Theo ấn phẩm Politico, Sofia đã cho phép hàng triệu thùng dầu từ công ty Lukoil của Nga vào nhà máy lọc dầu của họ ở Burgas, sau đó xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ đã chế biến ra nước ngoài, bao gồm cả sang EU.
Kết quả là Moskva kiếm được thêm 1 tỷ euro, còn riêng đối với Lukoil, họ được lợi gần 0,5 tỷ euro do lỗ hổng trong luật pháp Bulgaria.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia không coi đây là hành vi vi phạm trực tiếp và trắng trợn các lệnh trừng phạt đã được thiết lập.
Một nhà ngoại giao đến từ một trong các quốc gia EU nói rõ rằng chế độ trừng phạt là không hoàn hảo, nó giống với tình trạng của Thụy Sĩ đến mức “trong mọi trường hợp, chúng tôi luôn chậm hơn người Nga 3 tháng”.
Theo quy định của EU, Bulgaria không được bán sản phẩm dầu mỏ ra nước ngoài. Tuy nhiên Sofia có thể cho phép xuất khẩu nếu số nhiên liệu trên được “sử dụng hoàn toàn” ở Ukraine hoặc “không thể lưu trữ ở Bulgaria do rủi ro về môi trường và an toàn”.
Hơn nữa, điều kiện thứ hai có thể được áp dụng nếu “việc bán, cung cấp, chuyển giao hoặc xuất khẩu không được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt”.
Điều này dẫn đến việc từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2023, khoảng 3 triệu thùng dầu chế biến có nguồn gốc từ Nga đã được xuất khẩu từ Bulgaria bằng đường biển.
Dầu của Nga vẫn có cách vượt qua các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu áp đặt. |
Bộ trưởng Tài chính Bulgaria - ông Asen Vasiliev cho biết nhà máy lọc dầu chỉ có thể dự trữ sản phẩm trong tối đa 10 ngày và nhấn mạnh việc miễn trừ các biện pháp trừng phạt cũng sẽ giúp thu về tới 250 triệu euro tiền thuế trong năm nay.
Theo lời ông Vasiliev, Sofia “không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về hoạt động xuất khẩu của Điện Kremlin”.
Hiện tại, công suất tại các cơ sở lưu trữ địa phương của Lukoil tương đương với nhu cầu dầu trong 3 tháng của Bulgaria, tức là khả năng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ vì lý do môi trường là khó xảy ra.
Ngoài ra, Lukoil tuyên bố rằng họ tuân thủ tất cả các quy định luật pháp của châu Âu và Bulgaria, cho thấy rằng “việc tuân thủ hạn ngạch cung cấp dầu cũng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan hải quan Bulgaria”.
EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu vàng, đồng thời phong tỏa nhiều khoản dự trữ ngoại hối của Nga. |