Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Bà Nguyễn Thuý Anh cho hay, chiều 28/6/2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 347/BC-CP với nội dung thể hiện cơ bản nhất trí với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Về cơ bản, dự thảo Luật đã có sự đồng thuận, thống nhất của Chính phủ và các cơ quan có liên quan, đáp ứng đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Về trợ cấp hưu trí xã hội (Chương III từ Điều 21 đến Điều 24), có ý kiến đề nghị cần xây dựng cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; nghiên cứu bỏ quy định giao địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, các nguồn lực xã hội để xây dựng chính sách riêng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo là để có thể xây dựng lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cần phải có đánh giá tác động đầy đủ cả về kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước và tác động tổng thể đến việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội để khi về già có lương hưu, khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật đã quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ”.
Khoản 1 Điều 22 quy định trình tự, thủ tục để địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách Nhà nước và nguồn lực khác để nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. |
Về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần (Điều 72) và Điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 73): Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, việc giải quyết phát sinh chênh lệch giữa người nghỉ lương hưu trước và sau 1/7/2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Chính phủ đã có Báo cáo số 234/BC-CP ngày 25/5/2024 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 gửi các vị đại biểu Quốc hội; trong đó nêu rõ việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương sẽ theo lộ trình phù hợp với thực tế, chưa bãi bỏ ngay mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay và không có sự biến động, thay đổi lớn dẫn đến việc phải điều chỉnh ngay cách tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Điều 74 dự thảo Luật giao Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định các chế độ bảo hiểm xã hội bị tác động khi cải cách tiền lương để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần yếu tố có tính chất quyết định đối với công thức tính lương hưu, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
Việc thay đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần cần được có đánh giá toàn diện, tổng thể.
Trong khi chưa đánh giá được tác động của việc thay đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ như dự thảo Luật.