Bộ Công Thương “phản pháo”
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, ngày 20/4, cơ quan này đã có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ phản hồi về các ý kiến và đề xuất của Bộ Tài chính liên quan tới phương án điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương chỉ thực hiện cuộc họp 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, như vậy là “chưa nghiêm túc”. Bộ Công Thương cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến và số liệu báo cáo đã có Văn bản số 2237/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo. Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đã giải trình việc tiếp thu (hoặc không tiếp thu) ý kiến tham gia của các bộ, ngành cũng như của các thành viên đoàn kiểm tra một cách dân chủ, công khai và minh bạch... Quan trọng nhất, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là “chưa nghiêm túc” và “chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo” như Bộ Tài chính sau này nhận xét.
Về ý kiến Bộ Tài chính cho biết đã hai lần góp ý cách điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được tiếp thu, Bộ Công Thương cho hay báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ Công Thương trình bày nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” (FCFS). Trong cả hai lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm...
Tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6 để “bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia”. Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu “linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế”. Bộ Công Thương đã hai lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính. Bởi cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm. Nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
Về ý kiến cho rằng phương thức điều hành “đăng ký tờ khai trước được xuất trước” (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch. Bộ Tài chính cũng cho rằng ý kiến này của Bộ Tài chính đã “không được Bộ Công Thương tiếp thu”. Theo Bộ Công Thương, trong cả hai lần góp ý cho báo cáo của đoàn kiểm tra, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các “bất cập” của phương thức FCFS.
Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10/4 tại Văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng sau khi cân nhắc tất cả ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo. Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu, số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ...
Khắc phục ngay những bất cập
Về các cơ chế điều hành hạn ngạch do Bộ Tài chính đề xuất, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm rằng, việc đấu thầu hạn ngạch trên thực tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm. Đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng “nhận ủy thác” để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây...
Trước những “lùm xùm”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những bất cập. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thông tin, đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai xuất hiện bất cập. Cá biệt có trường hợp đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống…
Ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính công bố danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn. Cơ quan này cũng đề xuất Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp theo nhu cầu, không tính vào lượng hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 và thời gian tới.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, sự phối hợp trong quá trình thực hiện giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chưa chặt chẽ. Điều này ảnh hưởng lớn đến nỗ lực của Chính phủ trong việc vừa phòng chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất. Hai bộ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục ngay những bất cập hiện nay.
Đồng thời, phối hợp kiểm tra thực tế các doanh nghiệp có gạo đang tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai. Phát hiện những doanh nghiệp khai khống hoặc được cấp hạn ngạch nhưng chưa có gạo... Phó Thủ tướng yêu cầu tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.