Theo "Báo cáo lương 6 tháng đầu năm 2018" do JobStreet vừa công bố, cả 4 cấp bậc gồm mới tốt nghiệp, nhân viên, quản lý và quản lý cấp cao đều ghi nhận mức tăng lương so với năm 2017, lần lượt là 11%, 6%, 7% và 30%. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng chênh lệch lương tại Việt Nam với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Lương cấp bậc mới ra trường tại Việt Nam so với các nước. Nguồn: JobStreet |
Ở vị trí mới ra trường, mức lương trung bình tháng được các doanh nghiệp tại Việt Nam đề nghị trong khoảng 250 -380 USD, bằng xấp xỉ một phần sáu của Singapore (1.482-2080 USD) nhưng cao hơn Indonesia (225-307 USD). Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp của Thái Lan và Malaysia có thể nhận được lương cao gấp đôi và gấp ba lần sinh viên tốt nghiệp của Việt Nam.
Chia theo ngành, top 5 ngành tại Việt Nam sẵn sàng chi trả mức lương cao nhất cho người mới ra trường theo thứ tự gồm bất động sản, công nghệ thông tin, thư ký/trợ lý, công nghệ thực phẩm/dinh dưỡng và bán hàng/dịch vụ tài chính. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản đề nghị mức lương bình quân thấp nhất là 378 USD và cao nhất là 629 USD.
Top 5 ngành trả lương bình quân cao nhất cho cấp bậc mới ra trường tại Việt Nam. Nguồn: JobStreet. |
Đối với các vị trí nhân viên từ một đến 3 năm kinh nghiệm, nhà tuyển dụng Malaysia đang đề nghị mức lương cao hơn Việt Nam so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên với các vị trí quản lý/ trưởng phòng và quản lý cấp cao, Việt Nam ghi nhận mức tăng lương đáng kể do nhu cầu tăng cao, vì vậy khoảng chênh lệch lương tại các cấp bậc này so với Malaysia đã thu hẹp hơn so với năm 2017.
Nhìn chung, top 3 ngành trả lương cao cho hầu hết các cấp bậc vị trí tại Việt Nam là dịch vụ luật/ pháp lý, bất động sản và công nghệ thông tin/ máy tính.
Khoảng lương bình quân cho dịch vụ luật/pháp lý dao động từ 383 đến 4.125 USD, tăng 1% so với năm trước; bất động sản từ 378 đến 1324 USD, tăng 9% so với năm trước. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghệ thông tin/ máy tính dao động từ 296 đến 759 USD, tăng 21% so với 2017.
JobStreet cho rằng mức lương tối thiểu của Việt Nam đã rút ngắn khoảng chênh lệch so với Singapore, quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất khu vực Đông Nam Á và tăng trưởng vượt trội so với Indonesia, quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhất khu vực.
Tuy nhiên, dù năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên nhưng vẫn có tới 47.95% nhà tuyển dụng cho biết vẫn khó để tuyển được những ứng cử viên có kỹ năng phù hợp. Kết quả bảng báo cáo lương lần này được rút ra từ 40.000 mẩu tin tuyển dụng vào 6 tháng đầu năm 2018 trên hệ thống JobStreet.