'Lực hấp dẫn' từ điều đơn giản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cuốn sách 'Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm' đâu như những cuốn sách vật lý thông thường khác.

Cuốn sách 'Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm' do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: Tấn Quyết
Cuốn sách 'Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm' do NXB Trẻ ấn hành. Ảnh: Tấn Quyết

Ở đây, người đọc được thư giãn với những câu từ hài hước, hình vẽ minh họa sống động, và quan trọng hơn, khi cảm thấy kiến thức vật lý trở nên dễ hiểu hơn bao giờ hết.

Đi thẳng vào vấn đề

“Các ngành khoa học tự nhiên có một điểm yếu khiến ta bực bội: Chúng có thể trở thành nhàm chán vô cùng”, tác giả Nick Arnold đã bộc bạch sự khó chịu như thế đối với khoa học tự nhiên. Thế rồi, có lẽ những trở ngại đó cũng chính là động lực để tác giả viết nên cuốn sách này - một cuốn sách nói về vật lý thật dễ hiểu, dễ đọc, từ trẻ em cho tới người lớn đều có thể thư giãn và thu thập ít nhiều kiến thức căn bản về vật lý.

Ba định luật cơ bản của Newton - mới đầu nghe qua chắc chắn mọi người đều nghĩ rằng đó là những vấn đề được biểu diễn bởi các cụm từ chuyên ngành, rất khó hiểu. Nhưng với những câu chữ của Nick Arnold, mọi thứ đều trở nên đơn giản. Ví như, định luật thứ hai có thể minh họa bằng việc tốc độ của quả bóng dựa trên một người dành ra bao nhiêu sức để sút.

Hay với định luật thứ ba, mọi thứ đột ngột trở nên sáng tỏ với một ví dụ mà chắc chắn ai ai đều đã được “trải nghiệm” một lần: Nếu ta đập người vào chiếc đèn đường hay bất cứ một vật thể nào khác, thì những vật thể đó cũng sẽ tác dụng ngược lại với chúng ta đấy! Hoặc có thể kể đến như lực ma sát - chỉ riêng với việc chúng ta xây dựng một tòa tháp bằng bộ bài tú - lơ - khơ mà không bị đổ chính là nhờ công của lực ma sát đấy!

Từ những ví dụ trên, cùng với câu nói mào đầu của tác giả Nick Arnold, ta có thể thấy rõ rằng, đôi khi sự dễ hiểu của một vấn đề nào đó còn phụ thuộc vào sự diễn đạt. Một cách diễn đạt thích vòng vo quanh co rồi mới vào vấn đề sẽ khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán và không muốn đọc nữa.

Nhưng nếu vẫn là vấn đề đó, mà cách diễn đạt thẳng đến nó, cùng với đó là những ví dụ chứng minh quen thuộc, thì dù có phức tạp đến mấy vẫn có thể “giữ chân” người đọc cho đến những dòng chữ cuối cùng.

Tranh vẽ minh họa của Tony De Saulles trong 'Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm'. Ảnh: Tấn Quyết

Tranh vẽ minh họa của Tony De Saulles trong 'Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm'. Ảnh: Tấn Quyết

Những thí nghiệm thú vị

Bên cạnh sự dễ hiểu trong câu từ, cuốn sách cũng đã kết hợp với những thí nghiệm khoa học - yếu tố quan trọng không kém so với sự diễn đạt trong mỗi vấn đề. Những thí nghiệm này rất đơn giản và làm được tại nhà.

Chẳng hạn, thử lấy môi bao quanh cổ chai nước và thử uống nước, hay thử đẩy cánh cửa ở vị trí gần bản lề của cánh cửa, cùng vô số những thí nghiệm hấp dẫn khác.

Những thí nghiệm đó, nếu chỉ nghe qua đều có vẻ buồn cười và có gì đó lố bịch, nhưng nếu để ý kĩ hơn ta sẽ thấy được một thứ làm chủ những thí nghiệm đó: Vật lý! Nếu như thí nghiệm thử lấy môi bao quanh cổ chai nước và thử uống nước để chứng minh sự có mặt của áp suất thì việc thử đẩy cánh cửa ở vị trí gần bản lề của cánh cửa cho thấy tác dụng của đòn bẩy trong cuộc sống thực.

Bên cạnh đó, khi tiếp cận với một sự thật mới mẻ, chắc chắn sẽ vẫn tồn tại cảm giác nghi ngờ rằng không biết điều đó có luôn luôn đúng không? Và chính tại thời điểm đó, những thí nghiệm, ví dụ thực tế sẽ là một công cụ đắc lực giúp chứng minh sự tồn tại của những sự thật đó, để tin tưởng và sẵn sàng làm theo. Quả thực, với mọi vấn đề, “trăm nghe” sẽ không thể nào bằng “một thấy”!

Cuốn “Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm” chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công của bất kì cuốn sách nào: Diễn đạt dễ hiểu, cùng những thí nghiệm đơn giản, có thể tự làm tại nhà.

Nếu một cuốn sách chỉ diễn đạt dễ hiểu mà không hề có chứng minh sẽ khiến cho độc giả e dè, không tin tưởng vào những điều viết trong cuốn sách. Và ngược lại, nếu một cuốn sách tuy có những thí nghiệm chứng minh, nhưng câu văn lê thê, dài dòng thì độc giả sẽ nhanh chóng nhàm chán và không còn hứng thú đọc cuốn sách đó nữa. Chỉ có sự kết hợp của cả hai mới làm cho độc giả có hứng thú và làm theo những sự thật cuốn sách đề cập tới.

Bởi vậy, không còn cảm thấy ngại ngần từ sự cao siêu của khoa học tự nhiên, độc giả có thể “dính chặt” mắt vào cuốn sách sau giờ làm việc căng thẳng với những ví dụ đầy hài hước của Nick Arnold.

Tại một thời điểm khác, họ có thể đọc lại để tiếp thu thêm kiến thức mới, mở mang vốn tri thức của chính mình. Và từ đó, chắc chắn môn Vật lý trong con mắt độc giả sẽ là “một lực hấp dẫn cực kỳ!”.

“Vật lý: Câu chuyện bí hiểm của những lực bí hiểm” là cuốn sách được chắp bút bởi Nick Arnold - người đã không ngần ngại “rơi từ mái nhà” cũng như “ngủ đêm trên những chiếc đệm cắm… đinh” cùng với tranh vẽ minh họa của Tony De Saulles - người đã bị hớp hồn bởi những cây bút chì màu từ khi sinh ra. Cuốn sách nằm trong chuỗi tác phẩm “Horrible Science”, cùng các cuốn sách khác như “Hóa học một vụ nổ ầm vang”, “Thiên nhiên hoang dã”, “Điện học cuốn hút đến tóe lửa”… Cuốn sách dày gần 170 trang, được chia làm 12 chương, kể các câu chuyện về nguồn gốc ra đời của những thứ lực cơ bản trong vật lý cũng như những con người đã khám phá ra chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.