Lo ngại của NATO
Theo tờ Financial Times, trong một sự kiện gần đây tại Brussels, Tổng thư ký NATO sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg đã lên tiếng phản đối việc EU thành lập lực lượng quân sự riêng vì điều này có thể tạo ra sự bất ổn cho "cơ cấu chỉ huy vốn đã thiếu nhân sự" của NATO.
"Tôi không hiểu tại sao lại cần một lực lượng can thiệp khác có tính cạnh tranh", ông Stoltenberg nói.
Một quan chức cấp cao giấu tên chia sẻ với tờ báo rằng EU đang tìm cách hiện thực hóa các nỗ lực phòng thủ của riêng mình, đang chuyển hướng nguồn lực từ các cơ cấu NATO đã được thiết lập.
"Các cấu trúc cạnh tranh tạo ra sự bất ổn... điều này chỉ có lợi cho kẻ thù", tờ báo trích lời vị quan chức này nói.
Các kế hoạch mở rộng đội ngũ quân sự của EU cũng sẽ thu hút quân nhân khỏi cơ cấu chỉ huy thiếu nhân sự của NATO vào thời điểm thiếu hụt tướng lĩnh.
"Tại sao lại cần có hai bộ tư lệnh khi đang thiếu nhân sự bởi chỉ cần một bộ vẫn có thể duy trì hoạt động bình thường", ông Stoltenberg nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng cơ cấu của EU "hút quân" và "NATO thậm chí còn không thể bố trí đủ nhân sự cho một số bộ tư lệnh của mình".
Các quan chức NATO cũng chỉ ra thực tế là các kế hoạch phòng thủ của EU có thể loại trừ một số quốc gia NATO, cụ thể là Vương quốc Anh, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ, vì không có quốc gia nào trong số này là thành viên EU.
Ông Jens Stoltenberg đã giải thích rõ rằng EU không thể bảo vệ châu Âu nếu không có NATO, vì 80% chi tiêu quốc phòng của NATO đến từ các quốc gia ngoài EU.
Kéo EU vào thế chiến
Theo Florian Philippot, lãnh đạo đảng Eurosceptic của Pháp, không chỉ phản đối việc EU thành lập liên minh phòng thủ của riêng mình, NATO còn đang kéo EU vào Thế chiến III.
"Tuyên bố của NATO là một bước đi hướng tới Thế chiến thứ III chống lại Nga. Mọi lời nói đều cực kỳ nghiêm trọng và có thể gây hậu quả lớn. NATO đã chính thức từ bỏ vị thế 'liên minh phòng thủ' - vốn đã bị bác bỏ trên thực tế", Philippot cho biết.
Cùng với nhận định trên, chính trị gia Florian Philippot cũng đã kêu gọi Paris rút khỏi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này.
"Muốn ở lại NATO là đồng ý rằng Pháp sẽ bị kéo vào Thế chiến III vô thời hạn, máu của con cái họ sẽ đổ vì lợi ích của NATO, Tổng thống Emmanuel Macron, sự tham nhũng và sự vô nghĩa của việc này", lãnh đạo của đảng Eurosceptic nói.
Vị chính trị gia này nói thêm về căng thẳng giữa phương Tây với Nga vì vấn đề Ukraine: "Hãy chấm dứt sự điên rồ này, hãy đứng lên vì hòa bình, không cung cấp thêm euro hay vũ khí cho Ukraine!".
Hôm 27/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng quyền tự vệ của Ukraine bao gồm quyền tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên ngoài đất nước.
Ông Stoltenberg cũng xác nhận rằng ông ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây nhằm vào "các mục tiêu hợp pháp" trên lãnh thổ Nga. Đồng thời, ông nói rằng NATO vẫn cam kết tránh đối đầu trực tiếp với Nga.
Ý kiến của các nhà lãnh đạo EU về vấn đề này hiện đang bị chia rẽ.