Lương nhà giáo

Lương nhà giáo
Hiện chưa nhiều giáo viên sống được bằng lương
Hiện chưa nhiều giáo viên sống được bằng lương

Mới đây, Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành cuốn sách rất hay, nói về những cuộc khám phá trong thế giới mới. Đó là cuốn “Kỷ nguyên hỗn loạn”, mà tác giả của nó là Alan Greenspan - người từng chỉ huy nền kinh tế toàn cầu trong cương vị Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ suốt hơn 18 năm trời. Sự kiện 11-9 long trời lở đất vừa được nước Mỹ tổ chức kỷ niệm sau 8 năm xảy ra là một minh chứng cho nỗ lực thầm lặng của ông cùng các cộng sự nhằm đảm bảo cho nước Mỹ không rơi vào sự sụp đổ kinh tế, kéo theo sự khủng hoảng của cả thế giới.

Cuốn sách “Kỷ nguyên hỗn loạn” của Alan là dự báo có một không hai về bản chất của thế giới mới này, được chắt lọc từ những trải nghiệm của chính ông khi giữ chức Chủ tịch Fed. Điều đáng lưu tâm là trong cuốn sách vĩ đại về các vấn đề kinh tế cũng như chính trị, xã hội này, Alan dành hẳn một chương nói về GD và sự bất bình đẳng thu nhập. Chương này có đoạn: “...cựu Chủ tịch IBM và là người sáng lập Uỷ ban Giảng dạy, đã nêu trong một tiểu luận viết đăng báo ngày 13-12-2004 rằng: Cốt lõi của vấn đề là cách tuyển dụng và chuẩn bị GV kỳ quặc và bảng lương đồng điệu của chúng ta cho tất cả GV, bất kể chuyên môn của họ, bất kể nhu cầu xã hội đang cần một loạt kỹ năng nào đó, bất kể người GV tác nghiệp như thế nào trong lớp học. Đó là một điều vô lý nhưng vẫn là một thông lệ trong nghề dạy học.

Alan viết tiếp: Mức lương khác nhau cho các GV trung học dạy các bộ môn khác nhau có thể là trái với đạo lý người thầy. Có lẽ không nên coi tiền bạc là một động lực. Nhưng nó là như thế… Cách trả lương ngang bằng trong khi nhu cầu đối với các đối tượng lao động không giống nhau chính là một hình thức lũng đoạn giá cả.

Xem xét tình hình ở Việt Nam, có lẽ chúng ta chưa bàn đến việc trả lương khác nhau cho các GV bộ môn khác nhau và lao động khác nhau, với các GV hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chúng ta đang áp dụng nhiều chính sách khác nhau để ghi nhận mức đóng góp của các GV này. Tuy nhiên, vấn đề đáng suy ngẫm ở đây là, mặc dù họ khuyến nghị không nên coi tiền bạc là một động lực với GV, nhưng nó vẫn là như thế. Có nghĩa rằng, nghề giáo cũng như bất cứ lao động nào khác, nó cũng được trả thù lao và thu nhập từ lao động nghề nghiệp vẫn luôn là một trong những động lực quan trọng của nhà giáo.

Vậy mà, một nghịch lý phổ biến đang diễn ra trong xã hội ta, đa số công chức nhà nước không đủ sống bằng tiền lương. Nhà giáo cũng vậy, cho dù lương của họ thuộc loại cao trong hệ thống thang bảng lương công chức, viên chức. Nhưng xã hội lại có cái nhìn khe khắt hơn với nhà giáo khi họ phải làm nhiều việc khác để tăng thu nhập, đảm bảo đời sống. Họ khó có thể thu nhập thêm từ chính nghề của mình, vì nhiều lý do khác nhau. Nếu họ phải làm nhiều việc khác ngoài nghề thì sẽ không còn đủ tâm sức để tập trung cho việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng GD. Bài toán chất lượng GD vẫn cứ phải chờ lời giải…

Có lẽ, đã đến lúc, cần có cách nhìn khác về lao động nhà giáo nói chung và nhà giáo công chức nói riêng. Hãy xem cách tuyển dụng và sử dụng, đãi ngộ GV ở một số trường ngoài công lập có mô hình tương đối tốt và đã khẳng định được “thương hiệu” qua thời gian hoạt động. Thì thấy, rõ ràng, họ đã tạo được động lực cho nhà giáo như thế nào thông qua việc đánh giá và “trả công” một cách công bằng, khách quan. Đó là động lực tinh thần và vật chất rất quan trọng để các GV có thể phát huy hết năng lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp mà mình đã lựa chọn. Tương tự như vậy, một số GV khác không đủ năng lực để hoàn thành sứ mệnh thì họ sẽ tự đào thải mình, khi lương tâm họ lên tiếng.

Cũng trong cuốn “Kỷ nguyên hỗn loạn”, tác giả Alan còn dẫn một kết luận rất có ý nghĩa trong một tài liệu thú vị viết cho Đề án về GD: Nếu hệ thống GD thanh lọc bỏ một phần tư GV kém chất lượng nhất thì có thể nâng được điểm kiểm tra của HS khi tốt nghiệp thêm 14%. Lại một tham khảo nữa không phải là vô ích.

Nguyễn Hoàng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.