ của anh, ta thấy hơi thở thời đại ùa vào trên trang viết, phập phồng trong mỗi con chữ đầy trách nhiệm. Cái tôi trong thơ đã hòa với cuộc đời rộng lớn ngoài kia. Tận cùng của cái riêng ta bắt gặp tiếng nói của cái chung. Đó nhất định không phải là tiếng thở than của một tâm hồn ủy mị cô đơn, càng không phải khu vườn của những thanh âm buồn bã. 

Lưu Quang Vũ từng cho mình là một người trơ trọi, buồn đau, viển vông, thất bại dù tài hoa. Không những thế, anh còn ví mình: Ðời cũng giống như biển kia anh lại giống con tàu/Tàu anh đi đi hoài trên biển vắng/Mong tìm được một bóng hình bè bạn (Bầy ong trong đêm sâu).

Bằng nghệ thuật so sánh, ví mình như con tàu trên biển vắng, ta thấy cuộc phiêu lưu hay trò chơi chữ nghĩa mà anh theo đuổi hết sức cô đơn. Cảm thức của một cái tôi cô đơn vì những dự cảm mới mẻ, bạo liệt kiến tạo những chân trời văn chương mới, những sự thật không phải ai cũng dám nói lên. Anh là người tha thiết, đắm đuối với những thể nghiệm: Anh xé quyển thơ anh viết mấy năm ròng/Anh xé lòng anh những đêm mất ngủ/Cửa kính đóng xong anh đưa tay đập vỡ/ Đời anh ổn định rồi, anh lại phá tung ra (Không đề II).

Động từ xé đã diễn tả tuyệt đỉnh những giông bão, thét gào, lằn ranh của tự đấu tranh làm mới mình trong tâm hồn của nhà thơ. Anh không bằng lòng với những khuôn mẫu có sẵn trong cách viết, không bằng lòng với chính mình của ngày hôm qua. Nhà thơ muốn đập vỡ, muốn phá tung mọi định dạng phong cách của mình, của nghệ thuật đương thời. Đó cũng chính là phẩm chất của thi sĩ tài năng.

“Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa”

Để xác quyết thế giới nghệ thuật, Lưu Quang Vũ đã kiến tạo nhiều biểu tượng độc đáo. Lửa là một biểu tượng đầy sáng tạo trong thơ Lưu Quang Vũ. Lửa xuất hiện rất nhiều lần và trở thành con mắt thơ, chìa khóa nghệ thuật dẫn vào thế giới của Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ như người thắp lửa sáng tạo, thắp lửa tận hiến cho thi ca nghệ thuật.

Ngọn lửa sáng tạo mãi cháy trong thơ anh, anh muốn truyền cho bạn bè mình. Đó cũng là ngọn lửa yêu thương, yêu đời, yêu người. Những câu thơ vừa giàu chất tự sự, đầy giá trị chiêm nghiệm, triết lí. Cũng có lúc, lửa chính là em. Là tình yêu tái sinh cuộc đời của Lưu Quang Vũ: Anh vẫn nhen một ngọn lửa âm thầm/ Hình bóng em chập chờn trong lửa ấy (Em những tháng năm đau xót và hi vọng).

Lửa tình là một phần đặc sắc nhất trong thơ của Lưu Quang Vũ. Ngọn lửa tình nồng nàn, rực cháy đã sưởi ấm tâm hồn nhạy cảm, u buồn của anh. Đó cũng chính là ngọn lửa làm hồi sinh đời anh, thơ anh.

Câu chuyện tình yêu đẹp đến nao lòng giữa anh và nữ sĩ Xuân Quỳnh đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong thơ. Càng yêu anh càng viết hay hơn, viết nhiều hơn. Tình yêu đó là bến đỗ bình yên cho anh sau những giông bão thét gào. Tình yêu định mệnh đích thực là yêu cả tâm hồn, yêu cả tính cách, yêu cả cái nhìn của nhau. Lưu Quang Vũ đã sống và yêu trong tuyệt đích của sự hòa hợp đó: Lẽ sống và lẽ chết của đời anh/Ta đi mãi về nhau tìm mãi bản thân mình/Cuộc chinh phục suốt đời không tới đích/Cuộc chinh phục suốt đời không chiếm lĩnh.

(Di chúc tình yêu)

Giọng điệu trong thơ anh giàu tính triết lí, chiêm nghiệm, suy tư chứ không chỉ là buồn đau như một số nhận định trước đây. Đó là sự chiêm nghiệm của anh trước sự hiện hữu, trước vô biên và tuyệt đích...  

Thơ Lưu Quang Vũ ám ảnh người đọc bởi chất suy tư, tự vấn trước một hiện thực đang hình thành, đang trộn lẫn giữa cái bình thường và bất thường, xen lẫn xấu - tốt, đòi hỏi một sự đọc sáng tạo. Thơ anh vĩnh viễn thuộc về phía của những vận động, phát triển. Đó là thứ thơ vươn mình lên phía trước bằng cách tự xé, vượt thoát mọi khuôn khổ chật hẹp, mọi định dạng có sẵn: Thơ là bó đuốc đốt thiêu là bàn tay thắp lửa/Thơ sinh sự với cuộc đời không cho ai dừng bước cả/Càng thương yêu càng không vừa ý với mọi điều/Đã qua cái thời nhà thơ nhìn đời bằng con mắt trong veo/Con mắt xanh non ngỡ ngàng như đứa trẻ (Nói với mình và các bạn).

Tiếng thơ ấy đã, đang và sẽ chiếm lĩnh được tâm hồn của bạn đọc như Lưu Quang Vũ từng viết: Hạnh phúc của tôi là được các bạn mến yêu/Là được mến yêu và tin các bạn/Thế hệ mình cần những người dũng cảm/Dũng cảm yêu thương dũng cảm căm thù.

( Nhân kỉ niệm 70 năm ngày sinh và 30 năm  ngày mất của nhà thơ Lưu Quang Vũ 29/8/1988 - 29/8/2018)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.