Quả thật, thơ muốn hay, tình cảm phải bùng cháy, đó là bản chất của thơ, nguyên tắc của thơ. Chỉ khi nào tình cảm tràn ra thì chữ nghĩa trong thơ mới hàm súc và chắt lọc. Nhà thơ Chính Hữu cũng từng khẳng định: “Chỉ có thể có những bài thơ hay nếu mỗi câu có dính máu của mình trong đó”. Và “Cây xấu hổ” của nhà thơ Anh Ngọc đã khẳng định được điều đó.
Có nhiều cách để con người ta nhìn lại chiến tranh, nhớ về một thời kỳ đầy máu và hoa, có nỗi thương đau nhưng cũng có niềm hy vọng. Đó có thể là vẻ đẹp của những người lính trên đường hành quân kiêu hùng, đẹp đẽ trong “Hành quân giữa mùa xuân” của Lê Anh Xuân hay tinh thần ung dung, lạc quan, bất chấp khó khăn với tình yêu đất nước nồng nàn trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật; tình đồng chí, đồng đội cao cả, thiêng liêng trong thơ của Chính Hữu…
Với Anh Ngọc, từ một “cây xấu hổ” nhỏ bé và giản dị, ông đã ghim được một khoảng trời riêng với đầy đủ sắc màu của những năm tháng hào hùng cho người đọc là một thành công đáng ghi nhận. Bài thơ gồm hai mươi ba câu thơ, là sự kết hợp giữa thể thơ 7 và 8 chữ, gồm 7 khổ không đều nhau, được tổ chức theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình đã tái hiện lại một lát cắt về sự khốc liệt của chiến tranh và tâm hồn tươi trẻ của người chiến sĩ qua cái nhìn của người trong cuộc.
Nếu tạm gác lại những bi thương mất mát của chiến tranh hẳn nhiều người sẽ không thể không nhắc tới những câu thơ phơi phới tin yêu của nhà thơ Lê Anh Xuân:
“Rừng xa vọng tiếng chim gù
Ngân nga tiếng suối, vi vu gió ngàn.
Mùa xuân đẫm lá nguỵ trang,
Đường ra tiền tuyến nở vàng hoa mai.
Hay “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật - khúc hoan ca của những người ra trận trên tuyến đầu chống Mỹ. Với nhà thơ Anh Ngọc, bằng giọng điệu nhẹ nhàng sâu lắng lại có một phát hiện và so sánh thật ý nhị, thầm kín từ loại cây rất đỗi đời thường “Cây xấu hổ”. Hình ảnh này vừa tác động vào trực giác vừa có sức đánh thức tâm khảm người đọc:
Bờ đường chín có lùm cây xấu hổ
Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười.
Ngay từ câu thơ đầu tiên, Anh Ngọc đã giới thiệu với chúng ta một không gian rất cụ thể: “bờ đường chín”. Bờ đường 9 là địa danh tiếp giáp của tỉnh Quảng Trị và khu vực Nam Lào. Nơi đây chiến sự diễn ra vô cùng căng thẳng. Bấy giờ, tác giả là lính thông tin thuộc Trung đoàn 132 làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Nhà thơ rất tinh tế khi tái hiện một góc đường đặc biệt trong những ngày hành quân của người chiến sĩ. Từ hiện thực khốc liệt của chiến tranh, “lùm cây xấu hổ ven đường” nhỏ bé và giản dị tưởng chừng sẽ bị khuất lấp bởi những bộn bề khốc liệt của chiến tranh, vậy mà, nó lại trở thành một điểm nhấn, một điểm sáng gieo vào lòng người chiến sĩ. Để rồi từ đó nụ cười “mỉm” lặng lẽ, kín đáo trước lùm cây xấu hổ xuất hiện. Nụ cười ấy như một sự giao hoà đồng nhất giữa người và cây, giữa hiện thực và lãng mạn, có thể xoa dịu phần nào những bỏng rát của chiến sự:
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Tất cả lộ nguyên hình trần trụi
Cây xấu hổ với màu xanh bối rối
Tự giấu mình trong lá khép lim dim
![Nhà thơ Anh Ngọc. Ảnh: INT the-gioi-tam-hon-kin-dao-tham-sau-va-giau-suc-song-3.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397481a93a63d543757eb089e84a611d11d59c69394fb5597daad15fa064b42df954eddde7c6f67a7d344e42bf7b73ee7fc8355073dd7041dacfa0d0bfb2fbe21794c8252cd66da87c280a236b269b817d13/the-gioi-tam-hon-kin-dao-tham-sau-va-giau-suc-song-3.jpg)
Trong thơ như có họa. Chỉ bằng vài câu thơ ngắn một bức tranh ngôn từ hiện ra sống động, chân thực, phản ánh rõ nét hiện thực hoang tàn, đổ nát của chiến tranh. Nhưng điều mà nhà thơ muốn người đọc hướng tới trong tâm điểm của bức tranh là lùm cây xấu hổ với màu xanh ấy bỗng xuất hiện giữa khung cảnh ấy - dấu hiệu bất diệt của sự sống.
Bản chất của cuộc sống được thể hiện trần trụi nhất trong các cuộc chiến tranh. Ở đấy có niềm vui, sự hân hoan của người thắng trận, có nỗi đau thương, mất mát của cả hai phía. Thậm chí chiến tranh còn huỷ hoại cả những dải màu xanh bất tận của cây cối. Thành ra chỉ với một lùm cây xấu hổ ở bờ đường cũng làm cho “màu xanh bối rối”.
Tác giả lấy từ hiện thực của loài cây có sức sống rất mạnh mẽ, mọc hoang từng khóm ở nhiều nơi, hoa nở tím hồng, màu rất đẹp; lá cây nếu bị chạm vào sẽ tự động khép lại để làm tôn lên giá trị tự thân của nó trong một khung cảnh hoàn toàn đối lập. Qua đó nhà thơ còn khéo léo lồng ghép lời tố cáo của chiến tranh.
Đọc những dòng thơ này, ta lại nhớ đến những lời thơ của Dương Hương Ly trong “Bài ca về hạnh phúc”:
Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc.
Và em gọi đó là hạnh phúc…
Hai hồn thơ ấy không hẹn mà cùng gặp nhau ở sự trăn trở, khát khao về hạnh phúc. Hạnh phúc, niềm vui với người lính đang trải qua chiến tranh nhiều khi giản dị, bé nhỏ đến không ngờ. Đôi khi chỉ là sự bắt gặp sự sống hồi sinh trên cái chết. Biện pháp tu từ nhân hóa “Cây xấu hổ bối rối, tự giấu mình” được dùng xuyên suốt bài thơ. Tác giả biến cây xấu hổ cũng có thái độ, tình cảm y như người.
Gặp người lính chạm khẽ bất ngờ, cây cũng bối rối, tựa như cô gái trẻ ngượng ngùng, e thẹn. “Bối rối” có nghĩa là không biết làm thế nào, chưa biết ứng xử ra sao khi bắt gặp những người lính trẻ, để rồi lá cây khép lại lim dim, nghĩa là mắt khép nhưng còn hé mở.
Tứ thơ thật mới lạ, độc đáo, chứng tỏ tác giả có sự tìm tòi, quan sát, sáng tạo, có những phát hiện đi vào chiều sâu của cảm xúc. Đó còn có thể là những khát khao rất đời của cánh lính trẻ khi nghĩ đến tình cảm mới chớm nở trong lòng, đến sự thẹn thùng, duyên dáng của người con gái ở hậu phương.
Từ láy “bối rối” được nhà thơ sử dụng sáng tạo, nhấn mạnh đặc điểm riêng của cây xấu hổ đồng thời thể hiện cái nhìn tinh nghịch, mang đậm chất lính. Nhờ đó, bài thơ như một lớp kịch ngắn với sự xuất hiện của hai “diễn viên”: Cây xấu hổ và người chiến sĩ. Cả hai đang có sự đối diện đàm tâm, không nói mà thấu hiểu nhau như tri kỷ.
* * *
Như nhan đề bài thơ, cây xấu hổ là hình ảnh trung tâm của tác phẩm. Hình ảnh cây xấu hổ hiện hữu trong khung cảnh này làm cho chiến tranh bớt đi cái cảm giác nặng nề. Nó đã trở thành một khoảng trời bình yên bé nhỏ của những người lính. Vì thế ai cũng muốn giữ gìn, nâng niu nên: Chiến sĩ qua đây ai cũng bước rất êm.
Câu thơ như một sự “chững lại” trong sự chuyển động chậm dần, chậm dần từ khi cây xấu hổ được phát hiện. Trong cái chuyển động ấy là hình ảnh thật lạ lùng của người chiến sĩ. Bom đạn của kẻ thù đã rèn giũa ở họ sự kiên cường, mạnh mẽ, gấp gáp. Bước chân vạn dặm đã đi khắp mọi nẻo đường từ đèo cao đến hầm sâu nhưng giờ đây họ đi thật khẽ, thật êm. Có lẽ tất cả những gì là lãng mạn nhất được hội tụ ở cái sự khẽ khàng của đôi bàn chân ấy.
Thì ra với anh bộ đội cụ Hồ không chỉ cháy bỏng tình yêu Tổ quốc, ý chí quyết tâm tận hiến cho Tổ quốc mà tâm hồn của họ cũng thật hào hoa, lãng mạn, nhạy cảm như một sợi tơ đàn, sẵn sàng rung ngân trước một làn gió nhẹ, một khóm hoa rừng, một tiếng chim gù, một làn gió thổi… Họ đã tìm được phút thanh bình, phút xao xuyến trước những điều rất đỗi bình dị.
![Ảnh minh họa: INT the-gioi-tam-hon-kin-dao-tham-sau-va-giau-suc-song-2.jpg](https://cdn.giaoducthoidai.vn/images/01d9bdbe00638231f04160fb3645397481a93a63d543757eb089e84a611d11d59c69394fb5597daad15fa064b42df954eddde7c6f67a7d344e42bf7b73ee7fc8ecefeb4db704e1bddfc81e1551b097e3c8252cd66da87c280a236b269b817d13/the-gioi-tam-hon-kin-dao-tham-sau-va-giau-suc-song-2.jpg)
Sự giao cảm giữa cây và người được đẩy lên mức độ cao hơn. Cây được so sánh như người con gái e lệ, dịu dàng nhưng cũng đầy tinh tế. Các động từ, tính từ được sử dụng liên hoàn trong vào mỗi câu thơ đưa người đọc vào những miền cảm xúc đầy bất ngờ:
Khi bắt chợt thoảng một bàn chân lạ
Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá
Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào
“Con mắt lá” là hình ảnh đầy sáng tạo, vừa lột tả được dáng hình chiếc lá giống như hình con mắt, vừa cảm nhận được cây cũng biết tương tác với con người. Để rồi anh lính trẻ “tủm tỉm”, cây “chúm chím”, “thập thò nghịch ngợm”.
Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm
Cây đã hé những mắt tròn chúm chím
Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo.
Một lần nữa, từ láy được thi nhân dùng đắc địa, rất gợi tả, gợi cảm. “Tủm tỉm” là một tính từ chỉ nụ cười kín đáo, ý nhị của người lính. Các từ láy liên tiếp: Chúm chím, thập thò, nghịch ngợm là biểu hiện thường có ở những cô gái, chàng trai mới lớn yêu thích nhau. Lớp kịch ngắn được tiếp diễn rất thú vị, hấp dẫn, hành động tập trung vào ánh mắt và cử chỉ.
Mọi biến động của cây và người thật nhịp nhàng và khẽ khàng như những động cựa dần chuyển từ bên ngoài vào trong. Tất cả diễn ra trình tự theo một logic, từ vô tình “bất chợt” gặp nhau rồi trở thành thân quen “thập thò nghịch ngợm” trêu đùa. Cây xấu hổ - cô gái và người lính - chàng trai, cùng đồng điệu giao hòa trong thời khắc tương liên kỳ diệu:
Phút lạ lùng trời đất trong veo
Anh nghe có tiếng reo thầm gặp gỡ
Nhiều dáng điệu thoảng qua trong trí nhớ
Rất thân quen mà chẳng gọi nên lời
Chỉ một phút giây thôi nhưng cả vũ trụ, trời đất lắng lại và cùng thăng hoa, xúc động trong giai điệu của tình yêu ngọt ngào, mới mẻ như khoảng lặng trong bản giao hưởng tình yêu ban đầu. Phút lạ lùng ấy khoảnh khắc thiêng liêng, khi không gian như dừng lại, thời gian như ngừng trôi. Khúc nhạc không lời ấy đẩy lùi rất xa những đau thương chết chóc và sự hủy diệt của chiến tranh, của bom đạn. Chỉ còn những ánh mắt - cửa sổ của tâm hồn - trao nhau kỷ niệm tràn đầy tin yêu…
Phút thanh bình hiếm hoi này đã trở thành chiếc cầu nối cho nỗi nhớ của hiện tại về với kí ức. Ở đấy có những tiếng reo nhưng là reo thầm được cất lên như cuộc gặp gỡ bất ngờ không hẹn trước. Nhưng tất cả mọi cái đều mờ ảo, không rõ rệt. Nó vừa gần đấy, tưởng chừng như có thể chạm vào một cách cụ thể lại vừa không dễ nắm bắt được. Phải chăng đó là ước muốn về ngày hoà bình, là một mong chờ cao đẹp của tất cả những ai cầm súng ra chiến trường?
Có ở trong lằn ranh sinh tử người ta mới thấy khoảng trời bình yên có giá trị như thế nào. Và cứ từng ngày, từng phút điều cao đẹp ấy đã nhen nhóm trong mỗi người chiến sĩ để họ sẵn sàng viết tiếp tuổi 20 vào công cuộc đấu tranh giành độc lập.
* * *
Bài thơ khép lại là những câu có sự láy lại:
Giữa một vùng lửa cháy bom rơi
Cây hiện lên như một niềm ấp ủ
Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ
Ướp vào trong trang sổ của mình.
Điệp ngữ “lửa cháy bom rơi” được lặp lại nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh. Kẻ thù gieo rắc cái chết, bom đạn làm cho rừng không còn màu xanh, đường bị đánh lở loát nhưng sự sống vẫn vượt lên qua hình ảnh cây xấu hổ “hiện lên như một niềm ấp ủ”. Sự tương phản, đối lập trong hình ảnh thơ như một lời lên án chiến tranh, ngợi ca sức mạnh của sự sống và niềm tin thắng lợi.
Kẻ thù không thể hủy diệt được những kỷ niệm đẹp trong tình yêu của người lính khi “hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình…”. Chỉ giản đơn đến nao lòng, bình dị đến nghẹn ngào nhưng là cả tấm lòng chan chứa yêu thương. Để rồi “Và chuyện này chỉ cây biết với anh”. Những câu thơ trên, đặc biệt là câu cuối tách ra, đứng riêng một khổ thơ. Cảm xúc của thi nhân thật trẻ trung, hồn hậu. Đó là sự chín đỏ của cảm xúc.
Nhà thơ có những suy nghĩ mới mẻ và có cách diễn đạt nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tinh tế, phản ánh trực tiếp hiện thực cuộc sống và tâm tình người lính trong cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng và lạc quan. Để rồi từ đó, “Cây xấu hổ” của nhà thơ Anh Ngọc đã khắc chạm được vẻ đẹp tâm hồn người lính thời kháng chiến chống Mỹ.
Nhà thơ Anh Ngọc sinh 1943 tại Nghi Trung (Nghi Lộc, Nghệ An), từng dạy học, nhập ngũ, làm báo và sáng tác, thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt cuộc đời cầm bút, ông đã có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về người lính. Thơ Anh Ngọc hồn hậu, tinh tế, giàu chất suy tư.
Bài thơ “Cây xấu hổ” ra đời tháng 5/1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở giai đoạn ác liệt nhất, khi cả đất nước trùng trùng ra trận. Thi phẩm là bức tranh chân thực, sống động về vẻ đẹp của người chiến sĩ giải phóng quân trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.