Lưới lửa phòng thủ nhiều tầng vẫn còn khe hở?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sau khi diễn ra vụ UAV cỡ nhỏ tấn công Moscow hôm 30/5, tờ Defense News của Mỹ đã chỉ ra lỗ hổng lưới lửa phòng thủ nhiều tầng của Nga.

Hệ thống phòng thủ A-135.
Hệ thống phòng thủ A-135.

Theo báo Mỹ, kể từ thập niên 1980, lực lượng phòng thủ Liên Xô đã triển khai mạng lưới phòng không đa tầng để bảo vệ thủ đô Moscow khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và oanh tạc cơ mang bom hạt nhân từ Mỹ.

Sau năm 1991, mạng lưới này vẫn được Nga duy trì và hiện đại hóa thành lưới phòng không dày đặc hơn quanh thủ đô, nhưng chủ yếu được thiết kế để đối phó vũ khí chiến lược và tên lửa tầm xa, mà không chú trọng tới mối đe dọa từ các UAV cỡ nhỏ.

Nhận nhiệm vụ bảo vệ Moscow là Tập đoàn quân Phòng không và Phòng thủ tên lửa Đặc nhiệm số 1, trực thuộc Không quân Vũ trụ Nga. Đây là đơn vị cấp chiến lược, gồm hai sư đoàn phòng không, một sư đoàn phòng thủ tên lửa đạn đạo và các đơn vị phụ trợ.

Hệ thống đánh chặn tầm xa nhất đang bảo vệ Moscow là tổ hợp A-135 Amur được triển khai năm 1995 và thuộc biên chế Sư đoàn Phòng thủ tên lửa đạn đạo số 9. Hệ thống Amur có khả năng đánh chặn ICBM đơn lẻ hoặc phóng theo loạt lớn, nhằm đối phó với học thuyết quân sự Mỹ, vốn luôn ưu tiên đánh phủ đầu bằng số lượng lớn tên lửa ICBM để làm quá tải phòng thủ đối phương.

Hiện có 5 trận địa thuộc hệ thống A-135 tại Moscow, mỗi trận địa có 12-16 tên lửa đánh chặn 53T6. Nga từng thử nghiệm biến thể hiện đại hóa của tên lửa này hồi năm 2018, cho thấy nó có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo đang lao tới mục tiêu ở độ cao 5-30 km và tầm xa 80 km, đạt tốc độ tối đa 21.000 km/h chỉ trong vòng ba giây sau khi phóng.

Lưới lửa đánh chặn thứ hai do Sư đoàn phòng không số 4 và 5 chịu trách nhiệm. Mỗi đơn vị được biên chế 4 trung đoàn tên lửa S-400 và S-300PM tới tầm bắn 200-400 km, cùng hệ thống pháo tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1. Dự kiến, những đơn vị này sẽ được trang bị thêm tổ hợp S-350.

Tầng đánh chặn thứ ba gồm hàng loạt hệ thống Pantsir-S1 đã được triển khai trong nội thành Moscow từ đầu năm 2023, trong đó ít nhất một hệ thống đặt trên nóc trụ sở Bộ Quốc phòng Nga. Đây là các tổ hợp phòng không tầm ngắn, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quan trọng nhất định.

Trong vụ UAV tấn công Moscow hôm 30/5, tổ hợp Pantsir-S1 đã được kích hoạt và phóng tên lửa đánh chặn, trong khi các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung không được kích hoạt.

Cùng với tên lửa đánh chặn, phòng thủ Nga cũng bố trí nhiều hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ thủ đô, nhưng không tiết lộ thông tin về hoạt động của chúng.

Tuy nhiên theo báo Mỹ, một số hệ thống Pole-21, được phát triển để đối phó UAV, tên lửa hành trình và bom sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS), đã xuất hiện tại Moscow từ năm 2016.

Pole-21 là hệ thống ứng dụng thiết kế module, gồm nhiều đài thu phát tín hiệu và gây nhiễu R-340RP, có thể được lắp đặt trên cột ăng ten viễn thông dân sự hoặc khung gầm xe tải quân sự để tăng khả năng cơ động. Các đài được kết hợp vào mạng lưới tác chiến thống nhất để bảo đảm khả năng bao phủ khu vực rộng lớn.

Hệ thống gây nhiễu của Pole-21 được trang bị ba ăng ten, mỗi chiếc có thể vô hiệu hóa tín hiệu vệ tinh trong khu vực có hình rẻ quạt rộng 125 độ, cao 25 độ và bán kính 25-80 km. Mỗi hệ thống Pole-21 có thể kết nối với 100 ăng ten riêng biệt, bao phủ khu vực có diện tích 22.500 km2.

Tờ Defense News cho rằng mạng lưới phòng không đa tầng của Moscow rất uy lực, nhưng vẫn tồn tại một số nhược điểm có thể bị đối phương khai thác.

Theo Ian Williams, chuyên gia tại Chương trình Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ, những hệ thống A-135, S-300, S-400 và Pantsir-S1 đều ra đời từ trước khi UAV cỡ nhỏ trở thành hiểm họa trên chiến trường.

"Những tổ hợp này được thiết kế để đối phó mục tiêu cỡ lớn, có thể phát hiện từ xa như ICBM và oanh tạc cơ. Tổ hợp Pantsir-S1 có khả năng bắn hạ UAV nhỏ và flycam, nhưng đây không phải nhiệm vụ tối ưu của nó khi Nga phát triển", ông nói.

Một số chuyên gia Nga cũng thừa nhận hiệu quả tác chiến của Pantsir-S1 và Pole-21 giảm đáng kể tại những khu vực đông dân cư và dày đặc tín hiệu vệ tinh, khi đối phương có thể lợi dụng các tòa nhà cao tầng để che giấu lộ trình tiếp cận mục tiêu.

"Để đối phó hiệu quả với đòn tập kích bằng UAV cỡ nhỏ, Moscow phải vô hiệu hóa mục tiêu trước khi chúng tiếp cận thành phố. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, do diện tích lãnh thổ Nga quá lớn", Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moskva nói.

"Thế lực thực hiện vụ tập kích bằng UAV hôm 30/5 vào Moscow dường như đã tận dụng tối đa lỗ hổng của hệ thống Pantsir-S1 và những tổ hợp phòng thủ triển khai quanh thủ đô để tiếp cận mục tiêu", Williams nói.

Lỗ hổng phòng thủ Nga tại Moscow không chỉ được giới quân sự phương Tây chỉ ra mà còn được Tổng thống Putin nói đến sau vụ UAV tấn công: "Lực lượng phòng thủ Nga đã hoạt động hiệu quả, nhưng cần tăng mật độ hệ thống phòng không để đảm bảo an toàn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.