Nhà báo Tuyết Nhung được mọi người biết đến thông qua nhiều chương trình truyền hình, đặc biệt hai chương trình quen thuộc “Hà Nội của chúng ta” và "Địa chỉ từ thiện" trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.
Cô từng được nhận nhiều giải thưởng về báo chí. Hàng chục năm gắn bó với nghề báo và hiện đã về nghỉ hưu. Nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2016), nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đã có những chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại.
* Được biết, cô từng học sư phạm, nhưng cô lại không theo nghề dạy học mà quyết định chọn nghiệp “cầm bút”. Tại sao lại có sự rẽ ngang này – thưa cô?
- Ngày đó Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội (khi đó mới chỉ là Đài truyền thanh Hà Nội) bắt đầu mở một bộ phận truyền hình và tuyển phóng viên theo dõi mảng giáo dục.
Tôi đã thi tuyển và được chọn vào làm về khoa giáo – công việc ít nhiều cũng liên quan đến ngành sư phạm mà tôi đã tôi học.
* Vậy 4 năm học sư phạm chắc hẳn đã giúp cô rất nhiều trong vai trò là một phóng viên theo dõi giáo dục?
- Đúng vậy, những kiến thức ở trường sư phạm đã hỗ trợ cho tôi rất nhiều khi tôi làm phóng viên theo dõi giáo dục. Ở trường sư phạm chúng tôi được đào tạo rất cơ bản, nên ít nhiều tôi cũng hiểu về giáo dục.
Do đó khi tiếp cận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này tôi không cảm thấy bỡ ngỡ, ngô nghê và lúng túng như những người “mới toanh”.
Mặt khác, khi ở trường, chúng tôi cũng được học về cách lập dàn ý, viết bài, sửa từ rồi lên trang như thế nào… Những kiến thức này cũng khá gần gũi với cách viết báo nên hỗ trợ rất nhiều khi tôi trở thành phóng viên.
Nói chung, mặc dù không trực tiếp đứng trên bục giảng, nhưng tôi thấy rất vui vì mình cũng đang làm một công việc góp phần cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà phát triển.
* Làm báo là vất vả, nhưng với nữ nhà báo còn khó khăn, vất vả hơn nhiều. Cô có nghĩ như vậy không?
- Giữa sự nghiệp và gia đình bao giờ cũng có một khoảng chênh, nhất là với phụ nữ khi đã chọn nghề báo thì không thể nào nói là mình đã làm trọn vẹn “việc nước, việc nhà”. Do đó phóng viên nữ rất cần sự thông cảm của gia đình, chồng, con.
Tôi khá tâm đắc câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du rằng: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa”. Vì vậy khi đã chọn là nhà báo thì cũng đừng nên kêu ca, vất vả. Bởi chính những khó khăn, vất vả của nghề báo đôi khi lại làm cho mình có sự phấn khích và có thêm động lực mới để vươn lên trong cuộc sống.
* Nhiều người nói nghề báo không chỉ vất vả mà còn nguy hiểm. Cô nghĩ sao về vấn đề này? Theo cô, hiện nay nhà báo đã được pháp luật bảo vệ thỏa đáng để hành nghề hay chưa?
- Thực tế Nhà nước cũng đã có những điều luật để bảo vệ cho nhà báo tác nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi điều đó cũng chưa được chặt chẽ và sâu sắc bởi trước những diễn biến mới của quá trình tác nghiệp báo chí hiện nay đã xuất hiện nhiều mối nguy hiểm hơn, có cái thì hiện hữu nhưng có cái vẫn tiềm ẩn, thậm chí đang manh nha. Song Luật báo chí hiện hành vẫn chưa đề cập hết đến những vấn đề này.
Vì vậy, tôi mong muốn các nhà báo cần được bảo vệ, bênh vực nhiều hơn nữa để họ yên tâm và có chỗ dựa khi phải tác nghiệp trong những lĩnh vực nguy hiểm.
Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để bênh vực và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên của mình.
* Thực tế, ngày càng có nhiều học sinh đăng ký xét tuyển vào ngành báo chí. Trước mùa xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay cô có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ?
- Trước khi chọn nghề báo, tôi muốn nói với các em rằng, đây là một nghề vất vả, phải hy sinh rất nhiều thứ, nhất là đối với các bạn nữ.
Mặc khác trong nghề báo, ranh giới giữa hay và dở rất mong manh, nếu mình không giữ được bản lĩnh thì rất dễ sa ngã.
Hiện nay có không ít các bạn trẻ đã nghĩ đến những hào nhoáng của nhà báo, nào thì được gặp ông nọ, bà kia, được tiếp đón trọng thị, thậm chí còn kiếm được nhiều tiền v.v…
Nếu chỉ vì những lý do đó mà các bạn chọn học nghề báo thì theo tôi các em không nên theo học nghề này. Bởi khi các bạn đã chọn nghề báo thì các bạn phải thực sự đam mê và chấp nhận hy sinh, vất vả và không ngừng học hỏi.
Tôi mong các bạn trẻ nên cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn ngành, chọn nghề mà mình sẽ gắn bó và cũng nên cân nhắc đến nhu cầu xã hội đối với ngành, nghề mà mình sẽ theo học, trong đó có cả lĩnh vực báo chí.
Xin cảm ơn cô!