Giáo viên còn lúng túng khi giáo dục giới tính cho học sinh

GD&TĐ - Giáo viên còn lúng túng khi giáo dục giới tính, học sinh hiểu nhưng chưa biết cách để bảo vệ bản thân.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương) phát biểu tại hội trường ngày 31/5.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương) phát biểu tại hội trường ngày 31/5.

Đó là thực trạng được đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn đại biểu Quốc hội Hải Dương) đề cập đến khi phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 31/5.

Đại biểu cho hay, những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng khi quan hệ tình dục tuổi vị thành niên không phải là câu chuyện mới, nhưng một lần nữa các vụ việc trẻ vị thành niên mang thai và sinh con gây xôn xao dư luận lại khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: liệu giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được quan tâm hay chưa?

“Mang thai ở tuổi thành niên không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe, mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống” - đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nhấn mạnh.

Đại biểu viện dẫn, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục giới tính được đưa vào các môn học, lồng ghép trong chương trình môn học tự nhiên xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình môn Khoa học lớp 4, lớp 5. Ở bậc THCS, nội dung này ở cuối chương trình Sinh học lớp 8.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, nội dung vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết, giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để được bảo vệ bản thân mình.

Bên cạnh đó, việc chia nhỏ và đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào những môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể.

“Ví dụ, khi tiếp cận bài học giáo dục giới tính thì học sinh sẽ lĩnh hội và trả lời được các câu hỏi như: quan hệ tình dục là hành vi như thế nào, quan hệ tình dục an toàn bằng cách nào? Tôi có nên quan hệ tình dục hay không, khả năng mang thai ra sao và muốn phòng tránh như thế nào?” – đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung viện dẫn và cho rằng, cách tiếp cận này vẫn còn chung chung, mờ nhạt; thậm chí là bị né tránh.

Vì vậy, khi xây dựng nội dung chương trình giáo dục giới tính, dù là chính khóa, ngoại khóa hay là lồng ghép thì điều quan trọng là phải xây dựng thế nào cho đầy đủ. Bởi nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính và nói qua thì không hiệu quả, thậm chí giáo dục không đến nơi, đến chốn sẽ gây tò mò.

Theo đại biểu đoàn Hải Dương, cần cân nhắc, xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học.

Ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích cụ thể, rõ ràng những thắc mắc của học sinh. Có như vậy, giáo dục giới tính mới hiệu quả cao nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.