Lương nhà giáo và tư duy chính sách

GD&TĐ - Mặc dù trong Chiến lược phát triển GD 2001 - 2010 cũng như giai đoạn 2011 - 2020, giải pháp phát triển nhà giáo luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm mang tính then chốt, nhưng việc xây dựng chính sách lại chưa thể hiện được điều này, biểu hiện rõ ràng nhất là chính sách tiền lương.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) là “lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”. Việc thể chế hóa chủ trương này trong Luật GD 1998 đã hạ cấp độ yêu cầu của chủ trương xuống còn là: “Thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước” (Điều 71).

Điều này trên thực tế cũng không được thực hiện và vì thế đến Luật GD 2005, chỉ còn quy định: “Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” (Điều 81).

Dự thảo Luật GD (sửa đổi) lần đầu công bố xin ý kiến dư luận (khi đó là dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD) đã luật hóa quy định trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo đó, quy định “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ” đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giáo giới.

Dù ngành GD đã cố gắng bảo vệ quan điểm này, nhưng vì vấn đề tiền lương được cho là cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; do đó dự thảo Luật GD (sửa đổi) hiện nay, vấn đề lương nhà giáo được ghi: “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Trong một phát biểu gần đây, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đã thể hiện sự lo ngại về sự gia tăng khoảng cách giữa một bên là những yêu cầu cao đối với nhà giáo và một bên là sự thiếu hụt về năng lực và phai nhạt về động lực để nhà giáo thực hiện các yêu cầu đó.

Ông dẫn báo cáo về “Giáo viên cho trường học ngày mai”: “Trong hầu hết các nước WEI, các lực thị trường quyết định tính hấp dẫn của nghề dạy học… Khi các lĩnh vực khác của nền kinh tế bắt đầu phát triển thì dường như có dòng chảy đột ngột của những giáo viên giỏi nhất sang những công việc mới hấp dẫn hơn” (OECD, UIS và WEI 2001, tr 91) và nhận định: Các ngành nghề mới với thu nhập cao, điều kiện thăng tiến tốt, môi trường làm việc khoáng đạt, tạo nên lực hút mạnh đối với những người giỏi.

Nếu ngành sư phạm và nghề dạy học không có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiền lương và điều kiện làm việc, không cải thiện môi trường làm việc, không phát huy được tính hấp dẫn ngàn đời của nghề dạy học, thì vô hình chung sẽ tạo ra một thứ lực đẩy khiến người giỏi không đến với ngành sư phạm và giáo viên giỏi không ở lại với nghề dạy học. Thực tế hiện nay ở nước ta đang chứng minh điều này.

Để giải quyết khó khăn trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nhà giáo, trong đó có vấn đề chính sách nhà giáo cần một cách tiếp cận mới mang tính tổng thể. Muốn vậy, rất cần có luật riêng cho nhà giáo để thể hiện nhất quán chủ trương của Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.