Luật cấm bán bảo hiểm đi kèm khoản vay: Có hạn chế hiện tượng 'bia kèm lạc'?

GD&TĐ - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã chính thức có hiệu lực từ 1/7, trong đó quy định cấm các ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay.

Nếu có bằng chứng ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, người dân có thể kiện ngân hàng lên các cơ quan chức năng, xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: INT
Nếu có bằng chứng ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, người dân có thể kiện ngân hàng lên các cơ quan chức năng, xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: INT

Chấn chỉnh, khắc phục bất cập tồn tại

Điều 15 luật này quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, có quy định nghiêm cấm các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh vài năm trở lại đây, tình trạng ngân hàng, nhân viên ngân hàng “ép” khách mua bảo hiểm nhân thọ kèm các khoản cho vay diễn ra phổ biến. Nhiều người dân khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng cho biết, bị nhân viên ngân hàng chào mời, ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư thì mới giải ngân cho vay.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính ra chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động này, nhiều khách hàng lại phản ánh bị nhân viên ngân hàng mời chào mua bảo hiểm thì mới được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Trường hợp khách không mua bảo hiểm đi kèm, lãi suất của khoản vay sẽ cao hơn 1 - 2%/năm so với việc đồng ý mua bảo hiểm.

Với việc luật hóa quy định cấm ngân hàng, người quản lý, người điều hành, nhân viên ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng kể trên, nhà điều hành kỳ vọng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Ngoài quy định cấm kể trên, Luật Các TCTD 2024 cũng nghiêm cấm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp.

Cấm tổ chức, cá nhân không phải TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng (trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán).

Đồng thời, luật cũng cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cấm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống TCTD, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Chị Hoàng Thu Lan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, quy định trên là một bước tiến quan trọng nhằm quản lý hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng được chặt chẽ hơn. Điều này góp phần chấn chỉnh, khắc phục những bất cập đã xảy ra trên thị trường trong thời gian gần đây.

“Quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi) về việc cấm ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc sẽ góp phần giải quyết những rắc rối của hoạt động bảo hiểm thông qua ngân hàng.

Thực tế cho thấy nhiều người dân bị nhân viên của một số ngân hàng chào mời, ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi họ gửi tiết kiệm hoặc vay vốn. Thậm chí, có trường hợp đến ngân hàng vay 300 triệu đồng, nhưng phải mua bảo hiểm tới 20 triệu đồng.

Điều này thể hiện việc bán chéo các sản phẩm bảo hiểm đã thúc đẩy các ngân hàng, công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận”, chị Lan thông tin.

Đảm bảo quyền lợi khách hàng

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên yêu cầu các ngân hàng thương mại không “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay tiền, nhưng việc chấp hành còn hạn chế. Vì thế, với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các ngân hàng cần nâng cao tính tuân thủ trong việc bán chéo sản phẩm bảo hiểm.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, bất cứ loại hình kinh doanh nào cũng cần đặt sự công khai, minh bạch thông tin lên hàng đầu. Bởi lẽ, việc tư vấn mập mờ của nhân viên ngân hàng, nhân viên bảo hiểm đã dẫn đến tình trạng người dân gửi tiền trở thành người mua bảo hiểm. Còn người vay tiền lại bị nhân viên ngân hàng “ép” mua các sản phẩm bảo hiểm.

Chuyên gia Trần Minh Phong đánh giá, quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi) đã tách bạch giữa các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng với sản phẩm bảo hiểm. Sự tách bạch này sẽ góp phần tạo nên minh bạch cho thị trường, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo ông Phong, nhân viên ngân hàng thường “lợi dụng” khó khăn của khách hàng để “ép” họ mua bảo hiểm. Còn người vay biết mình bị ép nhưng phải chấp nhận mua vì đang cần tiền.

“Pháp luật về kinh doanh bảo hiểm có quy định các nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong kinh doanh và khai thác bảo hiểm nhằm bảo đảm việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.

Với quy định của Luật Các TCTD (sửa đổi), nếu có bằng chứng ngân hàng “ép” mua bảo hiểm, người dân có thể kiện ngân hàng lên các cơ quan chức năng, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phong nói.

Luật sư Diệp Năng Bình vẫn lo ngại, về lâu dài việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn có thể biến tướng bằng các hình thức khác. Vì thế, theo luật sư Bình, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, khung pháp lý để thị trường bảo hiểm phát triển đầy đủ, toàn diện, lành mạnh. Làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng ngân hàng lợi dụng vị thế của mình để buộc người vay tiền mua bảo hiểm.

“Những sự việc ngân hàng chào bán bảo hiểm trong thời gian gần đây cho thấy doanh nghiệp bảo hiểm đang nương nhờ hoạt động của các ngân hàng. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm chưa phát triển độc lập.

Do đó, khi thị trường này phát triển toàn diện, minh bạch, người dân sẽ tự tin, mạnh dạn tham gia các sản phẩm bảo hiểm mà không lo ngại tư vấn mập mờ”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ