Lương duyên 'trồng người'

GD&TĐ - Nhà báo, còn gọi là kí giả. Đây là một nghề được xếp vào các nghề nguy hiểm. 

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Còn nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

Thoáng qua, ta cứ nghĩ nhà giáo và nhà báo chẳng mấy liên quan với nhau. Nhưng ngẫm kĩ, hai nghề lại có cùng mục đích chính là giáo dục con người nói chung. Nhà báo viết bài ở các thể loại như bản tin, phóng sự, xã luận… với mục đích chính là đưa tin đến bạn đọc. Nhưng thông qua các bài viết ở các thể loại trên, nhà báo luôn thể hiện một quan điểm, chính kiến rõ ràng.

Có thể biểu dương, khen ngợi… lan toả điều tốt đẹp đến cộng đồng. Cũng có thể phê phán, lên án những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội để góp phần giúp xã hội phát triển tốt đẹp, nhân văn hơn. Như vậy, mục đích cuối cùng và sâu xa trong công việc của một nhà báo cũng là làm… giáo dục như một nhà giáo.

Nhà báo và nhà giáo có lẽ cũng là hai đối tượng nhạy cảm nhất với những vấn đề xã hội. Họ thường băn khoăn, suy tư, trăn trở trước các vấn đề nóng của đời sống xã hội hiện thời. Có lẽ xuất phát từ mục đích muốn giáo dục, thay đổi xã hội theo chiều hướng nhân văn tốt đẹp nên họ luôn thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao.

Nhà giáo giáo dục bằng hình thức giảng dạy học sinh học tập theo đó kiến thức, kỹ năng, phẩm chất được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhà giáo có thể thông qua giảng dạy, đào tạo, hay nghiên cứu. Nhà báo có thể thông qua các bài viết trên các tạp chí, tạp san… để góp phần nuôi dưỡng, bồi đắp cho tâm hồn người đọc, người học. Như thế, nhà báo hay nhà giáo thực chất đều là giáo dục người khác bằng cách hướng dẫn hoặc thông qua tự học.

Có một thực tế, đội ngũ cộng tác viên, nhà báo đông đảo vốn xuất thân hoặc đang là nhà giáo. Cơ duyên nào nhà giáo đến với nghề báo? Có muôn vàn lý do để giáo viên chạm ngõ làng báo. Trước hết viết bài gửi báo là để được thỏa chí đam mê viết lách, được nói lên chính kiến của mình trước những vấn đề nổi cộm của ngành Giáo dục. Cùng với đó, được truyền tải những thông tin của ngành đến với bạn đọc nhiều hơn; được bày tỏ những khát khao, ước vọng của đồng nghiệp; được lên án những cái xấu, điều bất cập còn tồn tại với mong muốn có được một nền giáo dục tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Ngoài ra, khi thầy cô giáo đang đứng lớp trực tiếp viết bài về các hoạt động giáo dục sẽ góp phần lan tỏa những tấm gương hiếu học, những nghịch cảnh của cuộc sống cần được giúp đỡ của học sinh. Nhà giáo viết bài cũng sẽ hiểu sâu hơn, đồng cảm hơn với hình ảnh tận tụy, hy sinh thầm lặng của đồng nghiệp đối với học sinh, đối với sự nghiệp trồng người.

Một điểm chung nữa của nhà giáo và nhà báo đó là họ đang hoạt động trong một nghề nghiệp nguy hiểm. Mấy ai biết, để có những tác phẩm báo chí đi vào lòng người là cả một hành trình vất vả, mồ hôi và nước mắt, thậm chí xương máu của mình. Nhiều trường hợp muốn có thông tin đắt giá, phóng viên phải dấn thân, cải trang thâm nhập thực tế để có được thông tin sống động. Có phóng viên làm hồ sơ xin việc ở nhà máy, xí nghiệp làm công nhân.

Viết về nghề chạy xe ôm, phải đóng vai tài xế xe ôm. Những thông tin việc tốt, dễ thu thập nhưng có những thông tin chạm đến sự việc tiêu cực thường rất khó khai thác. Có trường hợp phóng viên bị “xử” ngay nơi tác nghiệp. Nếu phóng viên khôn khéo tránh được nhưng khi tác phẩm báo chí phát hành ra cộng đồng xã hội, các tổ chức, cá nhân, nơi xảy ra vụ việc không tốt thuê xã hội đen hành hung nhà báo.

Nghề giáo có phải là nghề nguy hiểm không? Nhiều người vẫn nghĩ rằng, giáo viên chỉ sáng lên lớp dạy vài tiết là xong, Hè lại được nghỉ suốt ba tháng lận. Nhưng sự thật không phải như thế. Hàng ngày, đến trường giáo viên luôn mang theo những nỗi sợ vô hình như có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, bị thanh tra đột xuất, tập diễn, bị chính học sinh của mình dọa nạt… thậm chí có thể bị hành hung.

Câu chuyện thầy giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh bị đánh chảy máu đầu khi xử lý học sinh vi phạm nội quy đồng phục hay thầy giáo ở Quảng Bình bị học sinh chặn đường đâm dao nhọn vào bụng khi nhắc nhở học sinh xóa hình xăm; hay mới nhất ở Hà Tĩnh, một phụ huynh vác dao xông vào trường học bắt thầy hiệu trường phải quỳ xin lỗi… còn ám ảnh cho biết bao người và thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Tôi là một nhà giáo đam mê viết báo và cũng quen biết nhiều đồng nghiệp có cùng sở thích, đam mê ấy. Một trong những đồng nghiệp đam mê viết báo mà tôi ấn tượng nhất là thầy Vũ Đình Tùng. Xuất phát từ thực tiễn khi công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Vũ Đình Tùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2, huyện Krông Bông) sớm kiêm thêm “nghề báo” để nói lên những khó khăn, trăn trở của ngành Giáo dục. Không được đào tạo báo chí bài bản, cũng không phải là phóng viên, song thầy Tùng đã gắn bó với nghề báo không chuyên với bút danh “Tùng Lâm” gần 20 năm nay.

Thầy Tùng chia sẻ, thứ duy nhất thầy mang theo trong hành trình làm báo chính là niềm đam mê. Đây là động lực giúp thầy chu toàn công việc trên trường, có thời gian đi cơ sở thu thập tư liệu viết bài. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm thầy giáo khác đang miệt mài song hành cùng với báo chí. Đó là thầy Trần Văn Toản công tác tại Trường Quốc học Huế cộng tác viên thường xuyên với nhiều tờ báo, đặc biệt là Báo Giáo dục & Thời đại.

Ấn tượng với thầy Toản là ở mảng viết về gương người tốt việc tốt. Đến nay, thầy đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi viết với chủ đề về tấm gương bình dị mà cao quý trong cuộc sống. Đó là cô Nguyễn Kim Anh – giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhiều phụ huynh, học sinh không chỉ ấn tượng với vẻ ngoài năng động, nhiệt huyết mà còn trìu mến gọi cô là “nhà báo”. Đó còn là những người thầy đáng kính đã đi xa như thầy giáo Đặng Thai Mai, thầy Nguyễn Ngọc Ký, thầy Nguyễn Tài Cẩn…

Trong xã hội, có nhiều người cùng một lúc làm nhiều nghề khác nhau nhưng có lẽ chỉ có nhà giáo và nhà báo là có mối lương duyên khăng khít nhất với nhau. Nhà giáo và nhà báo đều có thiên chức như là một kỹ sư tâm hồn. Họ luôn là đôi bạn tri kỉ cùng song hành trên một con đường giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ