Gần 50 nghiên cứu góp phần giải quyết vấn đề cấp bách đổi mới GD-ĐT

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, đòi hỏi sự thay đổi cung, cầu và cơ cấu lao động của mọi quốc gia, từ đó dẫn đến sự thay đổi của nền giáo dục tương ứng. Ngành Giáo dục đã và đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện đã triển khai những nghiên cứu về những vấn đề cấp bách của giáo dục.

Đến nay, gần 50 nhiệm vụ được xác định để triển khai thực hiện trong Chương trình. Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản đáp ứng được yêu cầu ưu tiên triển khai các nhiệm vụ có tính chất “gỡ nút thắt”, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách trong đổi mới GD-ĐT, trong đó nổi bật là nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam; tự chủ đại học; đổi mới hình thức thi tốt nghiệp; dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tinh giản, hiện đại, cập nhật những nội dung cần thiết để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Đồng thời, vai trò của giáo dục khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học (STEM) thể hiện ở những điểm sau: (i) có đầy đủ các môn học STEM; (ii) cải thiện rõ rệt vị trí của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ; (iii) Yêu cầu dạy học tích hợp và đổi mới phương pháp giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông mới tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM trong chương trình môn học, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh; (iv) Tính mở của chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua nội dung giáo dục của địa phương, kế hoạch giáo dục của nhà trường và những hoạt động giáo dục được xã hội hoá.

Đối với giáo dục đại học, nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã đặc biệt tăng mạnh trong 3 năm gần đây, Việt Nam có khoảng 10.000 bài báo, nhưng 2 năm 2016-2017, đã công bố gần 15.000 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học. Thành lập các nhóm nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học với nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng người học.

Tăng cường hợp tác với doanh nghiệp theo mô hình phối thuộc để đầu tư các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo; nâng cao chất lượng nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn.

Bộ GD&ĐT đã chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên bằng nhiều giải pháp như: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020 ; Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường và các hoạt động văn hóa trong trường học; đang chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học từ năm học 2019-2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ